BỘ KẾ HOẠCH VÀ ĐẦU TƯ
CỤC ĐẦU TƯ NƯỚC NGOÀI
TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ ĐẦU TƯ NƯỚC NGOÀI
Thứ Ba, 24/12/2024
Ngành, Lĩnh vực
Lao động là vấn đề đại sự trong phục hồi kinh tế
Thứ Năm, 14/10/2021 04:06
Lao động là vấn đề đại sự trong phục hồi kinh tế

Để phục hồi kinh tế ngay trong các năm 2022-2023 và kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế 5 năm tới, cả chuyên gia và đại biểu Quốc hội đều cho rằng, lao động là vấn đề đại sự.

Cần ít nhất hai năm để khôi phục thị trường lao động

Đầu tháng 10 này, khi TP.HCM và một số tỉnh phía Nam dần nới lỏng giãn cách xã hội, hàng chục ngàn người đã khăn gói về quê, chủ yếu là các tỉnh miền Tây Nam bộ. Rất đông trong số họ từng là lao động tại các khu công nghiệp, khu chế xuất, những nơi tổ chức các hoạt động sản xuất, kinh doanh chính của đất nước.

Các địa phương, cơ quan, doanh nghiệp cần có giải pháp hỗ trợ người lao động quay trở lại làm việc sau giãn cách, tránh đứt gãy chuỗi cung ứng lao động. Ảnh: Đức Thanh

Sự dịch chuyển không mong muốn này cũng đã được các chuyên gia và các đại biểu Quốc hội đặt lên bàn các cuộc tọa đàm, thẩm tra để xây dựng Kế hoạch Phát triển kinh tế  - xã hội cho năm tới và cho cả Kế hoạch Cơ cấu lại nền kinh tế 2021 - 2025.

Theo số liệu Tổng cục Thống kê công bố, lực lượng lao động trong độ tuổi lao động tại thời điểm quý III/2021 ước tính là 43,2 triệu người, giảm 1,9 triệu người so với quý II/2021 và giảm 3 triệu người so với cùng kỳ năm 2020. Tỷ lệ thất nghiệp và thiếu việc làm trong độ tuổi lao động tăng cao nhất kể từ quý I/2020, với 2,91%.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong báo cáo gửi Ủy ban Kinh tế của Quốc hội nêu rõ, đợt dịch Covid-19 lần thứ tư đã thâm nhập và tác động lớn đến các địa bàn trọng điểm, trung tâm kinh tế, trung tâm công nghiệp lớn của cả nước. Do ảnh hưởng của dịch bệnh, trong quý II/2021, cả nước có 12,8 triệu người từ 15 tuổi trở lên bị ảnh hưởng tiêu cực, bao gồm người bị mất việc làm, phải nghỉ giãn việc, nghỉ luân phiên, giảm giờ làm, giảm thu nhập…

Trong đó, lao động khu vực thành thị chịu thiệt hại nhiều hơn và đã xuất hiện tình trạng người dân, lao động thiếu, mất việc làm do dịch, lao động nghèo, lao động tự do di chuyển tự phát từ vùng dịch về quê, gây không ít khó khăn cho cả nơi đến và nơi đi, nguy cơ làm mất cân đối cung - cầu trong ngắn hạn khi nền kinh tế tiến vào giai đoạn phục hồi. Ước cả năm 2021, cả nước có khoảng 49,3 triệu lao động đang làm việc trong nền kinh tế, giảm 1,4% so với năm 2020; tỷ lệ thất nghiệp của lao động trong độ tuổi khu vực thành thị dưới 4%.

Trong một báo cáo khác gửi đến cơ quan thẩm tra của Quốc hội, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội nhìn nhận, sự bùng phát của dịch Covid-19 trong nửa đầu năm 2021, đặc biệt là ở TP.HCM và các tỉnh phía Nam đã ảnh hưởng tiêu cực đến thị trường lao động. Hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp bị đình trệ, lao động bị mất việc làm và thất nghiệp gia tăng, lực lượng lao động suy giảm, xu hướng dịch chuyển lao động từ thành phố về nông thôn, từ các tỉnh kinh tế trọng điểm về các địa phương khác gia tăng, gây mất cân đối cung - cầu lao động, nguy cơ đứt gãy chuỗi cung ứng nhân lực.

Đại biểu Đinh Ngọc Minh, Ủy viên chuyên trách Ủy ban Kinh tế, đại biểu Quàng Văn Hương, Phó chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội đều cho rằng, sau giãn cách, vấn đề lao động sẽ gặp rất nhiều khó khăn. Vì thế, báo cáo của Chính phủ trình Quốc hội cần đánh giá kỹ hơn về thực trạng và giải pháp khôi phục thị trường quan trọng này.

TS. Võ Trí Thành, nguyên Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng, để phục hồi kinh tế, có 3 vấn đề lớn Chính phủ cần lưu ý. Đó là: cần có khung, hướng dẫn mô hình phòng chống dịch Covid-19; lao động gắn với sự dịch chuyển; dòng tiền, tài chính.

