BỘ KẾ HOẠCH VÀ ĐẦU TƯ
CỤC ĐẦU TƯ NƯỚC NGOÀI
TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ ĐẦU TƯ NƯỚC NGOÀI
Thứ Năm, 26/12/2024
Ngành, Lĩnh vực
Giải pháp thu hút nguồn kiều hối trong giai đoạn hiện nay ở Việt Nam
Thứ Hai, 30/11/2020 01:51
Giải pháp thu hút nguồn kiều hối trong giai đoạn hiện nay ở Việt Nam

Vấn đề nổi lên hiện nay đối với nền kinh tế Việt Nam cũng như kinh tế thế giới, thu hút sự quan tâm lớn của các nhà hoạch định, điều hành chính sách, các doanh nghiệp và dư luận nói chung đó là đại dịch Covid-19 tác động kéo dài và sâu rộng đến đời sống kinh tế - xã hội. Trong đó, nguồn thu nhập của công dân ở nước ngoài gửi về cho gia đình ở trong nước, thường được gọi là kiều hối sẽ bị tác động theo hướng đình trệ

Nhận diện nguồn kiều hối

Kiều hối là một nguồn thu nhập quốc dân, thể hiện trong Bảng cân đối tài sản quốc gia. Kiều hối là nguồn thu nhập quan trọng của nhiều gia đình, đồng thời cũng là nguồn vốn ngoại tệ quan trọng đảm bảo cán cân thanh toán, tác động đến cung cầu ngoại tệ của một nền kinh tế...

Nếu như trước đây, nguồn kiều hối được chuyển về Việt Nam chủ yếu được sử dụng cho tiêu dùng cá nhân thì trong những năm gần đây đã có những thay đổi rõ rệt. Kiều hối chuyển về nước được đầu tư nhiều hơn vào bất động sản, chứng khoán, cổ phiếu, mở doanh nghiệp (DN), sử dụng cho sản xuất kinh doanh và dịch vụ… Do đó, trong xu hướng hội nhập và toàn cầu hóa về mặt kinh tế đang diễn ra mạnh mẽ hiện nay, việc nhận dạng chính xác các nguồn kiều hối để chủ động điều hành các chính sách tài chính, chính sách tiền tệ hiệu quả, có các cơ chế quản lý phù hợp có vị trí vô cùng quan trọng.

Theo Ngân hàng Thế giới (WB): “Kiều hối bao gồm các khoản tiền chuyển từ nước ngoài có nguồn gốc là thu nhập của người lao động, dân di cư ở nước ngoài, được thể hiện trong cán cân thanh toán quốc tế là khoản chuyển tiền (ròng)”. Còn trên thực tế, khái quát lại có thể kể ra nguồn kiều hối từ 4 đối tượng chính người Việt Nam ở nước ngoài.

Một là, thế hệ Việt kiều lớn tuổi.

Do vấn đề lịch sử, đến năm 1980, Việt Nam có khá đông người định cư ở nước ngoài sau 2 cuộc chiến tranh, được gọi chung là Việt kiều. Sau năm 1975 gửi hiện vật và tiền Việt Nam, nhằm hỗ trợ cải thiện đời sống của người thân. Ước tính, hiện nay Việt Nam có khoảng 4,5 triệu người đang sinh sống và làm việc ở nước ngoài, trong đó có khoảng 3 triệu người được coi là Việt kiều. Trong hơn 20 năm gần đây, nhìn chung nguồn kiều hối này không lớn, số lượng người tăng lên không nhiều.

Hai là, thế hệ Việt Kiều trẻ tuổi.

