Ngày 17/10, UBND tỉnh Thái Bình tổ chức Hội nghị xúc tiến đầu tư năm 2014, thu hút hàng trăm nhà đầu tư trong và ngoài nước quan tâm, tìm hiểu các cơ hội giao thương, đầu tư.
Tới dự và phát biểu chào mừng Hội nghị, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đánh giá cao những thành tựu, nỗ lực của tỉnh Thái Bình trong việc huy động các nguồn lực, khai thác, phát huy các tiềm năng, lợi thế của địa phương để thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội với tốc độ khá cao và ổn định thời gian qua.
Đặc biệt trong đó, Phó Thủ tướng ghi nhận những dấu hiệu của môi trường đầu tư kinh doanh của tỉnh được cải thiện đáng kể, chỉ số năng lực cạnh tranh qua các năm gần đây đều tăng, năm 2013 là tỉnh đứng thứ 9 về mức độ hấp dẫn đầu tư, nhờ đó thu hút được 736 dự án đầu tư, tổng vốn đăng ký trên 102 nghìn tỷ đồng, tạo việc làm cho trên 143.000 lao động.
Để phát huy những lợi thế về địa lý, nguồn tài nguyên khí-than với trữ lượng lớn, nguồn lao động, Phó Thủ tướng đề nghị tỉnh cần tăng cường công tác xúc tiến thu hút đầu tư hơn nữa, trong đó tập trung đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại.
Trong đó chú trọng đầu tư tuyến đường 39B, tuyến đường Thái Bình-Hà Nam nối với đường cao tốc Cầu Giẽ-Ninh Bình, tuyến đường 217, tuyến đường ven biển; xây dựng mô hình phát triển kinh tế-xã hội gắn với bảo vệ vững chắc quốc phòng, an ninh với những điều kiện đặc thù của địa phương để tạo ra đột phá trong phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh theo hướng bền vững.
Đồng thời, tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý điều hành của chính quyền; tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, rà soát để đơn giản hóa các thủ tục hành chính, bãi bỏ các giấy phép, thủ tục chồng chéo, không phù hợp quy định của Nhà nước, nhất là thủ tục liên quan đến thuế, tài chính, thành lập doanh nghiệp, cấp phép đầu tư...
Hội nghị Xúc tiến đầu tư tỉnh Thái Bình năm 2014 với chủ đề 'Thái Bình - Điểm đến tin cậy, hiệu quả” là cơ hội để các nhà đầu tư trao đổi thông tin, tìm hiểu cơ hội hợp tác đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh; nhất là đối với những lĩnh vực còn nhiều tiềm năng để đem lại lợi ích cho nhà đầu tư và đưa Thái Bình phát triển nhanh, bền vững.
Tại Hội nghị, UBND tỉnh nhấn mạnh, Thái Bình có các thế mạnh, điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế-xã hội.
Thái Bình được biết đến là địa phương có nguồn tài nguyên khoáng sản phong phú, như bể than Đồng bằng sông Hồng, trữ lượng khoảng 210 tỷ tấn, phần lớn nằm trên địa bàn tỉnh Thái Bình; nguồn khí đốt, nước khoáng tự nhiên với trữ lượng lớn.
Không những thế tỉnh còn có đất đai màu mỡ, vựa lúa của Đồng bằng sông Hồng, sản lượng hằng năm đạt trên 1 triệu tấn; có bờ biển và du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng; có hệ thống thông tin, hệ thống giao thông thuận tiện, có nguồn nhân lực dồi dào, chất lượng cao.
Giá trị tổng sản phẩm của tỉnh Thái Bình năm 2013 đạt 37.188 tỷ đồng, tăng 8,8 % so với năm 2012, cao hơn mức tăng trưởng chung của cả nước và một số tỉnh, thành phố vùng Đồng bằng sông Hồng.
Trong 9 tháng năm 2014, tổng sản phẩm của tỉnh đạt 27.720 tỷ đồng (tăng 7,5% so với cùng kỳ năm 2013), tổng giá trị sản xuất tăng 8,01%; cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực. Các nội dung như xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo, an sinh xã hội; an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội đều đạt kết quả tốt.
Đến hết năm 2013, trên địa bàn tỉnh có 3.801 doanh nghiệp với vốn đăng ký 24.062 tỷ đồng, 401 chi nhánh, văn phòng đại diện.
|
Hội nghị thu hút đông đảo các nhà đầu tư trong và ngoài nước tham gia. Ảnh: VGP/Nguyên Linh
|
Tỉnh cũng đã thu hút hơn 700 dự án với số vốn đăng ký đầu tư là 75.808 tỷ đổng, thu hút 143.061 lao động; trong đó có nhiều dự án có vốn đầu tư lớn, trình độ công nghệ hiện đại, như Dự án đầu tư xây dựng Trung tâm Điện lực Thái Bình, công suất 1.800 MW, vốn đầu tư trên 3,4 tỷ USD; Dự án đầu tư xây dựng Nhà máy sản xuất Nitrat Amon, công suất 200.000 tấn/năm, vốn đầu tư 280 triệu USD...
Để cải thiện môi trường đầu tư, tăng cường hoạt động xúc tiến đầu tư, thu hút các nhà đầu tư vào tỉnh, Thái Bình tiếp tục đẩy mạnh thực hiện cải cách hành chính, chỉnh sửa, bổ sung các chính sách theo hướng đơn giản, gọn nhẹ, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động đầu tư của các doanh nghiệp.
UBND tỉnh Thái Bình đã ban hành cơ chế liên thông trong hoạt động đầu tư, trong đó quy định rõ trình tự, thời gian, cơ chế phối hợp của các cấp, các ngành trong việc giải quyết thủ tục cho các doanh nghiệp thực hiện dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh.
Đồng thời tỉnh cũng tích cực triển khai các hoạt động xúc tiến, thu hút đầu tư, đưa ra danh mục 21 dự án trọng điểm kêu gọi các nhà đầu tư trên đa dạng các lĩnh vực, từ điện tử, động cơ, công nghiệp phụ trợ, khai khoáng, nông thủy sản, hạ tầng KCN và hạ tầng giao thông, y tế, môi trường...
Tại hội nghị, các đại biểu đã tham luận những vấn đề, điều kiện cũng như các giải pháp để tỉnh cần xem xét trong việc thu hút đầu tư và các nhà đầu tư khi tới Thái Bình. Trong đó, tập trung đến các vấn đề hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, nguồn nhân lực trình độ cao được đề xuất với lãnh đạo tỉnh và các ban, ngành chức năng quan tâm giải quyết, nhằm tạo mọi thuận lợi cho các nhà đầu tư trong thời gian tới.
Ngay trong Hội nghị, Thái Bình đã chính thức trao Giấy chứng nhận và đón nhận 1 số dự án đầu tư triển khai trên địa bàn với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 28.000 tỷ đồng. Bao gồm Dự án Thu gom phân phối khí 1 số lô mỏ Hàm Rồng, phân phối khí thấp áp KCN Tiền Hải, Nhà máy xử lý rác 300 tấn/ngày và phát điện, Nhà máy sợi dệt vải công suất gần 10.000 tấn, 2 triệu m2/năm, Nhà máy may mặc xuất khẩu 500.000 sản phẩm/năm, 4 nhà máy sản xuất giày dép xuất khẩu, Dự án sản xuất amoniac, điện-nhôm cao cấp...