BỘ KẾ HOẠCH VÀ ĐẦU TƯ
CỤC ĐẦU TƯ NƯỚC NGOÀI
TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ ĐẦU TƯ NƯỚC NGOÀI
Thứ Hai, 23/12/2024
Miền Bắc
Thu hút FDI có chọn lọc
Thứ Ba, 30/12/2014 02:17
Thu hút FDI có chọn lọc

Thu hút FDI có chọn lọc theo hướng phù hợp hơn với giai đoạn phát triển mới cũng như tập trung thu hút các dự án lớn, có mức độ lan tỏa để thu hút các dự án đầu tư khác. Đó là chia sẻ của ông Ngô Văn Quý - Giám đốc Sở KH - ĐT Hà Nội với DĐDN.

Theo số liệu của Sở KH - ĐT Hà Nội, trong 3 năm 2011 - 2013, Hà Nội đã thu hút được hơn 753 dự án FDI với tổng vốn đăng ký là 3.801 triệu USD, vốn thực hiện là 2.697 triệu USD.

- Việc thu hút các dự án đầu tư trong và ngoài nước thời gian qua của Hà Nội đã tạo"điểm nhấn", đặc biệt là chủ trương không đi vào số lượng mà thu hút các dự án theo hướng có chọn lọc. Ông có thể cho biết cụ thể hơn về vấn đề này?

Chúng tôi chọn lọc các dự án có chất lượng, có giá trị tăng cao, sử dụng  công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường. Đặc biệt trong lĩnh vực công nghệ thông tin và công nghệ sinh học phục vụ nông nghiệp… Đồng thời, tăng cường thu hút các dự án quy mô lớn, sản phẩm có tính cạnh tranh cao nhằm tham gia chuỗi giá trị toàn cầu của các tập đoàn xuyên quốc gia, từ đó xây dựng, phát triển hệ thống các ngành, doanh nghiệp phụ trợ… Hà Nội ưu tiên thu hút đầu tư vào các ngành công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ nhằm cung ứng đầu vào linh phụ kiện cho các nhà máy sản xuất ô tô, xe máy, máy móc thiết bị. Tập trung thu hút FDI vào công nghiệp điện, điện tử, viễn thông; công nghiệp chế biến nông – lâm – thủy sản, thực phẩm; phát triển các trung tâm thương mại, logistic và công trình hạ tầng khác...

- Quyết liệt trong việc cải cách thủ tục hành chính (TTHC), tạo môi trường đầu tư thân thiện là điểm nổi bật trong thu hút đầu tư của Hà Nội trong thời gian gần đây. Ông có thể cho biết một số nội dung chính của vấn đề này?

Để hấp dẫn các nhà đầu tư, TP xác định rõ việc cải thiện môi trường đầu tư, trong đó vấn đề cải cách thủ tục hành chính là một trong những việc ưu tiên cần làm ngay. Sở đã tham mưu, trình UBND TP ban hành một số văn bản trong giải quyết TTHC trong lĩnh vực đầu tư xây dựng và đăng ký thành lập DN trên địa bàn. Các quyết định này đã giảm được đầu mối, thời gian giải quyết TTHC, góp phần thúc đẩy đầu tư, tăng cường sự tín nhiệm và tin tưởng của các nhà đầu tư hoạt động trên địa bàn TP.

Sau quá trình rà soát, công khai các TTHC theo Nghị định 63/2010/NĐ-CP, Sở đã báo cáo và trình UBND TP công bố các TTHC thuộc thẩm quyền tiếp nhận và giải quyết của Sở.

Ngoài ra, hiện Sở đang phối hợp với Công an TP Hà Nội nghiên cứu, sửa đổi lại Quy chế phối hợp một cửa liên thông, tiến tới rút ngắn thời gian hoàn thành các thủ tục có liên quan tới việc đăng ký thành lập và đăng ký mẫu dấu cho DN nhằm nâng cao một bước về chất, tiếp tục tiết kiệm chi phí hơn nữa, cũng như tạo thuận lợi thật sự cho DN.

- Nhiều nhà đầu tư đánh giá, mặc dù đã đạt được những kết quả không nhỏ trong cải cách TTHC nhưng Hà Nội vẫn còn có những “nút thắt”, tình trạng “một cửa nhưng nhiều khóa” gây khó khăn cho DN. Nhìn nhận của ông về vấn đề này?

