BỘ KẾ HOẠCH VÀ ĐẦU TƯ
CỤC ĐẦU TƯ NƯỚC NGOÀI
TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ ĐẦU TƯ NƯỚC NGOÀI
Thứ Hai, 23/12/2024
Miền Bắc
Hội nghị xúc tiến đầu tư ứng dụng khoa học - công nghệ phát triển sản xuất dược liệu Quảng Ninh
Thứ Hai, 17/11/2014 10:10
Hội nghị xúc tiến đầu tư ứng dụng khoa học - công nghệ phát triển sản xuất dược liệu Quảng Ninh

TCCSĐT - Sáng ngày 09-11-2014, tại thành phố Hạ Long, UBND tỉnh Quảng Ninh tổ chức Hội nghị xúc tiến đầu tư ứng dụng khoa học và công nghệ phát triển sản xuất dược liệu trên địa bàn tỉnh năm 2014.

Tham dự Hội nghị có GS, TS. Lê Quang Cường, Thứ trưởng Bộ Y tế; đồng chí Đặng Huy Hậu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh; đại diện các cục, vụ, các viện nghiên cứu, các chuyên gia của Bộ Y tế, Bộ Khoa học và Công nghệ và lãnh đạo các sở, ngành tỉnh Quảng Ninh, cùng đại diện các nhà đầu tư, các doanh nghiệp.

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Huy Hậu nhấn mạnh về những tiềm năng, thế mạnh, các điều kiện thuận lợi trong việc phát triển dược liệu của tỉnh Quảng Ninh. Đặc biệt, trong đó có nhiều loài dược liệu quý hiếm mang giá trị cao như: ba kích, hồi, quế, trầu một lá, bình vôi, bá bệnh, kim ngân hoa, nhân trần, ý dĩ… Đứng trước nhu cầu dược liệu ngày càng cao, đồng thời thực hiện mục tiêu của tỉnh Quảng Ninh chuyển đổi phương thức phát triển từ “nâu” sang “xanh”, thời gian qua, Quảng Ninh luôn chú trọng đổi mới các chính sách ưu đãi, khuyến khích các doanh nghiệp, tổ chức khoa học, người dân nghiên cứu trồng, phát triển các loại dược liệu trên địa bàn tỉnh và đã có những sản phẩm dược liệu đầu tiên được đưa ra tiêu thụ trên thị trường. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh hình thành nhiều mô hình nuôi trồng, phát triển cây thuốc như: Hợp tác xã Toàn Dân, Công ty TNHH trồng, chế biến và sản xuất dược liệu Đông Bắc, Công ty cổ phần Secoin Quảng Ninh… đã đưa ra thị trường 28 sản phẩm thuốc, thực phẩm chức năng như: Hoạt huyết dưỡng não, Hoàng long não hạt sen, Mẫu sinh đường, Bổ phế thủy, Phong thấp thủy…

Tuy nhiên, việc phát triển dược liệu ở tỉnh Quảng Ninh chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh với nhiều lý do, như việc khai thác tài nguyên cây thuốc còn mang tính tự phát, chưa quan tâm đến tái sinh, bảo tồn, dẫn đến nhiều cây thuốc đứng trước nguy cơ cạn kiệt. Phát triển dược liệu chủ yếu dừng ở mức xuất thô, chưa quan tâm nhiều đến việc chế biến, tạo ra các sản phẩm nhằm tăng giá trị dược liệu. Các sản phẩm thuốc, thực phẩm chức năng sản xuất trên địa bàn tỉnh còn ít, dạng bào chế đơn giản, và chưa có sản phẩm mỹ phẩm có nguồn gốc từ dược liệu được sản xuất trên địa bàn tỉnh.

Để thực hiện mục tiêu xây dựng Quảng Ninh trở thành một trong những trung tâm phát triển dược liệu quốc gia, chuyển đổi cơ cấu cây trồng nâng cao hiệu quả kinh tế, cải thiện đời sống người dân, tỉnh Quảng Ninh thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp như: phát triển vùng dược liệu, ứng dụng khoa học, công nghệ, kỹ thuật tiên tiến vào trồng trọt, sản xuất, phát triển nguồn dược liệu để có những sản phẩm dược liệu chất lượng cao, phục vụ nhu cầu trong tỉnh và cả nước.

