Liên quan tới bán lẻ hàng hóa trực tuyến, Hiệp hội Thương mại Điện tử Việt Nam (VECOM) cho hay, sản lượng bưu phẩm gửi qua dịch vụ chuyển phát đã tăng 47% trong năm 2020. Các doanh nghiệp chuyển phát hàng đầu đều tăng trưởng lượng đơn từ 30-60%, trong đó có Ninja Van - một công ty e-logistics có vốn đầu tư từ Singapore, công ty này tăng trưởng 200% (tăng ba lần so với năm 2020).
VECOM cũng cho biết, quy mô thương mại điện tử đã tăng trưởng bình quân 30% mỗi năm suốt giai đoạn 2016-2019, từ 4 tỷ USD năm 2015 lên 11,5 tỷ USD năm 2019. Đà tăng sẽ duy trì ở mức 29% trong giai đoạn 2020-2025, vươn lên 52 tỷ USD vào 2025.
Là ngành hậu cần của thương mại điện tử (e-commerce), triển vọng e-logistics gắn với tốc độ tăng trưởng của thị trường e-commerce. Ước tính chi phí vận chuyển chiếm tầm 10% doanh thu của doanh nghiệp, quy mô vật lý của thị trường e-logistics cũng trị giá hàng tỷ đô, theo Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ.
Tiềm năng cho doanh nghiệp e-logistics ngoại
Báo cáo "Chỉ số logistics thị trường mới nổi 2021" của Agility xếp hạng Việt Nam ở top 8 thị trường logistic tăng trưởng cao nhất toàn cầu. Với sức hấp dẫn này, cuộc đua e-logistics (dịch vụ hậu cần thương mại điện tử) trong nước ngày càng sôi nổi với nhiều doanh nghiệp năng động.
Trong cuộc đua này, thương hiệu nội địa hiện chiếm 20% thị phần logistics. 80% dòng chảy hàng hoá còn lại nằm trong tay các doanh nghiệp ngoại với lợi thế vốn lẫn công nghệ, trong đó có Ninja Van Group đến từ Singapore. Đơn vị này vừa huy động thành công 578 triệu USD trong vòng series E và đang dự tính kế hoạch IPO vào năm tới.
Ninja Van đánh giá Việt Nam là "mảnh đất màu mỡ" cho e-logistics phát triển. Do đó, 578 triệu USD sẽ được phân bổ cho Đông Nam Á, bao gồm thị trường trọng điểm Việt Nam. Ông Phan Xuân Dũng - Giám đốc Kinh doanh Ninja Van Việt Nam, cho biết sau series E công ty sẽ thực hiện chiến lược đầu tư tham vọng hơn trên cả ba lĩnh vực vận hành, hệ thống kỹ thuật, hệ sinh thái cho khách hàng nhỏ và lẻ.