BỘ KẾ HOẠCH VÀ ĐẦU TƯ
CỤC ĐẦU TƯ NƯỚC NGOÀI
TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ ĐẦU TƯ NƯỚC NGOÀI
Thứ Bảy, 23/11/2024
Ngành, Lĩnh vực
Tương lai ngành logistics trong năm 2022
Thứ Sáu, 22/10/2021 09:53
Tương lai ngành logistics trong năm 2022

Kho siêu nhỏ, logistics xanh, blockchain là một số xu hướng trong ngành logistics được chuyên gia dự báo sẽ xuất hiện trong năm 2022.

Năm 2017, ngành công nghiệp logistics được định giá 7.641,2 tỷ USD nhưng đã giảm mạnh xuống còn 5.200 tỷ USD vào năm 2020. Đại dịch Covid-19 là nguyên nhân chính gây nên sự đứt gãy của các hoạt động logistics trên toàn thế giới.

Tuy nhiên, sự bùng nổ của thương mại điện tử đã ảnh hưởng tích cực đến ngành logistics. Với tình hình dịch bệnh đang dần giảm bớt và thế giới trở về quỹ đạo phát triển, ngành công nghiệp logistics được dự báo sẽ đạt 12.975,64 tỷ USD vào năm 2027.

Trong năm 2022, ngành này được dự đoán có triển vọng tươi sáng và một số xu hướng mới xuất hiện, đóng vai trò trụ cột.

Kho siêu nhỏ và logistics chặng cuối

Nhiều kho siêu nhỏ có thể sẽ là xu hướng trong năm 2022. Đó là những không gian nhỏ chuyên dụng, tập trung vào việc đưa hàng tồn kho đến gần khách hàng hơn, đặc biệt ở các khu vực đô thị đông dân cư. Kho siêu nhỏ giúp quá trình logistics chặng cuối nhanh hơn, hiệu quả hơn để đáp ứng việc vận chuyển nhanh chóng.

Hình thức kho này có thể không phù hợp với thực phẩm, đồ uống và dược phẩm. Tuy nhiên, đối với hàng tiêu dùng thông thường và quần áo, kho siêu nhỏ là lựa chọn tuyệt vời.

Nhu cầu với dịch vụ 3PL và 4PL tăng cao

Do sự bùng nổ của thương mại điện tử, nhu cầu về dịch vụ 3PL (logistics bên thứ ba) và 4PL (logistics bên thứ tư) được dự báo sẽ tăng cao. Theo báo cáo của Allied Market Research, thị trường 3PL toàn cầu dự kiến sẽ đạt 1.100 tỷ USD trong 6 năm tới. Nhu cầu tìm đến các công ty 3PL nhiều hơn sẽ giúp quá trình logistics chặng cuối hiệu quả vượt bậc.

Dịch vụ 3PL và 4PL cung cấp nhiều lợi ích như tiết kiệm chi phí, vận chuyển nhanh hơn. Bên cạnh đó, hình thức này cũng có một số nhược điểm như thiếu sự kiểm soát trực tiếp và nhà sản xuất phụ nhiều quá nhiều vào nhà cung cấp dịch vụ logistics. Trong trường hợp xảy ra sơ suất, trách nhiệm sẽ thuộc về bên sản xuất chứ không phải nhà cung cấp dịch vụ logistics.

Big Data và IoT

Bằng các phương pháp phân tích và dự báo sự kiện có khả năng xảy ra trong tương mai, Big Data (dữ liệu lớn) mạng lại nhiều lợi ích đối với ngành logistics.

IoT (Internet of Things) là công cụ kết nối các thiết bị khác nhau bằng các cảm biến nhúng, cho phép trao đổi dữ liệu liên tục qua internet. Dự báo, IoT sẽ ngày càng được sử dụng nhiều hơn bởi ngành công nghiệp logistics cần giải pháp sáng tạo để giải quyết vô số thách thức.

Bên cạnh đó, Big Data với IoT sẽ gây tốn kém trong quá trình triển khai ban đầu và nguồn nhân lực cần được đào tạo kỹ càng để tiếp cận công nghệ.

Tự động hóa

Theo công ty tư vấn quản lý McKinsey, tự động hóa sẽ nằm trong chương trình nghị sự hàng đầu của ngành logistics, do ba yếu tố: Nhu cầu ngày càng tăng từ các nhà bán lẻ trực tuyến, sự thiếu hụt lao động và những tiến bộ công nghệ.

Các kho hàng cao cấp sẽ được vận hành tự động hoàn toàn. Các nhà quản lý được trang bị kính AR (thực tế tăng cường) đảm bảo hiển thị đầy đủ toàn bộ hoạt động và sự phối hợp giữa robot và con người.

Đến năm 2030, người ta ước tính hầu hết hoạt động logistics có thể được tự động hóa, AI đảm nhận nhiệm vụ làm các công việc lặp đi lặp lại của con người.

Logistics xanh

Thể hiện trách nhiệm với môi trường đang trở thành xu hướng của tất cả các ngành công nghiệp, bao gồm cả logistics. Logistics xanh là một trong những xu hướng sẽ được áp dụng trong thời gian tới.

Theo đó, các công ty logistics sẽ sử dụng bộ đếm thời gian để đo lường và giám sát việc sử dụng nguồn tài nguyên như điện, nước và khí đốt trong cơ sở của họ; sử dụng phần mềm để tính toán lượng khí thải carbon. Xe vận chuyển hàng cũng sẽ chạy bằng điện và năng lượng mặt trời. Bao bì sẽ được chế tạo có khả năng phân hủy

Blockchain

Blockchain là phương pháp lưu trữ và chuyển giao thông tin được nhắc đến nhiều trong thời gian qua. Trong đó, hồ sơ của giao dịch được duy trì trên một số máy tính được liên kết với nhau.

Đối với ngành công nghiệp logistics, blockchain có thể tích hợp tất cả thành phần vào một nền tảng duy nhất. Thậm chí, quá trình thanh toán và lập hóa đơn cũng có thể được thực hiện cùng một hệ thống.

Người máy

Trong nhiều năm gần đây, ngành công nghiệp logistics sử dụng ngày càng nhiều người máy trong quá trình phân loại hàng hóa.

Ngoài ra, nhiều công ty cũng áp dụng công nghệ xe giao hàng không người lái để vận chuyển các sản phẩm nhỏ. Cũng như người máy, các phương tiện không người lái đang có xu hướng trở nên phổ biến hơn.

Người máy không thể thay thế con người nhưng bằng cách thực hiện các nhiệm vụ lặp đi lặp lại đã được con người thực hiện trước đó, người máy sẽ phần nào giải quyết được một số khâu làm việc. Từ đó, con người có thể tập trung vào các nhiệm vụ khác có giá trị cao hơn.

Theo vnexpress.net
Số lượt đọc: 972
Thông báo