Thực hiện nhiệm vụ được giao của Tổ công tác thi hành Luật Quy hoạch theo Quyết định số 404/QĐ-TTg ngày 13/4/2018 của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư với Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng làm Tổ trưởng Tổ công tác thi hành Luật Quy hoạch đã có báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ về việc tổng kết triển khai thi hành Luật Quy hoạch.
Báo cáo đã đề cập đến một số khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện Luật Quy hoạch bao gồm: Tiến độ lập quy hoạch của các Bộ, địa phương còn chậm; Quy hoạch các cấp đang được cùng tổ chức triển khai lập đồng thời, nhưng việc phối hợp và chia sẻ thông tin liên ngành, liên cấp giữa các Bộ, ngành và địa phương còn nhiều hạn chê dẫn đến khó khăn cho việc lập quy hoạch cấp dưới; Việc xác định nguồn vốn cho các quy hoạch có tính chất kỹ thuật chuyên ngành còn chưa thống nhất; …
Một số nguyên nhân khách quan và chủ quan cho những vướng mắc trên là: Việc triển khai lập quy hoạch theo phương pháp tích hợp với nội dung cơ bản là lập thống nhất chỉ một bản quy hoạch trên một địa bàn tỉnh (thay thế cho khoảng 50 loại quy hoạch ngành, lĩnh vực trước đây), cùng với việc tiếp cận tổng hợp và phối hợp đồng bộ giữa các ngành, lĩnh vực còn có cách hiểu khác nhau, dẫn đến triển khai chậm và lúng túng; Việc tổ chức lập các quy hoạch thuộc hệ thống quy hoạch quốc gia là nhiệm vụ mới, phức tạp và lần đâu tiên được triển khai đồng thời ở tất cả các cấp, các ngành, đặc biệt là quy hoạch cấp dưới được lập khi quy hoạch cấp trên chưa được ban hành, dẫn đến nội dung quy hoạch cấp dưới khó cụ thể hóa đầy đủ các quan điểm, mục tiêu, định hướng, phương án phát triển và giải pháp của quy hoạch cấp trên; Tư duy trong việc lập quy hoạch vả quản lý nhà nước chậm được đổi mới, trì trệ; Chưa có sự phối hợp chặt chẽ và chia sẻ đầy đủ thông tin giữa các ngành và địa phương để đảm bảo sự đồng bộ của quy hoạch được lập theo phương pháp tích hợp, đa ngành; Một số văn bản hướng dẫn chỉ tiết các luật, pháp lệnh sửa đổi một số điều có liên quan đến quy hoạch còn chậm, còn có nội dung chưa thống nhất, xung đột gây khó khăn, vướng mắc cho các Bộ, ngành, địa phương khi áp dụng;…
Bám sát quan điểm chung là quyết tâm tháo gỡ mọi khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ lập, thẩm định, phê duyệt, công bố và triển khai thực hiện các quy hoạch thuộc hệ thống quy hoạch quốc gia và các quy hoạch kỹ thuật chuyên ngành khác; bảo đảm tuân thủ các quy định pháp luật; đẩy mạnh hơn nữa công tác chỉ đạo, phối hợp gắn với nhiệm vụ “vướng mắc ở cấp, ngành nào thì cấp, ngành đó chủ động, tích cực sửa đổi, hoàn thiện” đã được Quốc hội thông qua, góp phần tích cực trong việc cụ thể hóa Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030; việc tổ chức lập đồng thời các quy hoạch là cơ hội lớn để xác định tầm nhìn, mục tiêu phát triển, sắp xếp, phân bổ không gian phát triển đất nước một cách bài bản, khoa học nhằm khai thông và tận dụng tối đa các nguồn lực phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững gắn với bảo vệ môi trường và thích ứng với biến đối khí hậu.
Trong thời gian tới, một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm để đẩy nhanh tiến độ và nâng cao chất lượng, hiệu quả của công tác quy hoạch được đề ra như sau: Tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo trong việc triển khai lập các quy hoạch thời kỳ 2021 – 2030; Khẩn trương rà soát, sửa đổi, bổ sung các văn bản hướng dẫn thi hành các luật, pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều có liên quan đến quy hoạch cho phù hợp với quy định của Luật Quy hoạch; Tập trung nghiên cứu xây dựng, quản lý, khai thác hệ thông thông tin và cơ sở dữ liệu quốc gia về quy hoạch; Các Bộ, ngành khẩn trương xây dựng và ban hành trong tháng 10/2021 các văn bản về quan điểm chỉ đạo, mục tiêu, định hướng phát triển và sắp xếp, phân bổ không gian theo nhiệm vụ được giao tại Chỉ thị số 30/CT-TTg ngày 27/1/2020 của Thủ tướng Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp triển khai lập đồng thời các quy hoạch thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 trong khi các quy hoạch cấp quốc gia chưa được lập và phê duyệt, tạo điều kiện thuận lợi cho các Bộ và địa phương tổ chức lập quy hoạch thuộc trách nhiệm của ngành, lĩnh vực, địa phương mình./.