Tại Việt Nam, ban đầu các doanh
nghiệp bị đứt gẫy nguồn cung nguyên liệu, chủ yếu từ Trung Quốc, đặc biệt đối
với những ngành sản xuất có tính gia công cao, phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu
nước ngoài như dệt may, da giầy. Giai đoạn tiếp theo vào tháng 3, khi nguồn
cung đó được hồi phục một phần thì thị trường đầu ra, đặc biệt là ở Châu Âu và
Hoa Kỳ bị ảnh hưởng làm cho các doanh nghiệp vô cùng khó khăn.
Tình trạng đóng cửa biên giới phía
Bắc, tiếp đến là phía Tây, Tây Nam. Các phương tiện vận chuyển cũng bị cắt
giảm, bao gồm cả hàng không. Lượng hàng giao dịch cũng giảm xuống do nhu cầu
giảm. Đến nay ở biên giới phía Bắc đã khôi phục được tương đối, còn phía Tây và
Tây Nam thì vẫn đang còn đóng cửa.
Trong bối cảnh này, với ngành được
coi là xương sống của nền kinh tế , đồng hành với tất cả các lĩnh vực hoạt
động, từ sản xuất, phân phối, lưu thông cho đến tiêu thụ là logistics , cũng
đứng trước tình trạng "sập nguồn" đột ngột. Đứt cung, gãy cầu, các
doanh nghiệp trong ngành logistics buộc phải nghĩ đến và tìm kiếm những cơ hội
trong nền tảng kinh tế số.
BizLIVE ghi nhận ý kiến của các
chuyên gia, doanh nghiệp đã chia sẻ tại toạ đàm trực tuyến mới đây với chủ đề
“Covid-19 và tác động đến chuyển đổi số trong chuỗi cung ứng Việt Nam”.
COVID-19 ĐÃ RÈN LUYỆN CHÚNG TA KHẢ
NĂNG CHỊU ĐƯỢC THỬ THÁCH
Ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục
Xuất Nhập khẩu, Bộ Công Thương
Đại dịch Covid 19 là thử thách lớn
cho chúng ta trước những biến động khủng hoảng đặt ra. Vấn đề đến với các doanh
nghiệp không chỉ lo chạy theo những yếu tố cạnh tranh trước mắt như nâng cao
doanh thu đơn thuần hoặc tìm kiếm thêm được 1 hợp đồng mới mà đằng sau đó là
việc xây dựng một cơ sở để phát triển lâu dài, có thể lợi nhuận trước mắt chưa
tăng ngay nhưng sẽ tạo ra được những thay đổi tốt về quản trị nguồn nhân lực
công nghệ cao, ứng dụng nền tảng công nghệ số để có tác phong làm việc hiệu quả
cao.
Covid-19 đã rèn luyện cho chúng ta
khả năng chịu được thử thách và cách ứng phó với những khó khăn.
Chuyển đổi số đã đề cập đến trong
vài năm gần đây. Nhưng Covid-19 bùng nổ đem chuyển đổi số đến với cuộc sống 1
cách tự nhiên, xuất hiện trong mỗi gia đình từ bà nội trợ đến các em bé mầm
non. Tuy nhiên, nếu để quá trình đó diễn tiến tự nhiên thì nó sẽ diễn ra rất
chậm, cần phải có cú hích từ Chính phủ, các Hiệp hội đến bản thân doanh nghiệp
mới có hiệu quả.
CÁC DOANH NGHIỆP CHUYỂN ĐỔI TỪ SỐ 0
LẠI LÀ MỘT LỢI THẾ
Ông Đào Trọng Khoa, Chủ tịch Hiệp
hội doanh dịch vụ logistics Việt Nam (VLA)
Khi chuỗi cung ứng bị gián đoạn thời
gian vừa qua, các hoạt động của doanh nghiệp logistics bị ảnh hưởng nhiều. VLA
mới thực hiện khảo sát vào giữa tháng 3 vừa qua, thì 50% doanh nghiệp bị giảm
doanh thu từ 10 đến 30%, các doanh nghiệp bị giảm từ 30 đến 50% doanh thu là
trên 10%. Covid-19 là sự kiện xảy ra bất
ngờ với cả toàn cầu. Những khó khăn do Covid-19 đem lại quả thật rất khó để giải
quyết ngay.
Lúc này là lúc chúng ta có cơ hội
nhìn lại nền tảng dịch vụ của các doanh nghiệp logistics và xem xét các cơ hội
để cải thiện. Xem trong quá trình vận hành của doanh nghiệp có thể đáp ứng được
những tình huống bất ngờ như thế nào, có dịch vụ nào có cơ hội nổi như
logistics cho thương mại điện tử, đây không chỉ là giải pháp tình thế mà còn là
xu hướng phát triển của logisctic.
