1. Tình hình ĐTNN tại Bà Rịa - Vũng Tàu 7 tháng đầu năm 2020
Tính chung trong 7 tháng đầu năm 2020, Bà Rịa - Vũng Tàu thu hút ĐTNN đạt 2,09 tỷ USD, đứng thứ 4/59 địa phương có thu hút ĐTNN từ đầu năm đến thời điểm hiện tại, tăng 2,9 lần so với cùng kỳ năm 2019. Trong đó:
- Cấp mới: 16 dự án, vốn đăng ký 238,4 triệu USD, chiếm 11,4% tổng vốn đăng ký.
-Tăng vốn: 6 dự án, vốn tăng thêm 1,48 tỷ USD, chiếm 70,9% tổng vốn đầu tư. Trong đó có dự án Tổ hợp hóa dầu miền Nam tăng vốn 1,38 tỷ USD.
- Góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp: 31 trường hợp, tổng giá trị vốn góp đạt 370,1 triệu USD, chiếm 17,6% tổng vốn đầu tư.
2. Tình hình thu hút FDI tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu lũy kế đến 20/7/2020
Tính lũy kế đến ngày 20/7/2020, trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu hiện có 482 dự án FDI còn hiệu lực, đến từ 34 quốc gia và vùng lãnh thổ, với tổng vốn đầu tư đăng ký 32,65 tỷ USD, đứng thứ 4/63 địa phương trên cả nước về thu hút ĐTNN (sau TP HCM, Hà Nội và Bình Dương). Quy mô vốn bình quân trên 1 dự án là 67,7 triệu USD, cao hơn quy mô vốn bình quân chung của cả nước là khoảng 11,76 triệu USD.
Trong tổng số 482 dự án FDI còn hiệu lực có tới 282 dự án thuộc lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo (chiếm 58,5 % số dự án), tổng vốn đầu tư đăng ký 16, 84 tỷ USD (chiếm 51,5 % tổng vốn đầu tư đăng ký). Còn lại là một số dự án thuộc các lĩnh vực khác như dịch vụ lưu trú ăn uống; hoạt động kinh doanh bất động sản; sản xuất, phân phối, điện, khí, nước...
Hiện nay, đã có 34 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án FDI tại Bà Rịa - Vũng Tàu. Dẫn đầu là Thái Lan với 4 dự án, tổng vốn đầu tư đăng ký đạt 5,19 tỷ USD (chiếm 15,9% tổng vốn đầu tư đăng ký). Tiếp theo là Hàn Quốc với 130 dự án, tổng vốn đầu tư đăng ký đạt 5,03 tỷ USD (chiếm 15,47% tổng vốn đầu tư đăng ký). Đứng thứ ba là Hoa Kỳvới 17 dự án và 4,47tỷ USD vốn đăng ký (chiếm 13,7% tổng vốn đầu tư đăng ký). Còn lại là một số quốc gia và vùng lãnh thổ khác như Canada, Nhật Bản, Đài Loan,...
3. Một số dự án FDI lớn trên địa bàn tỉnh Vũng Tàu
- Dự án Tổ hợp hóa dầu miền nam Việt Nam của nhà đầu tư Thái Lan, vốn đầu tư 5,15 tỷ USD, sản xuất các sản phẩm hóa dầu.
- Dự án Hồ Tràm của nhà đầu tư ASIAN Coast Development Ltd, Canada, vốn đầu tư 4,23 tỷ USD, xây dựng khu du lịch nghỉ dưỡng.
- Dự án CTY TNHH WINVEST INVESTMENT (VIỆT NAM) của nhà đầu tư Winvest Investment LLC - Hoa Kỳ, vốn đầu tư 4,1 tỷ USD, xây dựng khu du lịch 5 sao.
- Dự án NHÀ MÁY SẢN XUẤT POLYPROPYLENE (PP) VÀ KHO NGẦM CHỨA KHÍ DẦU MỎ HÓA LỎNG (LPG) TẠI VIỆT NAM của nhà đầu tư Hyosung, Hàn Quốc, vốn đầu tư 1,2 tỷ USD, sản xuất PP từ khí hóa lỏng LPG.
- Dự án NHÀ MÁY CHINA STEEL SUMIKIN VIỆT NAM của nhà đầu tư Đài Loan, vốn đầu tư 1,14 tỷ USD, sản xuất thép.
