BỘ KẾ HOẠCH VÀ ĐẦU TƯ
CỤC ĐẦU TƯ NƯỚC NGOÀI
TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ ĐẦU TƯ NƯỚC NGOÀI
Thứ Ba, 24/12/2024
Ngành, Lĩnh vực
Vốn FDI từ EU vào Việt Nam sẽ gia tăng đáng kể
Thứ Ba, 19/10/2021 03:13
Vốn FDI từ EU vào Việt Nam sẽ gia tăng đáng kể

Báo cáo việc thực hiện Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA) vừa được Chính phủ gửi Quốc hội.

Dòng đầu tư trực tiếp (FDI) từ EU vào Việt Nam về trung hạn và dài hạn sẽ gia tăng đáng kể với nhiều dự án chất lượng có giá trị cao, đó là dự báo được nêu tại báo cáo việc thực hiện Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA) vừa được Chính phủ gửi Quốc hội.

Sau một năm thực thi EVFTA, trao đổi thương mại và đầu tư giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EU) đạt được những kết quả tích cực, bất chấp nhiều khó khăn và trở ngại do đại dịch Covid-19 gây ra, Chính phủ nêu kết quả chung.

Kết quả cụ thể, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và EU đạt 54,6 tỷ USD, tăng 11,9% so với cùng kì, trong đó kim ngạch xuất khẩu từ Việt Nam sang EU đạt 38,5 tỷ USD, tăng 11,3% so cùng kỳ còn kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam từ EU đạt 16,2 tỷ USD, tăng 12,4% so với cùng kỳ.

Về kết quả thu hút đầu tư từ EU, báo cáo nêu, tính đến tháng 9 năm 2021, EU có 2.242 dự án (tăng 164 dự án so với cùng kỳ năm 2020) từ 26/27 quốc gia thuộc EU còn hiệu lực tại Việt Nam với vốn đầu tư đăng ký đạt 22,24 tỷ USD (tăng 483 triệu USD so với cùng kỳ năm 2020), chiếm 5,58% tổng vốn đầu tư đăng ký của các nước và vùng lãnh thổ vào Việt Nam và chiếm 6,57% số dự án.

Hà Lan đứng đầu với 382 dự án và 10,36 tỷ USD, chiếm 46,5% tổng vốn đầu tư của EU tại Việt Nam; Pháp đứng thứ hai với 632 dự án và 3,62 tỷ USD, chiếm 16,25% tổng vốn đầu tư của EU tại Việt Nam; Đức đứng thứ ba với 405 dự án và 2,25 tỷ USD, chiếm 10,13% tổng vốn đầu tư của EU tại Việt Nam.

Một số tập đoàn lớn của EU đang hoạt động có hiệu quả tại Việt Nam như Shell Group (Hà Lan), Total Elf Fina (Pháp - Bỉ), Daimler Chrysler (Đức), Siemen, Alcatel Comvik (Thụy Điển)…. Xu thế đầu tư của EU chủ yếu vẫn tập trung vào các ngành công nghiệp công nghệ cao, tuy nhiên, gần đây có xu hướng phát triển tập trung hơn vào các ngành dịch vụ (bưu chính viễn thông, tài chính, văn phòng cho thuê, bán lẻ), lĩnh vực năng lượng sạch, công nghiệp phụ trợ, chế biến thực phẩm, nông nghiệp công nghệ cao, dược phẩm…

Dự báo dòng đầu tư trực tiếp FDI từ EU vào Việt Nam về trung hạn và dài hạn sẽ gia tăng đáng kể với nhiều dự án chất lượng có giá trị cao, Chính phủ nhận định.

Bên cạnh những kết quả tích cực, báo cáo cũng nêu một số khó khăn. Như một bộ phận doanh nghiệp Việt Nam đã tích cực tìm hiểu và đáp ứng các quy định, yêu cầu của EU và các nước thành viên để tận dụng khá hiệu quả cơ hội từ EVFTA. Tuy nhiên, một số mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam sang các nước EU như dệt may, cà phê, sản phẩm sắt thép… ghi nhận tỷ lệ cấp mẫu C/O EVFTA còn tương đối khiêm tốn (7 tháng đầu năm 2021 tỷ lệ cấp C/O đối với dệt may khoảng 15,7%, đối với cà phê và sắt thép khoảng 9%).

Ngoài ra, hiện mới có 38/63 tỉnh, thành có hoạt động xuất nhập khẩu với các nước EU, nhiều tỉnh, thành hiện nay vẫn tập trung vào các thị trường truyền thống, chưa đẩy mạnh sang các thị trường EU. Có những địa phương kim ngạch xuất khẩu rất lớn nhưng tỷ trọng giá trị xuất khẩu sang các nước EU còn tương đối khiêm tốn.

Về công tác xây dựng pháp luật, thể chế, khó khăn là việc trình Quốc hội dự thảo Luật Công đoàn sửa đổi đã chậm hơn so với dự kiến ban đầu. Việc sửa đổi Luật Công đoàn có ý nghĩa quan trọng, đảm bảo đồng bộ với quy định của Hiến pháp 2013, Bộ luật Lao động 2019, phù hợp với Nghị quyết số 02-NQ/TW ngày 12 tháng 6 năm 2021 của Bộ Chính trị về đổi mới tổ chức của hoạt động Công đoàn Việt Nam trong tình hình mới.

Đây là một trong những vấn đề nhận được sự quan tâm của EU trong quá trình thực hiện cam kết về lao động trong Hiệp định EVFTA. Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam là cơ quan chủ trì soạn thảo văn bản pháp luật này.

Ngoài ra, cho đến nay gần như toàn bộ các văn bản hướng dẫn Bộ luật lao động sửa đổi đã được ban hành, chỉ còn duy nhất Nghị định quy định về tổ chức đại diện của người lao động trong khi đây là Nghị định nhận được sự quan tâm rất lớn của EU.

Theo Báo Đầu tư
Số lượt đọc: 681
Thông báo