Chuyển đổi số giúp các doanh nghiệp
tham gia vào chuỗi cung ứng lớn hơn, nhưng để thành công phải có sự cam kết,
quyết tâm từ lãnh đạo để gây dựng được văn hóa doanh nghiệp tạo nên nhận thức
việc chuyển đổi số là tất yếu. Doanh nghiệp logisitcs thì có rất nhiều mảng
dịch vụ khác nhau nên có cách tiếp cận khác nhau, hiện nay nhiều doanh nghiệp
đang áp dụng những ứng dụng độc lập, cho từng mảng dịch vụ riêng lẻ.
Nên có lộ trình ngay từ đầu và phải
thực hiện dài hơi, tầm nhìn dài hạn, lựa chọn quy trình phù hợp, lựa chọn nhà
cung cấp phù hợp, tài chính phù hợp để tạo nên 1 hệ thống liên hoàn với nhau
chứ để tích hợp các hệ thống rời rạc lại thì cũng là vấn đề khó khăn.
Có 1 điều là đối với các doanh
nghiệp chuyển đổi số từ số 0 thì lại là 1 lợi thế so với các doanh nghiệp già
cỗi. Ví dụ như Nhật bản đã đi trước chúng ta rất nhiều về công nghệ nhưng trong
logistics, tại các bến bãi họ vẫn đang dùng những màn hình đời rất cũ ngày xưa.
CHUYỂN ĐỔI SỐ KHÔNG PHẢI LÀ MỘT CUỘC
THI VỀ CÔNG NGHỆ MÀ LÀ SỰ THAY ĐỔI NHẬN THỨC
Ông Phí Anh Tuấn, CEO PAT
Consulting, Phó Chủ tịch Hội tin học TP.HCM
Với các doanh nghiệp logistics,
chúng ta nên đề cập đến các quy trình liên thông, quy trình kết nối giữa các
doanh nghiệp trong chuỗi hệ sinh thái với nhau, ứng dụng công nghệ mới để tạo
ra sự khác biệt, nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp.
Nói đến mô hình kinh doanh số
(digital business), nếu doanh nghiệp chú trọng hướng ra bên ngoài thì tập trung
ứng dụng các kết nối đối tác, kết nối khách hàng. Còn mô hình số hướng nội là
chú trọng vào các ứng dụng cải tiến quy trình sản xuất, quản lý hoạt động nội
tại của doanh nghiệp. Hoặc kết hợp cả hai.
Tôi không cho rằng chuyển đổi số là
1 cuộc thi về công nghệ mà là sự thay đổi nhận thức, từ chủ doanh nghiệp, các
thành viên, nhân viên trong tổ chức để thực hiện quy trình, nó dành cho tất cả
các đối tượng doanh nghiệp chứ không chỉ với doanh nghiệp lớn.
Thực tế chúng ta đã dùng chuyển đổi
số từ lâu bằng việc ứng dụng các phần mềm trong một số các nghiệp vụ trong tổ
chức, doanh nghiệp như phần mềm kế toán, phần mềm văn phòng, ERP... Bây giờ
chúng ta hướng đến quá trình chuyển đổi số cao hơn, hệ thống hơn và quan trọng
là phải có lộ trình phù hợp với từng doanh nghiệp.
Sự xuất hiện của Covid-19 có thể coi
là 1 phương tiện truyền thông miễn phí đối với tất cả mọi người để thay đổi
nhận thức về số hóa, về những ứng dụng các giải pháp công nghệ trong đời sống
và hoạt động sản xuất kinh doanh, điều này thúc đẩy quá trình chuyển đổi số
diễn ra nhanh hơn.
Chẳng hạn như những khó khăn doanh
nghiệp logistics gặp phải sẽ thúc đẩy các doanh nghiệp phải nghĩ đến việc kết
nối lại với nhau để chia sẻ thông tin, liên thông quy trình nghiệp vụ, làm giảm
thiểu chi phí vận hành logistics, trong khi trước đây điều này có thể rất khó.
Không có 1 mô hình cứng nào áp dụng
cho tất cả các doanh nghiệp. Các chủ doanh nghiệp phải lựa chọn mô hình kinh
doanh nào, ưu tiên mô hình tái cấu trúc, cải thiện quy trình điều hành nội tại
doanh nghiệp hay ưu tiên mô hình tìm kiếm doanh thu bên ngoài hơn. Càng lượng
hóa chi tiết dữ liệu càng nhiều thì hiệu quả của quá trình chuyển đổi của chúng
ta sẽ tốt hơn.
