BỘ KẾ HOẠCH VÀ ĐẦU TƯ
CỤC ĐẦU TƯ NƯỚC NGOÀI
TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ ĐẦU TƯ NƯỚC NGOÀI
Thứ Hai, 23/12/2024
Miền Bắc
Lãnh đạo Hải Dương đối thoại với doanh nghiệp Nhật Bản
Thứ Hai, 03/11/2014 10:11
Lãnh đạo Hải Dương đối thoại với doanh nghiệp Nhật Bản

7 nhóm nội dung liên quan đến vướng mắc về thủ tục pháp lý, cơ sở hạ tầng, cung ứng điện, thuế.v.v… được ông Kawada, Trưởng đại diện Văn phòng JETRO Hà Nội và đại diện các doanh nghiệp Nhật Bản tại Hải Dương thẳng thắn nêu ra với lãnh đạo UBND tỉnh.

“Bỏ yêu cầu lý lịch tư pháp tại Nhật Bản và Việt Nam ra khỏi bộ hồ sơ cần thiết khi xin cấp lại giấy phép lao động. Ngoài ra, đối với hồ sơ xin cấp giấy phép lao động mới, thì chỉ cần công chứng hộ chiếu trang có ảnh, các trang có dấu nhập cảnh khác không cần thiết phải công chứng. Việc khám sức khỏe tại Nhật Bản có cần thiết hay không, khi không thể xin được kết luận của phía Nhật Bản là có đủ sức khỏe để làm việc tại Việt Nam?”. 

Đó là ý kiến đầu tiên của ông Atsusuke Kawada, Trưởng đại diện Văn phòng JETRO Hà Nội, thay mặt các doanh nghiệp Nhật Bản hoạt động trên địa bàn Hải Dương đề đạt với lãnh đạo tỉnh Hải Dương tại buổi gặp mặt các doanh nghiệp Nhật Bản đang hoạt động trên địa bàn tỉnh Hải Dương diễn ra sáng 29/10.

Tại buổi đối thoại, có 7 nhóm nội dung liên quan đến vướng mắc về thủ tục pháp lý, cơ sở hạ tầng, cung ứng điện, thuế.v.v… được ông Kawada và đại diện các doanh nghiệp Nhật Bản tại Hải Dương thẳng thắn nêu ra với lãnh đạo UBND tỉnh.

Trước khi yêu cầu các ban ngành, cơ quan chuyên môn trả lời cụ thể từng kiến nghị, ông Nguyễn Mạnh Hiển, Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương kêu gọi: “Chỉ biết đúng sự thật thì mới có thể có những giải pháp đúng đắn để giải quyết vấn đề. Chúng tôi luôn coi sự phát triển của doanh nghiệp Nhật Bản cũng như các doanh nghiệp khác trên địa bản tỉnh là sự phát triển của Hải Dương. Khó khăn của doanh nghiệp cũng là khó khăn của tỉnh Hải Dương. Vì thế, chúng tôi mong các doanh nghiệp thẳng thắn bày tỏ, nói hết những ý kiến, của mình”.

Tuy vậy, thực tế cho thấy “mặc dù lãnh đạo tỉnh đã rất tích cực trong chỉ đạo, hỗ trợ, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp trong quá trình triển khai dự án, nhưng vẫn còn tình trạng cứng nhắc, dập khuôn trong xử lý; năng lực của một số cán bộ còn yếu; thậm chí, còn có đơn vị gây khó khăn, kéo dài thời gian xử lý công việc đối với doanh nghiệp, gây ảnh hưởng đến môi trường đầu tư của tỉnh”. Ông Hiển thẳng thắn thừa nhận.

Đại diện của Sở Lao động thương binh và xã hội, Cục thuế, Công an tỉnh, Ban quản lý các KCN đã lần lượt có giải đáp với các kiến nghị, vướng mắc của nhiều doanh nghiệp. Về giấy phép lao động, ông Lưu Văn Bản, Giám đốc sở Lao động thương binh và xã hội tỉnh Hải Dương đã cụ thể: “ Đối với lý lịch tư pháp tại nước ngoài thì không bắt buộc phải có trong hồ sơ xin cấp giấy chứng nhận mới và cấp lại. Công chứng hộ chiếu còn hiệu lực trong hồ sơ đề nghị cấp mới, thì nhất trí với đề nghị của doanh nghiệp là chỉ cần sao công  chứng tại tờ bìa, trang ảnh. Liên quan đến khám sức khỏe để xin giấy phép lao động tại Nhật, theo quy định của pháp luật Việt Nam thì doanh nghiệp Nhật Bản có thể sử dụng giấy phép tại Nhật Bản hoặc tại Việt Nam. Theo đó, người lao động nước ngoài có thể đến các bệnh viện tại Hải Dương để khám và xin giấy chứng nhận sức khỏe đủ điều kiện làm việc tại Việt Nam”.

Với vấn đề gây bức xúc nhiều thời gian qua là việc cung cấp và xử lý sự cố điện của điện lực Hải Dương đối với một số doanh nghiệp, ông Trần Văn Cường, Phó Giám đốc điện lực tỉnh Hải Dương cho hay: “Tới đây, điện lực Hải Dương sẽ nâng công suất lên gấp đôi cho các KCN Đại An, Tân Trường, Phúc Điền. Còn với sự cố điện thì cần phải căn cứ vào pháp luật hiện hành. Cần phân rõ, khi lưới điện thuộc phạm vi quản lý do điện lực phụ trách thì chúng tôi sẽ chịu trách nhiệm. Ngược lại, doanh nghiệp sẽ phải chịu trách nhiệm với lỗi, nguyên nhân thuộc về phía mình. Còn ứng xử thiếu tính hợp tác khi thiết bị điện cao áp của doanh nghiệp gặp sự cố gây mất điện thì chúng tôi sẽ có sự điều chỉnh(?)”.  

