BỘ KẾ HOẠCH VÀ ĐẦU TƯ
CỤC ĐẦU TƯ NƯỚC NGOÀI
TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ ĐẦU TƯ NƯỚC NGOÀI
Thứ Hai, 23/12/2024
Miền Bắc
Bấm nút đột phá cho Tây Bắc
Thứ Năm, 09/04/2015 04:57
Bấm nút đột phá cho Tây Bắc

Chiều nay (ngày 3/4/2015), Hội nghị Xúc tiến đầu tư, an sinh xã hội Vùng Tây Bắc sẽ có những hoạt động mở đầu trong lịch trình làm việc 2 ngày tại Sơn La.

Thêm một lần nữa, các nhà hoạch định chính sách, lãnh đạo các địa phương và giới đầu tư - kinh doanh sẽ cùng ngồi với nhau, bàn cách thu hẹp khoảng cách giữa miền núi với miền xuôi. Song, có lẽ đã đến lúc, nên giao nút bấm để Tây Bắc bứt phá cho cộng đồng doanh nghiệp.

Phải thừa nhận, Vùng Tây Bắc chưa thực sự là một địa điểm hấp dẫn đối với các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Có nhiều lý do để nói như vậy. Xét ở các yếu tố được xem xét đến đầu tiên khi quyết định đầu tư, đó là vị trí địa lý, cơ sở hạ tầng và nguồn nhân lực, có thể nói, đây là các điểm kém hấp dẫn nhất của Vùng Tây Bắc.

Dù có 60.000 km đường bộ, trong đó có khoảng 10.000 km quốc lộ, có đầy đủ các loại đường bộ, đường sắt, đường thủy, đường hàng không, song do địa hình chia cắt, đồi núi, giao thông Tây Bắc còn rất khó khăn, tác động bất lợi tới chi phí đầu tư - kinh doanh.         

Ngay cả đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai đã kéo vùng này về gần với các trung tâm phát triển kinh tế, song chưa đủ tạo nên đột phá khi việc kết nối với các tỉnh còn lại vẫn đang là phương án.

Thứ nữa, Tây Bắc là vùng nghèo nhất trong cả nước. Nhìn vào danh sách 12 tỉnh Tây Bắc - phạm vi chỉ đạo trực tiếp của Ban Chỉ đạo Tây Bắc (gồm Hà Giang, Lào Cai, Yên Bái, Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Hoà Bình, Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Phú Thọ, Tuyên Quang và 21 huyện phía Tây của hai tỉnh Thanh Hoá và Nghệ An), có thể thấy, đa phần các địa phương chưa có khả năng tự cân đối ngân sách. Sự chủ động trong các kế hoạch cải thiện cơ sở hạ tầng, chính sách thu hút đầu tư của chính quyền địa phương khá hạn chế.

Nhưng liệu đó có phải là những lý do chính. Và có cách nào khỏa lấp những rào cản này, khơi dòng vốn vào những tiềm năng rất đáng kể của vùng như phát triển kinh tế biên mậu, công nghiệp khai khoáng, lâm nghiệp và du lịch với nhiều thế mạnh được xác định là “đặc sản”…

Nhìn vào Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của các tỉnh này do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam công bố, sự khác biệt khá rõ về thứ hạng trong đánh giá của các doanh nghiệp. Lào Cai, Điện Biên, Lai Châu đứng ở top đầu với mức điểm khá và trung bình so với cả nước. Sơn La, Hà Giang, Phú Thọ, Bắc Kạn ở mức tương đối thấp. Điểm thấp dành cho các tỉnh còn lại, trong đó Tuyên Quang đứng ở vị trí chót bảng trong tổng số 63 tỉnh, thành phố của cả nước.

Rõ ràng, trong cùng một vùng với những lợi thế và khó khăn tương đồng, năng lực điều hành kinh tế, mức độ cải cách hành chính, sự hỗ trợ giúp đỡ doanh nghiệp và nhà đầu tư của chính quyền địa phương đóng vai trò rất quan trọng đối với hoạt động thu hút đầu tư trong và ngoài nước vào tỉnh nói riêng và toàn vùng nói chung.

Như vậy, dư địa cải cách cho các tỉnh trong khu vực rất lớn để tăng sức hấp dẫn của môi trường đầu tư – kinh doanh.

Nhưng cùng với đó, giải pháp tổng thể trong chiến lược phát triển kinh tế Vùng Tây Bắc cũng phải thay đổi, đảm bảo tính thị trường và thúc đẩy liên kết của các giải pháp. Bởi, nhìn trên tổng thể, tính hấp dẫn của các cơ hội đầu tư trong Vùng phụ thuộc rất lớn vào hiệu quả liên kết giữa các địa phương trong vùng, giữa vùng Tây Bắc với các trung tâm phát triển, nhất trong lĩnh vực phát triển vùng chuyên canh gắn với công nghiệp chế biến nông, lâm sản; liên kết kinh tế giữa các khâu (sản xuất - chế biến - tiêu thụ sản phẩm); giữa các yếu tố (đất đai, sức lao động, vốn đầu tư, công nghệ); giữa hộ nông dân với doanh nghiệp, nhà khoa học, nhà nước...

Trong xây dựng cơ chế, chính sách để thúc đẩy các mối liên kết này, sự tham gia của doanh nghiệp, nhà đầu tư cần được coi là điều kiện tiên quyết.


Số lượt đọc: 2106
Thông báo