Những người Việt Nam trẻ hơn ra đi nước ngoài sau năm 1975, nhiều người thành đạt, kinh doanh hiệu quả, có việc làm ổn định, chịu khó làm ăn… có thu nhập khá. Nguồn kiều hối của những người này gửi về có tính chất giúp người thân không nhiều và không thường xuyên. Song số tiền mà những người này gửi về có tính chất đầu tư trong nước thì lại khá lớn và phụ thuộc vào việc điều hành chính sách tiền tệ (như: chính sách lãi suất, điều hành tỷ giá, các quy định về quản lý ngoại hối), chính sách tài chính (như: thuế thu nhập cá nhân, thuế các khoản tiền gửi), sự phát triển của thị trường chứng khoán, tiến trình cổ phần hóa, quy mô phát triển thị trường bất động sản… ở trong nước. Nhiều khoản tiền của Việt kiều đã được chuyển về nước để gửi ngân hàng hưởng lãi cao, do chênh lệch lớn so với gửi tại nước ngoài.

Thứ ba, người Việt Nam sinh sống và làm ăn ở nước ngoài.

Đây là những người đi xuất khẩu lao động, đi làm việc trước đây và ở lại nước ngoài sinh sống, làm ăn. Họ vẫn thường xuyên gửi tiền về nước nhưng với mục đích trợ giúp người thân không nhiều mà tính chất đầu tư, trả nợ, di chuyển tài sản, kinh doanh có xu hướng tăng lên và nổi trội hơn. Dòng tiền này một mặt phụ thuộc vào thu nhập, vào kết quả kinh doanh, môi trường đầu tư, môi trường sinh sống của họ ở nước ngoài; mặt khác phụ thuộc vào điều hành chính sách tài chính, chính sách tiền tệ và diễn biến thị trường ngoại tệ, thị trường chứng khoán, thị trường bất động sản ở Việt Nam.

Thứ tư, người đi xuất khẩu lao động và làm việc ở nước ngoài.

Đây là những người đi xuất khẩu lao động theo các hợp đồng của các công ty xuất khẩu lao động và tự ký hợp đồng với các DN nước ngoài, người tự đi làm việc ở nước ngoài hay hết hạn hợp đồng trốn lại nước sở tại để tiếp tục làm việc. Nếu như các năm 2008 – 2010 mỗi năm Việt Nam chỉ có khoảng 50.000 – 60.000 người đi xuất khẩu lao động chính thức, thì trong năm 2019 con số này đạt trên 148.000 người. Bên cạnh đó còn số người tự đi làm việc không thống kê được. Nguồn tiền của người Việt Nam ở nước ngoài thuộc nhóm này chuyển về nước lớn nhất và đang có xu hướng tăng cao.

Kiều hối phụ thuộc khá lớn vào chính sách tiền tệ và chính sách tài chính, bên cạnh đó là chính sách cho vay người đi xuất khẩu lao động của Ngân hàng Chính sách xã hội. Tuy nhiên, trong năm 2020, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, số người đi xuất khẩu lao động chắc chắn bị giảm sút.

Theo WB, lượng kiều hối về Việt Nam đạt 16,7 tỷ USD trong năm 2019, tăng 6,4% so với năm 2018 (năm 2018 là 15,9 tỷ USD và 2017 là 13,8 tỷ USD). Tuy nhiên, lượng kiều hối năm 2020 sẽ khó vượt qua con số 10 tỷ USD. Sự sụt giảm nguồn cung ngoại tệ này về mặt lý thuyết ảnh hưởng lớn đến tỷ giá và nguồn trả nợ nước ngoài của Chính phủ Việt Nam. Song, theo dõi diến biến này từ đầu năm 2020 đến nay cho thấy, kiều hối chưa tác động đến điều hành chính sách tiền tệ và chính sách tài chính. Trong 7 tháng qua tỷ giá vẫn ổn định, nguồn trả nợ nước ngoài vẫn theo kế hoạch của Bộ Tài chính.

Đánh giá những tác động và vấn đề đặt ra trong thu hút kiều hối

Xét về tổng thể, kiều hối góp phần cải thiện cán cân thanh toán quốc tế, cải thiện cán cân vãng lai. Do chính sách lãi suất tiền gửi USD bằng 0% và chính sách ổn định tỷ giá, nên hầu hết số kiều hối được chuyển đổi sang VND trên thị trường tự do và qua kênh ngân hàng, góp phần gia tăng kênh mua bán ngoại tệ cho các ngân hàng thương mại (NHTM), đồng thời có một lượng đáng kể được gửi tiết kiệm tại ngân hàng, gia tăng nguồn vốn cho vay cho các NHTM.

