BỘ KẾ HOẠCH VÀ ĐẦU TƯ
CỤC ĐẦU TƯ NƯỚC NGOÀI
TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ ĐẦU TƯ NƯỚC NGOÀI
Thứ Tư, 22/01/2025
Số liệu FDI hàng tháng
Tình hình thu hút đầu tư nước ngoài năm 2024
Thứ Hai, 13/01/2025 04:08
Tình hình thu hút đầu tư nước ngoài năm 2024

Tính đến hết năm 2024, tổng vốn đăng ký mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần, mua phần vốn góp (GVMCP) của nhà ĐTNN đạt gần 38,23 tỷ USD, giảm 3% so với năm 2023. Vốn thực hiện của dự án đầu tư nước ngoài ước đạt khoảng 25,35 tỷ USD, tăng 9,4% so với năm 2023.

1. Tình hình thu hút ĐTNN năm 2024

1.1. Tình hình hoạt động

Vốn thực hiện:

Năm 2024, ước tính các dự án đầu tư nước ngoài đã giải ngân được khoảng 25,35 tỷ USD, tăng 9,4% so với năm 2023.  

Tình hình xuất, nhập khẩu:

Xuất khẩu: Xuất khẩu kể cả dầu thô ước đạt gần 290,9 tỷ USD, tăng 12,3% so với năm 2023, chiếm gần 71,7% kim ngạch xuất khẩu. Xuất khẩu không kể dầu thô ước đạt hơn 289,2 tỷ USD, tăng 12,5% so với năm 2023, chiếm hơn 71,3% kim ngạch xuất khẩu cả nước.

Nhập khẩu: Nhập khẩu của khu vực ĐTNN ước đạt gần 240,7 tỷ USD, tăng 15,1% so với năm 2023 và chiếm 63,2% kim ngạch nhập khẩu cả nước.

Tính chung trong năm 2024, khu vực ĐTNN xuất siêu gần 50,3 tỷ USD kể cả dầu thô và xuất siêu hơn 48,6 tỷ USD không kể dầu thô. Trong khi đó, khu vực doanh nghiệp trong nước nhập siêu hơn 25,5 tỷ USD.

1.2. Tình hình đăng ký đầu tư

Năm 2024, tổng vốn đăng ký mới, điều chỉnh và GVMCP của nhà ĐTNN đạt gần 38,23 tỷ USD, giảm 3% so với năm 2023. Cụ thể:

Đăng ký mới: Có 3.375 dự án đầu tư mới (tăng 1,8% so với năm 2023), tổng vốn đăng ký đạt hơn 19,7 tỷ USD (giảm 7,6% so với năm 2023).

Điều chỉnh vốn: Có 1.539 lượt dự án đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư (tăng 11,2% so với năm 2023), tổng vốn đầu tư tăng thêm đạt gần 14 tỷ USD (tăng 50,4% so với năm 2023).

Góp vốn, mua cổ phần: Có 3.502 giao dịch GVMCP của nhà ĐTNN (giảm 2,4% so với năm 2023), tổng giá trị vốn góp đạt gần 4,54 tỷ USD (giảm 48,1% so với năm 2023).

ĐTNN năm 2024 theo tháng

  

  Theo ngành:

Các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 18 ngành trong tổng số 21 ngành kinh tế quốc dân. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đạt gần 25,58 tỷ USD, chiếm 66,9% tổng vốn đầu tư đăng ký, tăng 1,1% so với năm 2023. Ngành kinh doanh bất động sản đứng thứ hai với tổng vốn đầu tư 6,31 tỷ USD, chiếm 16,5% tổng vốn đầu tư đăng ký, tăng 18,8% so với năm 2023. Tiếp theo lần lượt là các ngành sản xuất, phân phối điện và bán buôn bán lẻ với tổng vốn đăng ký đạt lần lượt hơn 1,42 tỷ USD và gần 1,41 tỷ USD; còn lại là các ngành khác như xây dựng, vận tải kho bãi, thông tin và truyền thông,…

Xét về số lượng dự án, bán buôn, bán lẻ là ngành dẫn đầu về số dự án mới (chiếm 34,7%) và số lượt giao dịch GVMCP (chiếm 40,9%). Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo dẫn đầu về số lượt dự án điều chỉnh vốn (chiếm 63,8%).

Cơ cấu vốn ĐTNN năm 2024 theo ngành

 

Theo đối tác đầu tư:

Đã có 114 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư tại Việt Nam trong năm 2024. Trong đó, Singapore dẫn đầu với tổng vốn đầu tư gần 10,21 tỷ USD, chiếm hơn 26,7% tổng vốn đầu tư, tăng 31,4% so với năm 2023[1]. Hàn Quốc đứng thứ hai với gần 7,06 tỷ USD, chiếm 18,5% tổng vốn đầu tư, tăng 37,5% so với năm 2023. Tiếp theo là Trung Quốc, Hồng Kông, Nhật Bản,…

Xét về số dự án, Trung Quốc là đối tác dẫn đầu về số dự án đầu tư mới (chiếm 28,3%); Hàn Quốc dẫn đầu về số lượt điều chỉnh vốn (chiếm 22,8%) và GVMCP (chiếm 25,2%).

