BỘ KẾ HOẠCH VÀ ĐẦU TƯ
CỤC ĐẦU TƯ NƯỚC NGOÀI
TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ ĐẦU TƯ NƯỚC NGOÀI
Thứ Bảy, 23/11/2024
Miền Bắc
Môi trường đầu tư Việt Nam từ góc nhìn của nhà đầu tư Nhật Bản
Thứ Hai, 13/10/2014 09:51
Môi trường đầu tư Việt Nam từ góc nhìn của nhà đầu tư Nhật Bản

Ông Atsusuke Kawada, Trưởng đại diện Văn phòng Jetro tại Hà Nội tham dự và có bài phát biểu đánh giá môi trường đầu tư Việt Nam từ góc nhìn của nhà đầu tư Nhật Bản tại Lớp tập huấn về Xúc tiến đầu tư khu vực phía Bắc diễn ra trong 2 ngày 8-9/10/2014 tại Quảng Ninh.


Các Công ty Nhật Bản đánh giá cao môi trường đầu tư hiện tại của Việt Nam và Nhật Bản luôn luôn là quốc gia dẫn đầu trong số các quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư tại Việt Nam. Trong 5 năm trở lại đây, Việt Nam luôn là địa điểm được các nhà đầu tư Nhật Bản quan tâm ở vị trí thứ 3 vào các quốc gia ở Châu Á, chỉ đứng sau Trung Quốc và Thái Lan.

Theo Ông Atsusuke Kawada, có 3 giai đoạn bùng nổ của các nhà đầu tư Nhật Bản vào Việt Nam: vào những năm đầu của thập niên 90, Nhật Bản bắt đầu đầu tư vào Việt Nam trong lĩnh vực công nghiệp nhẹ, công nghiệp chế biến, chế tạo,… chủ yếu vào thành phố Hồ Chí Minh và các vùng lân cận. Giai đoạn tiếp theo vào những năm 2006-2008, đặc biệt năm 2008 các nhà đầu tư Nhật Bản đã đăng ký tại Việt Nam với số vốn trên 8,1 tỷ USD, lớn hơn số vốn mà các nhà đầu tư Nhật Bản đăng ký đầu tư vào Việt Nam trong 15 năm trước, chủ yếu vào các địa phương như Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng,… Đây cũng là giai đoạn Việt Nam trở thành thành viên chính thức của Tổ chức thương mại thế giới. Năm 2012 cũng là năm doanh nghiệp Nhật Bản bùng nổ ở Việt Nam với số vốn đăng ký trên 4,3 tỷ USD chủ yếu trong lĩnh vực công nghiệp sản xuất.

Tính đến nay, có trên 2000 doanh nghiệp Nhật Bản đang hoạt động sản xuất kinh doanh tại Việt Nam. Hầu hết các doanh nghiệp nhật Bản có xu hướng đầu tư các nhà máy thứ 2 và thứ 3 vào các tỉnh, thành phố có thời gian vận chuyển dễ dàng từ 2h - 3h từ trung tâm các tỉnh/thành phố của Việt Nam, mặt khác các doanh nghiệp Nhật Bản đang rất kỳ vọng về sự phát triển cơ sở hạ tầng của các tỉnh, so với quốc gia Myanmar, cơ sở hạ tầng của Việt Nam vẫn vượt trên Myanmar và nhiều quốc gia khác trong khu vực, Ông Atsusuke Kawada nói.

Đối với thủ tục hành chính, theo kết quả khảo sát của JETRO - Ấn Độ là quốc gia mất nhiều thời gian nhất trong các thủ tục hành chính, trong đó Việt Nam được đánh giá quá trình giải quyết các thủ tục hành chính ở mức độ trung bình.

Hiện nay, một số các địa phương đã nỗ lực trong việc cải thiện môi trường đầu tư, ban hành nhiều cơ chế chính sách hấp dẫn nhằm thu hút nhiều hơn nữa đầu tư trực tiếp nước ngoài của các quốc gia và vùng lãnh thổ, đặc biệt là thu hút nguồn vốn đầu tư từ Nhật Bản. Trong những năm qua, Nhật Bản và Việt Nam rất tích cực tìm kiếm các biện pháp hỗ trợ các nhà đầu tư Nhật Bản tại Việt Nam như thực hiện Sáng kiến chung Việt Nam - Nhật Bản, thành lập bộ phận hỗ trợ các nhà đầu tư Nhật Bản ở Trung ương và ở một số địa phương như Quảng Ninh, Thái Bình, Hà Nam, cụ thể:

- Quảng Ninh có 4 doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư vào tỉnh. Lãnh đạo tỉnh rất nỗ lực để hỗ trợ các nhà đầu tư Nhật Bản đầu tư vào Quảng Ninh. Mỗi năm có 2 cuộc họp giữa ban tư vấn, Jetro, Jica, nhằm đưa ra các giải pháp thu hút đầu tư nhiều hơn nữa vào Quảng Ninh.

- Hà Nam đã tổ chức nhiều cuộc đối thoại với các doanh nghiệp Nhật Bản nhằm hỗ trợ tháo gỡ khó khăn vướng mắc đồng thời tôn vinh doanh nghiệp đầu tư trên địa bàn. Hiện nay, có 40 doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư vào Hà Nam. Lãnh đạo UBND tỉnh Hà Nam cũng rất tích cực trong cải thiện môi trường đầu tư để thu hút nhiều hơn nữa đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Hà Nam.
- Thái Bình có 3 doanh nghiệp đầu tư vào tỉnh, song Lãnh đạo UBND tỉnh Thái Bình cũng rất tích cực trong các hoạt động mời gọi các nhà đầu tư Nhật Bản vào tỉnh.

Số lượt đọc: 1563
Thông báo