BỘ KẾ HOẠCH VÀ ĐẦU TƯ
CỤC ĐẦU TƯ NƯỚC NGOÀI
TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ ĐẦU TƯ NƯỚC NGOÀI
Thứ Hai, 23/12/2024
Miền Bắc
Phó Thủ tướng dự Hội nghị xúc tiến đầu tư vùng Tây Bắc
Thứ Ba, 07/04/2015 10:44
Phó Thủ tướng dự Hội nghị xúc tiến đầu tư vùng Tây Bắc

15 dự án được trao giấy chứng nhận đầu tư, tổng số vốn đầu tư xấp xỉ 10 nghìn tỷ đồng

Như đã thông tin, trong khuôn khổ Chương trình “Chung tay cùng đồng bào Tây Bắc” tổ chức tại huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La, sáng 4/4 đã diễn ra Hội nghị xúc tiến đầu tư vùng Tây Bắc và vinh danh các doanh nghiệp tiêu biểu.

Dự Hội nghị có bà Tòng Thị Phóng - Ủy viên Bộ chính trị, Phó Chủ tịch Quốc hội; ông Nguyễn Xuân Phúc - Ủy viên Bộ chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Ban chỉ đạo Tây Bắc; trên 500 đại biểu là đại diện lãnh đạo các tỉnh vùng Tây Bắc, đại diện các bộ, ban, ngành Trung ương, các nhà quản lý, trong đó có gần 200 đại biểu là các doanh nhân và nhà đầu tư tiềm năng, các tổ chức tài chính, tín dụng, cơ quan xúc tiến thương mại và đầu tư trong và ngoài nước.

Tây Bắc là địa bàn chiến lược đặc biệt quan trọng về kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh và đối ngoại của cả nước, có vai trò quyết định đối với môi trường sinh thái của cả vùng Bắc Bộ. Trong thời gian qua, vùng Tây Bắc được Đảng, Chính phủ quan tâm đặc biệt và có nhiều chính sách đầu tư, ưu đãi nhằm nâng cao đời sống kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, do kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội còn thiếu và yếu, thiên tai diễn biến bất thường, xuất phát điểm thấp, đồng bào dân tộc thiểu số chiếm tỷ lệ cao, nên hiện nay Tây Bắc vẫn là địa bàn nghèo và khó khăn nhất nước ta. Vì vậy, đầu tư cho vùng Tây Bắc là nhiệm vụ luôn được Chính phủ ưu tiên.

Tại Hội nghị xúc tiến đầu tư này, các nhà quản lý, nhà khoa học và nhà đầu tư, doanh nghiệp trong nước và quốc tế đã có dịp gặp gỡ, trao đổi về công tác quản lý nhà nước, các cơ chế chính sách, môi trường đầu tư, cũng như thiết lập quan hệ hợp tác, liên kết phát triển kinh tế - xã hội vùng Tây Bắc. Ông Nobuyuki Toyama, Giám đốc Công ty TNHH Giống cây trồng Takii Việt Nam cho biết: “Những lý do chủ yếu mà chúng tôi xây dựng dự án đầu tư tại Việt Nam là điều kiện đất đai, khí hậu ở đây rất thuận lợi. Thêm vào đó, nguồn nhân lực của Việt Nam cũng rất tốt. Ngoài ra, chúng tôi còn nhận được sự giúp đỡ, ủng hộ nhiệt tình từ chính quyền địa phương”.

Tại hội nghị, Ban tổ chức đã huy động được 29 đơn vị tài trợ cho công tác An sinh xã hội vùng Tây Bắc, với tổng nguồn vốn tài trợ đạt 502 tỷ đồng. Các ngân hàng cam kết đầu tư vốn tín dụng cho 12 dự án, với tổng vốn 4.700 tỷ đồng. Trao giấy chứng nhận đầu tư cho 15 dự án, tổng số vốn đầu tư xấp xỉ 10 nghìn tỷ đồng; ký biên bản thoả thuận cam kết hợp tác đầu tư 17 dự án, với tổng số vốn gần 12 nghìn tỷ đồng. lựa chọn và biểu dương 59 doanh nghiệp tiêu biểu đã có những đóng góp đặc biệt quan trọng vào sự phát triển chung của vùng, tích cực tham gia công tác an sinh xã hội, hỗ trợ đồng bào nghèo vùng Tây Bắc.

Ông Trương Xuân Cừ, Phó trưởng Ban phụ trách Ban chỉ đạo Tây Bắc cho biết:  “Chúng ta phải khẳng định rằng Tây Bắc muốn phát triển thì phải có các nhà đầu tư. Cho nên chúng tôi nghĩ rằng việc mời gọi, thu hút các nhà đầu tư để đầu tư vào vùng là hết sức cần thiết. Ngoài các cơ chế chính sách ra thì cũng phải tuyên truyền vận động các doanh nghiệp, các nhà đầu tư là lợi nhuận cũng vừa phải, cái chính là chia sẻ với đồng bào, giúp đỡ đồng bào, bởi đồng bào vùng Tây Bắc cũng cần cù chịu khó, nhưng do lịch sử để lại, do điều kiện tự nhiên…nên hiện nay vùng này đang còn quá khó khăn so với mặt bằng chung của toàn quốc”.

Sự đầu tư của các doanh nghiệp trong nước và quốc tế sẽ góp phần giúp Tây Bắc có thêm nguồn lực để tiếp tục khơi dậy tiềm năng, thế mạnh và cơ hội hợp tác đầu tư; góp phần xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống cho đồng bào các dân tộc Tây Bắc –vùng phên dậu của Tổ quốc./.

Thu Thùy/VOV- Tây Bắc



Số lượt đọc: 1646
Thông báo