3. Nhận xét về tình hình thu hút ĐTNN trong 5 tháng đầu năm trên địa bàn tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu
- ĐTNN của Bà Rịa Vũng Tàu trong 5 tháng đầu năm tăng mạnh so với cùng kỳ năm 2019 do có dự án tăng vốn lớn của Tổ hợp hóa dầu miền nam do Thái Lan đầu tư. Kèm theo đó là số lượt cũng như quy mô góp vốn mua cổ phần tăng tạo nên sự đột biến so với cùng kỳ năm 2019 (tăng hơn 3,4 lần). Cụ thể hai công ty nhận giá trị góp vốn, mua cổ phần lớn lên tới hơn 315 triệu USD, đóng góp đáng kể vào con số tổng giá trị là Công ty CP Posco SS Vina hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh kim loại, quặng kim loại và Công ty TNHH Nitori Bà Rịa – Vũng Tàu trong lĩnh vực dệt vải.
- Tuy nhiên, với tác động từ đại dịch Covid-19 gây không ít khó khăn trong quá trình di chuyển, nhập cảnh, gặp gỡ, trao đổi của các nhà đầu tư trong quá trình tìm hiểu, đàm phán, quyết định đầu tư mới cũng như mở rộng quy mô dự án hiện tại. Kết quả thể hiện rõ ở số dự án cấp mới và số lượt dự án tăng vốn đều giảm so với cùng kỳ 5 tháng đầu năm 2019.
4. Tiềm năng, lợi thế và khó khăn, thách thức của Bà Rịa - Vũng Tàu trong thu hút ĐTNN.
a. Tiềm năng, lợi thế:
- Vị trí địa lý thuận lợi, nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, Bà Rịa - Vũng Tàu là trung tâm của ngành công nghiệp dầu khí cả nước, đồng thời còn là cửa ngõ hàng hải của cả khu vực Nam Bộ, với hệ thống cảng nước sâu hiện đại nhất hiện nay. Ðây cũng là địa phương có đội tàu khai thác thủy sản lớn thứ hai (sau Kiên Giang), với hơn sáu nghìn phương tiện đánh bắt;
- Hệ thống cảng biển hiện đại, tạo thuận lợi cho hoạt động kinh doanh, xuất khẩu. Tính từ năm 2016 đến nay, thêm bốn cảng biển hoàn thành, nâng tổng số cảng biển đang hoạt động trên địa bàn tỉnh lên 47/69 cảng, tổng công suất thiết kế đạt 137 triệu tấn/năm, trong đó có bảy cảng công-ten-nơ với công suất 75,46 triệu tấn/năm. Số lượng tàu công-ten-nơ vào làm hàng tăng từ chín chuyến/tuần (năm 2015) lên 23 chuyến/tuần, đi từ Cảng Cái Mép - Thị Vải đến các thị trường châu Âu, châu Mỹ, Đông Bắc Á. Tổng khối lượng hàng hóa trực tiếp thông qua cảng giai đoạn 2016-2020 dự kiến đạt 70 triệu tấn/năm, tăng 12%/năm.
- Nguồn nhân lực dồi dào, được đào tạo và chất lượng cao hơn so với hầu hết các tỉnh, thành phố trong khu vực. Là mộtvùng công nghiệp trẻ, năng động và có sức bật cao, có tiềm năng lớn, luôn đi đầu với chính sách trải thảm đón nhà đầu tư được cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài nước đánh giá cao.
b. Khó khăn, thách thức:
- Nguồn nhân lực của tỉnh thiếu lao động có trình độ chuyên môn cao, nhiều lao động chưa qua đào tạo, cơ cấu lao động chưa hợp lý, khó đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của các nhà đầu tư.
- Sự liên kết giữa các địa phương trong khu vực đối với phát triển kinh tế - xã hội còn hạn chế, chưa khai thác hết tiềm năng, thế mạnh của vùng.
- Môi trường nước trên các sông, rạch hiện nay trên địa bàn đều đang bị ô nhiễm nghiêm trọng. Trong khi đó, kế hoạch di dời các cơ sở chế biến thủy, hải sản vào các khu chế biến tập trung nhiều lần lỡ kế hoạch. Hệ quả là tình trạng ô nhiễm nguồn nước, ô nhiễm không khí do các cơ sở chế biến này gây ra đang tạo "xung đột" cho sự phát triển bền vững của ngành du lịch.
- Nhiều lợi thế của địa phương chưa phát huy hết hiệu quả bởi sự lúng túng, lỏng lẻo trong liên kết giữa các địa phương, thiếu nhất quán trong quy hoạch vùng phát triển. Nổi cộm là hệ thống cảng nước sâu Cái Mép - Thị Vải. Việc chậm di dời các cảng tại TP Hồ Chí Minh theo kế hoạch; thiếu đồng bộ trong phát triển hệ thống giao thông kết nối, đã khiến hệ thống cảng nước sâu hiện đại nhất cả nước này hằng năm chỉ khai thác được chừng 30 đến 40% công suất, gây lãng phí rất lớn tài nguyên quốc gia, tài sản của Nhà nước và các nhà đầu tư.