ĐTNN năm 2024 theo đối tác

 

Xếp hạng vốn ĐTNN năm 2024 tại Việt Nam theo đối tác

 

Theo địa bàn đầu tư:

Các nhà ĐTNN đã đầu tư vào 56 tỉnh, thành phố trên cả nước trong năm 2024. Bắc Ninh dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đăng ký gần 5,12 tỷ USD, chiếm 13,4% tổng vốn đầu tư cả nước, gấp hơn 2,8 lần cùng kỳ. Hải Phòng đứng thứ hai với hơn 4,94 tỷ USD, chiếm 12,9% tổng vốn đầu tư đăng ký, tăng 42,4% so với năm 2023. TP Hồ Chí Minh đứng thứ ba với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 3,04 tỷ USD, chiếm gần 8% tổng vốn đầu tư cả nước, giảm 49,4% so với năm 2023. Tiếp theo lần lượt là Quảng Ninh, Hà Nội, Bình Dương,…

          Nếu xét về số dự án, TP Hồ Chí Minh dẫn đầu cả nước cả về số dự án mới (chiếm 42%), số lượt dự án điều chỉnh vốn (chiếm 15,4%) và GVMCP (chiếm 69%).

ĐTNN năm 2024 theo địa phương

 

Xếp hạng vốn ĐTNN năm 2024 tại Việt Nam theo địa phương

  

2. Nhận xét về tình hình đầu tư nước ngoài trong tháng 12 và cả năm 2024.

- Năm 2024, vốn ĐTNN giải ngân đạt 25,35 tỷ USD, tăng 9,4% so với năm 2023, mức giải ngân cao nhất từ trước đến nay, chiếm 16,5% tổng vốn đầu tư toàn xã hội, tăng nhẹ 0,5 điểm phần trăm so với mức đóng góp vào vốn đầu tư xã hội của năm 2023.

- Tổng vốn đầu tư cả năm 2024 tuy giảm nhẹ 3%, song điều chỉnh vốn đầu tư là điểm sáng của năm khi tăng cả về số lượt dự án điều chỉnh vốn (11,2%) cũng như tổng vốn tăng thêm (50,4%) so với năm 2023. Đầu tư mới cũng tăng nhẹ (1,8%) về số lượng dự án. Qua đó khẳng định, các nhà ĐTNN tiếp tục đặt niềm tin vào môi trường đầu tư của Việt Nam, không ngừng tăng cường dự án đầu tư mới và mở rộng dự án đầu tư hiện hữu.

- Riêng tháng 12 năm 2024, ghi nhận tổng lượng vốn đầu tư lớn nhất so với các tháng trong năm với gần 6,85 tỷ USD, chiếm 17,9% tổng vốn đầu tư của cả nước trong năm 2024. Trong đó, vốn đầu tư tăng thêm, số lượng dự án đầu tư mới và số lượng giao dịch GVMCP cũng đạt mức cao nhất trong các tháng của năm 2024.

- Các đối tác đầu tư lớn của nhất đều là các đối tác truyền thống của Việt Nam và đến từ Châu Á. Riêng 5 nước dẫn đầu (Singapore, Hàn Quốc, Trung Quốc, Hồng Kông, Nhật Bản) đã chiếm 73,4% số dự án đầu tư mới và 78,1% tổng vốn đầu tư đăng ký của cả nước. Đặc biệt, hai đối tác chiến lược, lớn nhất của Việt Nam là Singapore và Hàn Quốc đều tăng tổng lượng vốn đầu tư tại Việt Nam trong năm 2024 (tương ứng 31,1% và 37,5%).

- Các tỉnh, thành phố có nhiều lợi thế trong thu hút ĐTNN (cơ sở hạ tầng tốt, nguồn nhân lực ổn định, nỗ lực cải cách thủ tục hành chính và năng động trong công tác xúc tiến đầu tư,…) thu hút phần lớn lượng vốn đầu tư của cả nước, như Bắc Ninh, Hải Phòng, TP Hồ Chí Minh, Quảng Ninh, Hà Nội, Bình Dương, Đồng Nai, Nghệ An, Bà Rịa - Vũng Tàu, Hưng Yên. Riêng 10 địa phương này đã chiếm 79,2% số dự án mới và 70,1% số vốn đầu tư của cả nước trong năm 2024.