Riêng về lao động, ông Thành nhấn mạnh, đây là vấn đề “đại sự” cho cả trước mắt và lâu dài mà Chính phủ cần ưu tiên. Bởi theo nhận định của ông Thành, ngay với đầu tàu kinh tế lớn là TP.HCM, cũng phải mất khoảng 2 năm mới lấy lại được nguồn lao động như trước khi xảy ra đại dịch.

Ủy ban Xã hội của Quốc hội chỉ ra rằng, cùng với tình trạng việc làm chính thức bị thu hẹp, số lao động có việc làm phi chính thức quý II/2021 tăng 1,4 triệu người so với cùng kỳ năm 2020 lên 20,9 triệu người và chiếm 57,4% tổng số lao động có việc làm. Tỷ lệ lao động phi chính thức có việc làm hiện nay được ghi nhận là cao nhất trong vòng 3 năm trở lại đây, đồng nghĩa với việc gia tăng số người bị tước đi cơ hội có việc làm chính thức, rơi vào trạng thái dễ tổn thương do việc làm không ổn định, thiếu bền vững với thu nhập thấp, ít có cơ hội tham gia, thụ hưởng an sinh xã hội.

Để ổn định thị trường lao động

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, một trong những quan điểm chỉ đạo điều hành năm 2022 là bảo đảm an sinh xã hội, an dân, ổn định thị trường lao động, tạo việc làm, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu lao động và nâng cao thu nhập, đời sống cho người dân.

Trong 16 chỉ tiêu chủ yếu của năm sau, một số chỉ tiêu liên quan đến lao động được dự kiến, như: tỷ trọng lao động nông nghiệp trong tổng lao động xã hội đạt khoảng 27,5%; tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt khoảng 67%, trong đó có bằng, chứng chỉ đạt khoảng 27 - 27,5%; tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị dưới 4%.

Kế hoạch Phát triển kinh tế, xã hội năm 2022 cũng xác định sẽ thu hút lực lượng lao động quay trở lại nơi làm việc khi dịch bệnh được kiểm soát. Các địa phương, cơ quan cùng với doanh nghiệp chủ động nắm bắt thông tin, có giải pháp cụ thể để hỗ trợ người lao động quay trở lại làm việc như ưu tiên tiêm vắc-xin phòng Covid-19 cho người lao động; hỗ trợ chi phí xét nghiệm Covid-19, chi phí đi lại, ăn ở, điều kiện sinh hoạt… trong thời gian đầu quay trở lại nơi làm việc.

Ủy ban Xã hội của Quốc hội đề nghị Chính phủ nghiên cứu xây dựng chiến lược tổng thể, toàn diện, dài hạn về kinh tế - xã hội, nhất là về lĩnh vực lao động, việc làm, y tế, trợ giúp xã hội để thích ứng với tình hình dịch bệnh Covid-19, phục hồi nền kinh tế và các quan hệ lao động bị đứt gãy, gián đoạn do giãn cách xã hội. Xây dựng các tiêu chuẩn lao động và cơ chế điều chỉnh các quan hệ lao động mới phù hợp với tình hình dịch bệnh Covid-19 cũng là đề nghị từ cơ quan thẩm tra lĩnh vực lao động, việc làm.

Bên cạnh những chính sách ngắn hạn, phát triển thị trường lao động để đáp ứng yêu cầu cơ cấu lại nền kinh tế cũng là vấn đề cần được đặc biệt quan tâm, theo chuyên gia lao động - việc làm, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội (khóa XIV), ông Bùi Sĩ Lợi.

Vị chuyên gia này cho rằng, một trong những định hướng chính sách cần quan tâm là các chủ thể quan hệ lao động phải độc lập để thực hiện đối thoại, thương lượng thực chất. Vì, đối thoại và thương lượng chính là công cụ để thị trường lao động phát triển và cạnh tranh hoàn hảo. Muốn đối thoại và thương lượng, thì các bên quan hệ lao động phải bình đẳng và độc lập với nhau.

“Với tư cách cá nhân, người lao động luôn ở thế yếu so với nhà tuyển dụng, nên muốn có vị thế bình đẳng, họ phải có tổ chức đại diện cho mình để tư vấn, giúp đỡ và hỗ trợ cả về mặt kỹ thuật, pháp lý trong quá trình đối thoại, thương lượng với nhà tuyển dụng. Nếu tổ chức đại diện cho người lao động không độc lập với nhà tuyển dụng, bị chi phối, điều khiển và kiểm soát bởi nhà tuyển dụng, thì hoạt động đối thoại và thương lượng sẽ không có nhiều ý nghĩa cho sự cạnh tranh bình đẳng trên thị trường lao động”, chuyên gia Bùi Sĩ Lợi phân tích.

Sau khi được Trung ương cho ý kiến, Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội năm 2022 và Kế hoạch Cơ cấu lại nền kinh tế 2021 - 2025, trong đó có vấn đề “đại sự” là lao động, sẽ được trình Quốc hội khóa XV tại Kỳ họp thứ hai (khai mạc ngày 20/10/2021).

Theo Báo Đầu tư
Số lượt đọc: 751
Thông báo