- Hệ thống giao thông kết nối vùng, kết nối các cảng nước sâu với các trung tâm kinh tế lớn trong khu vực quá yếu kém, từ lâu đã trở thành "điểm nghẽn" của sự phát triển.
5. Định hướng thu hút ĐTNN của Bà Rịa - Vũng Tàu
- Thu hút đầu tư có chọn lọc theo hướng ưu tiên thu hút các dự án công nghệ cao, các dự án đầu tư chiều sâu, nâng cấp thiết bị công nghệ, các dự án thân thiện với môi trường, ít thâm dụng lao động;
- Mời gọi đầu tư ở những ngành kinh tế mũi nhọn như là công nghiệp, cảng biển, dịch vụ hậu cần cảng, du lịch và nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
- Thu hút các dự án công nghiệp hỗ trợ nhằm tăng tỷ lệ nội địa hóa và chuỗi giá trị gia tăng của sản phẩm sản xuất tại Việt Nam;
- Các khu công nghiệp chuyển sang phát triển theo hướng khu công nghiệp xanh và khép kín: đô thị - công nghiệp - dịch vụ, góp phần hình thành từng bước các chuỗi đô thị hiện đại, phát triển đồng bộ;
- Ưu tiên hỗ trợ tháo gỡ khó khăn, vướng mắc các dự án hiện hữu để khuyến khích nhà đầu tư tăng vốn đầu tư, mở rộng quy mô.
6. Giải pháp
- Tăng cường đầy mạnh công tác xúc tiến đầu tư, tìm kiếm những dự án tốt, đầu tư vào các lĩnh vực công nghệ cao, đơn giản hóa các thủ tục và hướng dẫn tận tình để nhà đầu tư nhanh chóng triển khai dự án như kế hoạch.
- Tiếp tục thực hiện tốt các chính sách, giải pháp của Chính phủ, các Bộ ngành Trung ương nhằm tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh tạo điều kiện cho các doanh nghiệp trong KCN phát triển sản xuất kinh doanh.
- Đa dạng hóa các loại hình đầu tư: nhưxây dựng nhà xưởng cho thuê, sẵn sàng về hạ tầng đáp ứng nhu cầu các Nhà đầu tư.
- Điều tra nhu cầu lao động, có kế hoạch đào tạo đào tạo lao động có tay nghề để cung cấp nguồn nhân lực cho các dự án.
- Khuyến khích các đô thị nơi có KCN xây dựng danh mục các dự án đầu tư, khu nhà ở công nhân, trung tâm vui chơi giải trí, bệnh viện, trường học…nhằm đáp ứng nhu cầu “hạ tầng mềm” cho nhà đầu tư.
- Chú trọng thu hút các ngành công nghiệp hỗ trợ theo chủ trương chung của tỉnh, đồng thời không ngừng tìm kiếm các nhà đầu tư có quy mô công nghệ cao, thân thiện môi trường.
- Xây dựng một môi trường đầu tư hấp dẫn; quyết tâm gỡ bỏ các yếu tố trì trệ, nâng cao trách nhiệm đội ngũ công chức; tiếp tục kiên trì với mục tiêu thu hút đầu tư có chọn lọc, mời gọi, lựa chọn những DN, nhà đầu tư có năng lực, kinh nghiệm để thực hiện những dự án lớn, tạo sức lan tỏa ở năm ngành kinh tế mũi nhọn là công nghiệp, cảng biển, dịch vụ hậu cần cảng, du lịch và nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
- Đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, xem đây là nhiệm vụ then chốt để tạo lập, củng cố niềm tin cho DN, nhà đầu tư
- Tập trung hoàn thiện hệ thống giao thông đường bộ kết nối giữa Bà Rịa - Vũng Tàu với các địa phương trong khu vực, như cầu Phước An, đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu.
- Phát triển hệ thống cảng thủy nội địa và kho bãi chung quanh hệ thống sông nội địa quanh Cảng Cái Mép - Thị Vải.
- Thúc đẩy việc đầu tư tuyến đường sắt kết nối Cảng Cái Mép - Thị Vải về hệ thống ga hàng hóa tại các tỉnh, thành phố trong Vùng kinh tế trọng điểm phía nam.