- Trong năm 2024, Chính phủ đã triển khai nhiều cơ chế chính sách nổi bật trong thu hút ĐTNN, đặc biệt trong lĩnh vực công nghệ cao như: Chiến lược phát triển công nghiệp bán dẫn Việt Nam đến năm 2030 và tầm nhìn 2050 (Quyết định số 1018/QĐ-TTg ngày 21/09/2024); Nghị định số 182/NĐ-CP ngày 31/12/2024 về thành lập, quản lý và sử dụng Quỹ hỗ trợ đầu tư. Kết quả là: (i) nhiều dự án lớn ở các lĩnh vực bán dẫn[2], năng lượng (sản xuất pin, tế bào quang điện, thanh silic), sản xuất linh kiện, sản phẩm điện tử, sản phẩm có giá trị gia tăng cao[3] được đầu tư mới và mở rộng vốn trong năm 2024; (ii) tiếp tục củng cố niềm tin cho nhà đầu tư và nâng cao sức cạnh tranh của môi trường đầu tư Việt Nam, đặc biệt là trong các lĩnh vực công nghệ cao.

- Khu vực ĐTNN đóng góp tích cực vào thành tựu tăng trưởng, phát triển kinh tế của Việt Nam năm 2024, cụ thể:

+  Đóng góp ngân sách nhà nước khoảng 20,49 tỷ USD, chiếm 24,7% tổng thu ngân sách nhà nước[4].

+ Khu vực ĐTNN xuất siêu gần 50,3 tỷ USD kể cả dầu thô và xuất siêu hơn 48,6 tỷ USD không kể dầu thô, bù đắp phần nhập siêu hơn 25,5 tỷ USD của khu vực doanh nghiệp trong nước, là bệ đỡ giúp cả nước xuất siêu khoảng 24,9 tỷ USD trong năm 2024.

3. Tình hình ĐTNN luỹ kế tới hết năm 2024

Tính lũy kế đến hết năm 2024, cả nước có 42.002 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký gần 502,8 tỷ USD. Vốn thực hiện lũy kế của các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài ước đạt gần 322,5 tỷ USD, bằng 64,1% tổng vốn đầu tư đăng ký còn hiệu lực.

Theo ngành: các nhà ĐTNN đã đầu tư vào 19/21 ngành trong hệ thống phân ngành kinh tế quốc dân. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo chiếm tỷ trọng cao nhất với hơn 308,76 tỷ USD (chiếm 61,4% tổng vốn đầu tư). Tiếp theo là các ngành kinh doanh bất động sản với gần 73,18 tỷ USD (chiếm 14,6% tổng vốn đầu tư); sản xuất, phân phối điện với gần 41,93 tỷ USD (chiếm 8,3% tổng vốn đầu tư).

Theo đối tác đầu tư: Có 147 quốc gia, vùng lãnh thổ hiện có dự án đầu tư còn hiệu lực tại Việt Nam. Trong đó, đứng đầu là Hàn Quốc với tổng vốn đăng ký hơn 92 tỷ USD (chiếm 18,3% tổng vốn đầu tư). Singapore đứng thứ hai với gần 83,13 tỷ USD (chiếm 16,5% tổng vốn đầu tư). Tiếp theo lần lượt là Nhật Bản, Đài Loan, Hồng Kông.

Theo địa bàn: mặt ở tất cả 63 tỉnh, thành phố trong cả nước, trong đó TP Hồ Chí Minh làĐTNN đã có  địa phương dẫn đầu trong thu hút ĐTNN với gần 59 tỷ USD (chiếm 11,7% tổng vốn đầu tư); tiếp theo là Bình Dương với 42,48 tỷ USD (chiếm 8,45% tổng vốn đầu tư); Hà Nội với gần 42,34 tỷ USD (chiếm 8,4% tổng vốn đầu tư).

Biểu số liệu chi tiết kèm theo. 

[1] Đầu tư của Singapore chủ yếu là đầu tư mới và điều chỉnh vốn, chiếm tương ứng 61,3% và 26,4% tổng vốn đầu tư của Singapore trong năm 2024.

[2] Nhà máy sản xuất, lắp ráp và thử nghiệm vật liệu, thiết bị bán dẫn (Singapore) của Amkor Technology Singapore Holding Pte.Ltd tại Bắc Ninh điều chỉnh mở rộng dự án thêm 1,07 tỷ USD.

[3] Dự án LG Display Hải Phòng mở rộng vốn đầu tư thêm 2,35 tỷ USD.

[4] Tính toán lại từ số liệu thu ngân sách của Bộ Tài chính, thu ngân sách từ khu vực ĐTNN bao gồm thu nội địa từ khu vực DN có vốn ĐTNN, thu từ dầu thô và thu từ hoạt động XNK.

Theo Cục ĐTNN
Số lượt đọc: 556
Thông báo