Những năm gần đây, phần lớn kiều hối chuyển về nước được người dân sử dụng vào sản xuất kinh doanh, đầu tư bất động sản, chứng khoán, chứ không cất giữ, chi tiêu như trước đây. Đây là xu hướng đáng mừng, góp phần trực tiếp vào mở rộng đầu tư trong cả nước, tạo nguồn thu cho ngân sách nhà nước từ các hoạt động sản xuất, kinh doanh,tiêu dùng.

Tuy nhiên, hiện nay, trong thu hút nguồn kiều hối, vẫn còn một số hạn chế, tồn tại gồm:

Một là, tốc độ cổ phần hóa, thoái vốn của Nhà nước trong DN cổ phần hóa trong cả nước còn chậm. Việt Nam chưa có chính sách và cơ chế cụ thể trong thu hút vốn của người Việt Nam ở nước ngoài đầu tư mua cổ phần DNNN cổ phần hóa, mua cổ phần trong các DN mà Nhà nước thoái vốn.

Hai là, Việt Nam chưa có cơ chế, chính sách chuyên biệt thu hút nguồn vốn của Việt kiều vào các DN niêm yết của cả nước.

Ba là, các địa phương chưa thực sự cải cách hành chính, thực hiện chính quyền điện tử và chính quyền minh bạch, dẫn đến những hạn chế việc thu hút nguồn kiều hối đầu tư thành lập DN, triển khai dự án mới, thu hút FDI của Việt kiều.

 

Bốn là, các địa phương chưa có chính sách cụ thể, hữu hiệu phát triển bền vững thị trường bất động sản, thu hút vốn nguồn kiều hối đầu tư vào lĩnh vực này.

Năm là, các tỉnh, thành phố chưa có chính sách phù hợp thu hút vốn đầu tư của Việt Nam vào nông nghiệp, chế biến nông sản, phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao…

Sáu là, các DN chưa thực sự năng động, hiệu quả trong hoạt động xuất khẩu lao động. Bên cạnh đó, công tác đào tạo tại các tỉnh, thành phố chưa thực sự đổi mới theo hướng đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động khu vực, lao động quốc tế…

Giải pháp khuyến nghị

Về chính sách lãi suất, trong giai đoạn lãi suất tiền gửi ngoại tệ và tiền gửi VND ở Việt Nam lên cao, có khoản tiền không nhỏ ở nước ngoài được chuyển về đầu tư trên thị trường tiền gửi ngân hàng trong nước. Về nguyên tắc, tiền chuyển về sau đó bằng nhiều cách khác nhau, có một tỷ trọng đáng kể được chuyển lại nước ngoài, hay để lại Việt Nam để đầu tư, mua tài sản. Hiện nay, Chính phủ Việt Nam kiên định mục tiêu chống đô la hóa nền kinh tế, lãi suất tiền gửi USD bằng không (0%), đồng thời lãi suất tiền gửi VND đang đi dần vào thế ổn định, do đó, việc trông chờ vào sự thay đổi chính sách lãi suất để thu hút được kiều hối là không thể.

Về chính sách tỷ giá, cũng với mục tiên kiên định giảm tình trạng đô la hóa trong nền kinh tế, Chính phủ Việt Nam không khuyến khích gửi ngoại tệ vào NHTM lấy lãi, không khuyến khích găm giữ, hay cất trữ bằng ngoại tệ. Bên cạnh đó, với mục tiêu điều hành của NHNN là ổn định tỷ giá, nâng cao vị thế VND, tỷ giá VND/USD trong 3 năm gần đây chỉ tăng 1-2%/năm và dự báo trong một số năm tới cũng vẫn nằm trong biên độ đó. Bởi vậy, cũng không thể kỳ vọng vào chính sách tỷ giá để thu hút kiều hối.

