BỘ KẾ HOẠCH VÀ ĐẦU TƯ
CỤC ĐẦU TƯ NƯỚC NGOÀI
TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ ĐẦU TƯ NƯỚC NGOÀI
Chủ Nhật, 24/11/2024
Ngành, Lĩnh vực
Ưu đãi hơn cho liên kết chuỗi
Thứ Năm, 27/03/2014 11:23
Ưu đãi hơn cho liên kết chuỗi

Đầu tư theo chuỗi dự án sản xuất sản phẩm trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ sẽ được hưởng ưu đãi cao hơn so với các dự án đơn lẻ

Sau 16 năm đặt nhà máy sản xuất bo mạch điện tử tại Khu công nghiệp Biên Hòa 2 (Đồng Nai), đến nay, Fujitsu vẫn chưa thể tìm được nhà cung cấp nguyên liệu trong nước nhằm giảm bớt chi phí nguyên vật liệu.

Ông Takanori Yamashita, Tổng giám đốc Công ty Sản phẩm máy tính Fujitsu Việt Nam thắc mắc: “Không hiểu sao ngành công nghiệp hỗ trợ trong lĩnh vực điện tử của Việt Nam lại chậm phát triển đến vậy?”.

Câu hỏi này không mới, song vấn đề là, theo ông Lê Quốc Phương, Phó giám đốc Trung tâm Thông tin công nghiệp và thương mại (Bộ Công thương), càng để chậm, Việt Nam sẽ càng khó len chân vào các chuỗi giá trị sản xuất đã được định hình. “Với chính sách tỷ giá hiện tại, các doanh nghiệp sẽ vẫn muốn nhập khẩu linh kiện để lắp ráp, hơn là sản xuất tại Việt Nam”, ông Phương nói.

Thực ra, cơ chế hỗ trợ để thu hút các doanh nghiệp tham gia các ngành công nghiệp hỗ trợ đã được đưa ra từ lâu. Ngay cả lĩnh vực sản xuất linh kiện điện tử cũng có tên trong danh mục các ngành công nghiệp được ưu tiên hỗ trợ phát triển theo Quyết định 12/2011/QĐ-TTg về chính sách phát triển một số ngành công nghiệp hỗ trợ.

Hơn thế, sự phân bố của các doanh nghiệp trong lĩnh vực này cũng đã tạo thành các nhóm doanh nghiệp hoạt động khá tập trung. Trong nghiên cứu của ông Shimomura, chuyên gia tư vấn của Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) về ngành công nghiệp điện tử của Việt Nam đã chỉ rõ, ở miền Bắc, các nhà máy sản xuất các sản phẩm hoàn chỉnh tập trung chủ yếu ở Hà Nội, Hải Phòng như Canon, Panasonic...; trong khi ở miền Nam, TP.HCM, Bình Dương và Đồng Nai là các địa phương tập trung nhiều các doanh nghiệp trong ngành này, như Daiichi, Tonkin, Nakagawa...

“Tuy tỷ lệ nội địa hoá trong ngành này còn thấp, chủ yếu ở phần linh phụ kiện cơ khí và hầu hết các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực này là lắp ráp để phục vụ xuất khẩu, song đây là các điều kiện để các doanh nghiệp Nhật Bản xem xét lại cơ chế phân ngành trong khu vực châu Á, trong đó, Việt Nam được xem như một trung tâm sản xuất và xuất khẩu”, ông Shimomura phân tích.

Tuy nhiên, trở ngại của kế hoạch này lại là dung lượng thị trường tại Việt Nam chưa lớn. “Với linh phụ kiện điện tử cơ bản, nhất là điện trở và tụ, các nhà đầu tư Nhật Bản muốn đầu tư quy mô lớn để trở thành một ngành sản xuất có số lượng lớn nhằm đảm bảo hiệu quả đầu tư, nhưng quy mô sản xuất hiện tại trong nước nhỏ”, ông Shimomura nói và cho rằng, để phá vỡ rào cản, Chính phủ Việt Nam phải thể hiện quyết tâm rõ ràng trong mong muốn phát triển ngành công nghiệp này trên cơ sở có chính sách ưu đãi đầu tư hấp dẫn đối với cả ngành công nghiệp điện tử công nghệ cao lẫn các lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ phục vụ công nghiệp này.

Rõ ràng, ưu đãi cho công nghiệp hỗ trợ không đơn giản chỉ là quy định danh mục sản phẩm, ngành nghề như Quyết định 12/2011/QĐ-TTg. Lý do được phân tích, chính sách kể trên dường như vẫn chưa “chạm” đến nhu cầu của các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp phụ trợ và các hỗ trợ ưu đãi cho doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghiệp phụ trợ trong quyết định này gần như không có gì mới so với chính sách hỗ trợ đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Có thể, đây là nguyên nhân khiến hầu như chưa có nhà đầu tư Nhật Bản nào được hưởng các hỗ trợ theo quyết định trên. Cũng chưa có số liệu thống kê chính thức về số lượng doanh nghiệp nhận được hỗ trợ được công bố. Thậm chí, mới có một vài dự án gửi tới Hội đồng Thẩm định dự án công nghiệp phụ trợ để xét duyệt, trong đó chủ yếu là dự án sản xuất linh kiện.

Theo ông Nguyễn Tiến Vỵ, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch (Bộ Công thương), nếu không gỡ cơ chế này, mục tiêu thu hút đầu tư, nhất là các dự án đầu tư nước ngoài có tính lan tỏa vào các ngành công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam, sẽ bị ảnh hưởng.

“Bộ Công thương đang nghiên cứu xây dựng văn bản cấp nghị định về công nghiệp hỗ trợ trên cơ sở nâng cấp Quyết định 12/2011/QĐ-TTg về chính sách phát triển một số ngành công nghiệp hỗ trợ. Theo đó, nội dung của nghị định này sẽ được xây dựng theo hướng đủ sức hấp dẫn các nhà đầu tư trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ”, ông Vỵ cho biết.

Cụ thể, những quy định liên quan đến ngành, sản phẩm thuộc công nghiệp hỗ trợ sẽ được làm rõ. Đặc biệt, theo quy định mới, các doanh nghiệp đầu tư theo chuỗi dự án sản xuất sản phẩm trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ sẽ được hưởng ưu đãi cao hơn so với các dự án đơn lẻ.

“Thay đổi này sẽ mở rộng cánh cửa để thu hút các dự án đầu tư theo chuỗi vào các ngành công nghiệp hỗ trợ mà Quyết định 12/2011/QĐ-TTg chưa làm được”, ông Vỵ nhấn mạnh.

Số lượt đọc: 1180
Tin khác
Thông báo