CẠNH TRANH TRONG THƯƠNG MẠI ĐIỆN TỬ
GIỜ ĐÃ KHỐC LIỆT HƠN THƯƠNG MẠI TRUYỀN THỐNG
Ông Trần Đình Toản, Phó Giám đốc Công ty CP
Đầu tư Công nghệ OSB
OSB là đối tác của tập đoàn Alibaba
ở Việt Nam từ năm 2009. Trong hơn 10 hợp tác với Alibaba để hỗ trợ về xuất nhập
khẩu cho các doanh nghiệp Việt Nam, sử dụng platform của Alibaba để các doanh
nghiệp xuất khẩu trực tuyến ra thị trường nước ngoài, chúng tôi thấy chưa bao
giờ doanh nghiệp xuất nhập khẩu khó khăn như hiện nay.
Tuy nhiên tôi cũng thấy đây là giai
đoạn vàng cho Việt Nam. Trong khoảng thời gian từ tháng 12 năm 2019 đến tháng 2
năm 2020 qua platform của Alibaba, việc
tìm hiểu, hỏi hàng của những doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam ở các thị trường
nước ngoài tăng đột biến vì người mua
không hỏi được ở thị trường Trung Quốc.
Chúng ta đều biết các doanh nghiệp
Việt Nam bị cạnh tranh rất khốc liệt với các bạn hàng Trung Quốc. Như vậy thì
câu hỏi thường xuyên được đặt ra là làm sao chúng ta cạnh tranh được với các
nhà xuất khẩu của Trung Quốc?. Thì chính giai đoạn này, các nhà xuất khẩu của
Việt Nam tận dụng được cơ hội để tìm kiếm được khách hàng mới.
Chiến tranh thương mại Mỹ Trung vừa
qua một phần cũng chuyển dịch xu hướng thương mại, các nhà nhập khẩu cũng đã
chuyển sang thị trường Việt Nam, nhưng Covid là 1 chất xúc tác, tạo 1 cú hích
mạnh mẽ hơn thúc đẩy quá trình này.
Tôi tâm đắc câu nói “Có những điều
bạn học được tốt nhất trong lúc giông bão”, qua cơn bão Covid này tôi đúc kết 3
bài học mà doanh nghiệp cần thay đổi: Thứ nhất là quy trình hoạt động, quản lý
của doanh nghiệp nên đơn giản, được quy chuẩn, lượng hóa tối đa (simple is the
best) để trong tình huống khó khăn ta có thể thay đổi, vận dụng một cách linh
hoạt trong quá trình điều hành.
Thứ 2 là ứng dụng công nghệ thông
tin vào công tác điều hành, quản lý cũng
như hoạt động sản xuất kinh doanh 1 cách hiệu quả. Thứ 3 là chúng ta phải có dự
phòng về tài chính để ứng phó với những khó khăn bất ngờ.
Chúng ta phải coi chuyển đổi số là
vấn đề quan trọng trong chiến lược phát triển doanh nghiệp, xuất phát từ ý
thức, tầm nhìn của chủ doanh nghiệp và lan tỏa tới tất cả thành phần, xây dựng
văn hóa định hướng sự đổi mới, nhân viên có tư duy về số hóa thì việc ứng dụng
chuyển đổi số mới hiệu quả.
Các doanh nghiệp phải nhanh chóng
tiếp cận với các kênh trực tuyến. Điều này đem lại cả khó khăn và cơ hội cho
doanh nghiệp, vì cạnh tranh trong thương mại điện tử ngày càng khốc liệt, khốc
liệt hơn so với thương mại truyền thống.
Ngoài ra việc xây dựng thương hiệu
cho sản phẩm của doanh nghiệp cũng rất quan trọng. Đa dạng hóa người mua và
người bán, điều này tưởng là lý thuyết nhưng lại là bài học lớn sau những khủng
hoảng vừa qua.
Một xu hướng nữa cũng cần quan tâm
là sự chia nhỏ đơn hàng, xu hướng về giao thương, các giao dịch qua mạng ngày
càng nhỏ để phòng ngừa rủi ro tốt hơn.
Việc khách hàng là thượng đế nhưng thượng đế
hiện giờ nhiều khi không biết mình muốn gì nên là người bán hàng phải khơi gợi
tư duy mua hàng của khách, để khách hàng trải nghiệm, dẫn dắt và tạo nhu cầu
cho khách hàng. Đây cũng là yếu tố mà môi trường trực tuyến đem lại cho doanh
nghiệp.