Về chính sách tài chính và dịch vụ ngân hàng: Người nhận kều hối không phải nộp thuế thu nhập, người gửi chuyển cho loại ngoại tệ nào người nhận được nhận loại ngoại tệ đó, không bắt buộc phải bán cho NHTM. Bên cạnh đó, các NHTM đang cạnh tranh mạnh mẽ với nhau để mở rộng dịch vụ kiều hối. Nhiều NHTM còn có dịch vụ chuyển kiều hối cho người nhận tại địa chỉ gia đình, tại nhà… Do đó, có thể khẳng định không còn dư địa để điều chỉnh chính sách tài chính – tiền tệ về khuyến khích kiều hối.

Trong bối cảnh trên, tác giả đề xuất một số giải pháp thu hút và nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn kiều hối gồm:

Một là, cần có các chính sách và cơ chế cụ thể thu hút vốn FDI nói chung và vốn của người Việt Nam nói riêng đầu tư mua cổ phần DNNN cổ phần hóa, mua cổ phần trong các DN mà Nhà nước thoái vốn.

Hai là, Chính phủ cần tiếp tục đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa DNNN, giảm tỷ trọng sở hữu của nhà nước trong các DN đã cổ phần hóa, kể cả tại các NHTM nhà nước đã được cổ phần hóa; đảm bảo sự phát triển minh bạch của thị trường chứng khoán, xử lý thật nghiêm những hành vi cố ý vi phạm, thao túng, trục lợi trên thị trường này.

Ba là, các chính sách của Chính phủ cần phải theo hướng tạo điều kiện thu hút mọi nguồn vốn đầu tư, kể cả nguồn tiền của người Việt Nam ở nước ngoài phát triển bền vững thị trường bất động sản.

Bốn là, chính sách xuất khẩu lao động gắn liền với đổi mởi chính sách giáo dục và đào tạo: Chính sách xuất khẩu lao động cần có sự vào cuộc một cách đồng bộ từ Chính phủ đến các bộ ngành trong các đàm phán, hợp tác trong các hiệp định song phương và đa phương, trong các hoạt động xúc tiến phát triển thị trường lao động. Kèm theo đó là các chính sách khuyến khích các DN tìm kiếm thị trường xuất khẩu lao động mới, khai thông những lực cản tại các thị trường truyền thống cũng như các biện pháp khác bảo vệ quyền lợi người lao động.

Bên cạnh đó, cần mở rộng chính sách tín dụng ưu đãi dành cho người đi xuất khẩu lao động. Chính phủ cần gia tăng quy mô và hàng năm chủ động bố trí riêng nguồn vốn cho người lao động vay để đi xuất khẩu lao động nước ngoài tại Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam, bao gồm cả cả tiền vay đi học tiếng, đi học nghề, tiền đặt cọc, tăng mức được vay, tăng thời hạn vay và linh hoạt trong xử lý rủi ro tín dụng lĩnh vực này.

Chính phủ cần tập trung các chương trình, dự án có tính chất đào tạo nghề,  có tính chất ưu đãi... vào Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam để mở rộng tín dụng xuất khẩu lao động và tín dụng sinh viên.

Các tỉnh, thành phố trong vùng trọng điểm kinh tế phía Nam nên bố trí thêm nguồn vốn NSNN ở địa phương chuyển qua Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam để cho vay sản xuất kinh doanh vùng khó khăn, nâng mức cho vay hộ nghèo, hộ đi xuất khẩu lao động.

Tài liệu tham khảo:

1. Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, "Báo cáo tình hình xuất khẩu lao động cả nước năm 2017 - 2019";

2. Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài (2017-2019), “Báo cáo hoạt động của Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài năm 2017-2019;

3. Ngân hàng Nhà nước: https://www.sbv.gov.vn/; World Bank (2017), Migration and Remittances Factbook 2016, Washington.

Bài viết đăng trên Tạp chí Tài chính Kỳ 1 - Tháng 8/2020

Theo tapchitaichinh.vn
Số lượt đọc: 3880
Thông báo