Và để khắc phục những hạn chế trên, ông Cường đề nghị các doanh nghiệp ký kết hợp đồng sửa chữa, kiểm tra định kỳ các thiết bị điện của mình để tránh các sự cố không đáng có, và các hợp đồng này sẽ được ký trên nguyên tắc tự nguyện.

Bà Phạm Thị Mai, Cục trưởng Cục thuế Hải Dương đã phải thừa nhận:“Vì các chính sách thuế liên tục được điều chỉnh và nhiều quy định chưa rõ ràng đã gây không ít khó khăn với doanh nghiệp”. Bà Mai cũng nêu luôn giải pháp: cơ quan thuế hiện đã thực hiện việc kê khai thuế điện tử và sắp tới sẽ thực hiện nộp thuế điện tử để rút ngắn thời gian làm thủ tục thuế cho doanh nghiệp. Chúng tôi cũng đề nghị các doanh nghiệp cung cấp địa chỉ email để khi có chính sách, quy định mới chúng tôi sẽ thông báo đến doanh nghiệp. Chúng tôi cũng đã thực hiện việc đăng tải giải đáp vướng mắc trên bảng thông tin tại phòng thông tin của Cục để các doanh nghiệp khác cũng được biết".

“Phòng cảnh sát phòng cháy chữa cháy không có chức năng xuất hóa đơn” là phản hồi của ông Nguyễn Đức Hiển, Phó Giám đốc Công an tỉnh Hải Dương khi được yêu cầu trả lời về bức xúc của doanh nghiệp liên quan tới việc không được xuất hóa đơn cho các khoản chi phí trong việc tập huấn PCCC. Không hài lòng với câu trả lời đó, Chủ tịch tỉnh Nguyễn Mạnh Hiển đã tiếp lời: “Đây là yêu cầu hợp lý của doanh nghiệp, do đó, phòng cảnh sát PCCC phải phối hợp với Cục thuế và Sở Tài chính cung cấp hóa đơn cho doanh nghiệp trong thời gian sớm nhất để hoạt động hạch toán chi phí của doanh nghiệp đúng qui định”.

Một số vấn đề khác như hạ tầng trong nội thành Hải Dương còn thiếu đồng bộ (mưa to là tuyến đường chính cũng bị ngập, đèn đường chưa đủ chiếu sáng vào buổi tối,…); nguồn nhân lực biết tiếng Nhật, tiếng Anh tại Hải Dương còn quá thiếu, doanh nghiệp rất khó khăn trong việc tuyển dụng; an ninh trật tự cần được đảm bảo hơn,… cũng được ông Kawada bày tỏ. Những ý kiến này cũng được lãnh đạo tỉnh Hải Dương tiếp nhận và cam kết chỉ đạo các sở, ban ngành có điều chỉnh, khắc phục.

Rất trách nhiệm, ông Kawada cho biết: Trong số 23 địa phương tôi đã làm việc, thì Hải Dương nằm ở vị trí trung tâm giữa Hải Phòng và Hà Nội, có nhiều lợi thế về giao thông và hạ tầng cơ sở. Nhưng hiện nay, một số tỉnh khác có ít lợi thế hơn như: Hà Nam, Hòa Bình, Bắc Giang, Thái Nguyên,… đang dần trở thành đối thủ cạnh tranh với Hải Dương trong việc thu hút nhà đầu tư Nhật Bản bởi cách cải cách TTHC và đồng hành cùng doanh nghiệp của họ rất tích cực. Lấy một ví dụ, Hà Nam hiện có 39 doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư (bằng ½ Hải Dương), nhưng địa phương này đã thiết lập “Japan Desk”, lập “đường dây nóng 24h”, lúc nào cũng có thể trao đổi các vấn đề với Chủ tịch UBND tỉnh Hà Nam.

Hải Dương hiện có 283 dự án đầu tư đến từ 24 quốc gia và vùng lãnh thổ, với tổng vốn đầu tư 6,311 tỷ USD. Trong đó, Nhật Bản có 66 dự án, với tổng vốn đầu tư là trên 1,114 tỷ USD, xếp vị trí thứ 2 trong các nhà đầu tư FDI vào Hải Dương. Đa số các dự án FDI của Nhật Bản tập trung ở các KCN của Hải Dương là 100% vốn đầu tư nước ngoài. Ngành nghề chủ yếu tập trung vào các lĩnh vực như sản xuất, lắp ráp linh kiện điện tử; linh kiện cơ khí; thiết bị viễn thông; khuôn đúc; dây và cáp điện ô tô, khách sạn, dịch vụ tư vấn xúc tiến, hướng nghiệp… Chính vì vậy, việc kịp thời giải quyết các vướng mắc, vấn đề phát sinh trong quá trình đầu tư, hoạt động được tỉnh Hải Dương coi trọng. Những cuộc gặp gỡ, trao đổi thẳng thắn giữa lãnh đạo tỉnh, các cơ quan chuyên môn đã dược doanh nghiệp ủng hộ. Sự cầu thị đó của lãnh đạo tỉnh góp phần tạo niềm tin cho cộng đồng doanh nghiệp đang hoạt động tại Hải Dương.  

Số lượt đọc: 1591
Thông báo