Phát biểu tại Hội nghị, GS, TS. Lê Quang Cường, Thứ trưởng Bộ Y tế cho rằng, Quảng Ninh có điều kiện tự nhiên thuận lợi trong phát triển dược liệu, đặc biệt là nguồn dược liệu quý, hiếm. Trên thực tế, thời gian qua, tỉnh Quảng Ninh cũng có nhiều mô hình nuôi, trồng cây dược liệu, sản phẩm dược liệu tiêu thụ và từng bước tạo được hình ảnh trên thị trường. Tuy nhiên, đồng chí cho rằng, việc phát triển dược liệu trên địa bàn tỉnh còn nhiều khó khăn, thách thức. Thứ trưởng Bộ Y tế đề nghị tỉnh Quảng Ninh tiếp tục đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng khoa học, công nghệ vào phát triển nguồn dược liệu quý, hiếm.

Tại Hội nghị, đại diện một số địa phương, doanh nghiệp đã và đang đầu tư trong lĩnh vực dược liệu trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh có cuộc tọa đàm, trao đổi về những thuận lợi, khó khăn, về cơ chế, chính sách, quy hoạch, vốn của tỉnh, địa phương, việc hỗ trợ người dân phát triển nguồn dược liệu; đồng thời, chia sẻ về kế hoạch phát triển nguồn dược liệu tại các địa phương, cũng như gợi ý một số giải pháp để phát triển, như: áp dụng quy trình, công nghệ kỹ thuật vào trồng trọt, sản xuất; việc tranh thủ nguồn lực từ người dân địa phương, chia sẻ lợi ích với người dân…

Cũng tại Hội nghị, Lãnh đạo Bộ Y tế công bố Quyết định thành lập Ban Chỉ đạo xây dựng và Ban soạn thảo Đề án xây dựng “Vườn bảo tồn và phát triển cây thuốc Quốc gia Yên Tử”. Đồng thời, tỉnh Quảng Ninh trao giấy chứng nhận đầu tư cho Trung tâm Bảo tồn, phát triển sinh vật cảnh và Làm vườn Quảng Ninh về dự án trồng rừng, bảo tồn, phát triển cây cổ thụ, cây quý hiếm, cây cảnh quan đô thị và cây xanh xuất khẩu tại huyện Hoành Bồ (tỉnh Quảng Ninh), với tổng vốn đầu tư hơn 25 tỷ đồng. Các đơn vị liên quan ký 13 biên bản ghi nhớ về hợp tác trồng, chế biến, tiêu thụ sản phẩm và đầu tư phát triển vùng dược liệu giữa các công ty dược của Trung ương, địa phương với UBND các huyện, công ty, hợp tác xã tại Quảng Ninh.

Phát biểu bế mạc Hội nghị, đồng chí Đặng Huy Hậu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh khẳng định, thông qua các biên bản ghi nhớ được ký kết, tỉnh Quảng Ninh sẽ có nhiều cơ chế, chính sách về giống, vốn, chuyển giao khoa học, kỹ thuật, cải cách thủ tục hành chính để tạo điều kiện thuận lợi nhất, chia sẻ, động viên, hỗ trợ tối đa cho các doanh nghiệp đầu tư trên địa bàn tỉnh. Tỉnh sẽ tăng cường phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành Trung ương nhằm hỗ trợ, giúp đỡ các doanh nghiệp tiếp cận, nghiên cứu, đầu tư, sản xuất phát triển dược liệu một cách hiệu quả nhất, với mục tiêu xây dựng tỉnh Quảng Ninh trở thành trung tâm dược liệu lớn của cả nước./.

Tin, ảnh: Đình Quyết
Số lượt đọc: 2112
Thông báo