Kể từ năm 2009- thời điểm Hà Nội thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về mở rộng địa giới hành chính Thủ đô, chỉ số PCI của Hà Nội có sự biến động khá nhiều qua các năm. Trong 9 chỉ số thành phần, Hà Nội có 4 chỉ số thường xếp ở vị thấp, gồm: tiếp cận đất đai và sự ổn định trong sử dụng đất, thời gian để thực hiện các quy định của nhà nước, chi phí không chính thức và tính năng động và tiên phong của chính quyền.

Theo tôi, nguyên nhân trước hết là do khối lượng công việc Hà Nội phải giải quyết rất lớn, phức tạp, trong khi sự phân công, phân cấp và hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật ở một số lĩnh vực ban hành chậm, thiếu đồng bộ, không ít nội dung còn chồng chéo, bất hợp lý. Sự phối hợp giữa các Bộ, ban, ngành TƯ với TP chưa đồng bộ, chưa kịp thời, nhất là trong việc xây dựng một số cơ chế, chính sách đặc thù để tháo gỡ những khó khăn từ thực tiễn.

Tại địa bàn Hà Nội đã có 63 quốc gia đầu tư với hơn 2.700 dự án với tổng số vốn là 22 tỷ USD, trong đó Nhật Bản là quốc gia dẫn đầu.

Mặt khác, Hà Nội cũng là TP có môi trường cạnh tranh quyết liệt, gay gắt, với số lượng DN rất lớn (trên 95.000, chiếm 1/4 số lượng DN của cả nước). Vì vậy, so với các tỉnh, thành phố khác, DN có nhiều khó khăn hơn khi tiếp cận các dịch vụ công và thực hiện các thủ tục hành chính. Một số thủ tục đã và đang có hiện tượng quá tải như: thủ tục thuế, đăng ký DN, hải quan, bảo hiểm (trung bình 600 - 700 lượt DN/ngày làm thủ tục đăng ký kinh doanh và mã số thuế). Sự quá tải khi thực hiện các thủ tục trên đã làm DN mất thêm nhiều thời gian, chi phí đi lại gây bức xúc cho cả DN và cán bộ thực hiện.

Bên cạnh đó, giá đất của Hà Nội luôn cao nhất trong cả nước, việc tiếp cận đất đai tại Hà Nội luôn mang tính cạnh tranh cao... Những điều này đã ảnh hưởng lớn đến cảm nhận của DN về môi trường đầu tư của TP.

- Trong một cuộc họp với các nhà đầu tư Nhật Bản, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Thảo đã nhấn mạnh: “TP sẽ có những cơ chế, chính sách thiết thực, hiệu quả hơn nhằm cải thiện môi trường đầu tư, thúc đẩy thu hút đầu tư, ưu tiên các nhà đầu tư đến từ Nhật Bản”. Là cơ quan tham mưu, ông có thể cho biết những chính sách mới thu hút đầu tư tới đây của Hà Nội?

Xác định vai trò quan trọng của khu vực FDI nói chung và của khối  FDI Nhật Bản nói riêng, trong giai đoạn 2013 – 2015 và các năm tiếp theo, UBND TP Hà Nội đã ban hành Đề án “Đẩy mạnh thu hút đầu tư trực tiếp từ Nhật Bản trên địa bàn thành phố Hà Nội, giai đoạn 2013 - 2015 và những năm tiếp theo”. Mục tiêu của Đề án là đánh giá thực trạng đầu tư của các DN Nhật trên địa bàn, phân tích những kết quả đạt được, những tồn tại, hạn chế. Đồng thời, nắm bắt nhu cầu đầu tư của nhà đầu tư Nhật Bản để xác định mục tiêu, đề ra các giải pháp, các chương trình kế hoạch hành động thiết thực. Cụ thể, chúng tôi tập trung vào 5 nhóm giải pháp, bao gồm: hỗ trợ, giải quyết vướng mắc cho các DNNhật Bản đang hoạt động tại Hà Nội nhằm tăng lòng tin với DN Nhật; hỗ trợ thông tin, xúc tiến đầu tư; tăng khả năng tiếp cận đất đai, mặt bằng sản xuất, kinh doanh; hỗ trợ về cải cách TTHC trong lĩnh vực đầu tư; hỗ trợ đầu tư khác (về lao động, hạ tầng ngoài hàng rào: điện, nước, công nghệ thông tin…).

- Xin cảm ơn ông!

Lãng Anh

Số lượt đọc: 1671
Thông báo