Với ông Park Seong Kon, Tổng giám đốc Nhà máy HNT VINA thì Hòa Bình là địa điểm đầu tư tốt mà ông đã từng đến và quyết định lựa chọn địa điểm để đầu tư. Việc triển khai làm thủ tục đầu tư, xây dựng hạ tầng, nhân lực đối với nhà đầu tư Hàn Quốc này tại Khu công nghiệp Lương Sơn rất thuận lợi. Ông kỳ vọng, dự án này sẽ tăng tốc đúng tiến độ để trở thành doanh nghiệp đồng hành cùng sự phát triển của địa phương.
Nhà máy Sản xuất modul camera điện thoại di động HNT VINA có tổng vốn đầu tư 20 triệu USD, sản xuất đại trà vào tháng 10/2014. Việc đầu tư vào Hòa Bình không những giúp Công ty TNHH HNT Electronics sinh lời, mà còn giúp đối tác chính là Samsung nâng cao khả năng sản xuất, giảm giá thành sản phẩm.
Trước đó, Hòa Bình đã thu hút được những dự án công nghiệp hỗ trợ có mức đầu tư lớn hơn vào các khu công nghiệp như: Dự án Nhà máy Sản xuất phụ tùng ô tô Nissin (Nhật Bản) có vốn đầu tư 75 triệu USD; Nhà máy Sản xuất nhôm của Tập đoàn Almine (Nhật Bản) 36 triệu USD; Nhà máy Sản xuất và Lắp ráp linh kiện điện tử hỗ trợ cho Tập đoàn Samsung Doosung Tech - Hàn Quốc…
Các nhà đầu tư nói chung, nhà đầu tư công nghiệp hỗ trợ nói riêng, ngay từ khi tiếp cận môi trường đầu tư Hòa Bình, đã nhận được sự hỗ trợ tích cực từ các cơ quan chức năng, nhà đầu tư hạ tầng. Việc tạo điều kiện kết nối với sở, ban, ngành liên quan trong quá trình giải quyết các thủ tục hành chính, thủ tục đầu tư, xây dựng hạ tầng sản xuất đã giúp các nhà đầu tư rút ngắn được thời gian thực hiện, nhanh chóng đưa dự án đi vào hoạt động.
Phát triển công nghiệp luôn là mũi nhọn trong phát triển kinh tế của Hòa Bình, nhất là công nghiệp hỗ trợ. Tuy nhiên, để khai thác hết những tiềm năng và lợi thế của mình, Hòa Bình đang tích cực thu hút đầu tư vào các loại hình du lịch. Minh chứng là tỉnh mới công bố Quy hoạch Phát triển du lịch giai đoạn 2014 - 2020, tầm nhìn đến năm 2030.
Trong đó, UBND tỉnh xác định, phát triển du lịch là ngành kinh tế quan trọng của tỉnh Hòa Bình đến năm 2020. Song nguồn lực để phát triển lĩnh vực tiềm năng này không thể chỉ chờ vào ngân sách và vốn ODA, mà phải huy động các nguồn lực từ xã hội hóa, hợp tác công tư từ các nhà đầu tư FDI, tư nhân trong nước.
Nhờ những cơ chế, chính sách khuyến khích đầu tư, nhiều nhà đầu tư trong nước đã không ngần ngại rót vốn đầu tư. Năm 2014, Công ty cổ phần Du lịch Hòa Bình đã đầu tư 43 tỷ đồng đóng mới 2 tàu du lịch tiêu chuẩn 3 sao. Công ty này cũng đầu tư 65 tỷ đồng nâng cấp Khách sạn du lịch Hòa Bình theo tiêu chuẩn 3 sao. Công ty An Thịnh Tourist đã phối hợp với các công ty lữ hành xây dựng các tour, tuyến, đã phối hợp tổ chức thành công Giải Dù lượn Việt Nam mở rộng năm 2014 tại Bái Nhạ, Lạc Sơn.
Bên cạnh đó, tỉnh đã thu hút được khá nhiều dự án đăng ký đầu tư vào phát triển du lịch: Dự án Cáp treo Hương Bình nối Chùa Hương (Mỹ Đức - Hà Nội) với Chùa Tiên (Lạc Thủy), Dự án Mở rộng đầu tư công viên vui chơi giải trí, du lịch sinh thái và nghỉ dưỡng suối thác Tú Sơn (Kim Bôi), Khu du lịch danh lam thắng cảnh di tích cấp quốc gia quần thể hang động núi Đầu Rồng (Cao Phong)...
Với nhiều tiềm năng, chính sách khuyến khích đầu tư cho các nhà tư, Hòa Bình sẽ là mảnh ghép quan trọng giúp các nhà đầu tư thăng hoa tại thị trường Việt Nam. Lũy kế tính đến ngày 31/12/2014, Hòa Bình có 398 dự án, trong đó 29 dự án FDI, với tổng vốn đăng ký 463 triệu USD và 369 dự án trong nước, với tổng vốn đăng ký 43.665 tỷ đồng.
Theo ông Bùi Hải Quang, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Hòa Bình, để thu hút nhiều nhà đầu tư, Hòa Bình cần phân tích, đánh giá thực trạng và đề ra các giải pháp nhằm cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh; công khai, minh bạch thông tin để các doanh nghiệp, nhà đầu tư tiếp cận, tìm hiểu và định hướng sản xuất - kinh doanh trên địa bàn; cải cách hành chính, rà soát các thủ tục về đầu tư, đất đai, xây dựng, đăng ký doanh nghiệp...