BỘ KẾ HOẠCH VÀ ĐẦU TƯ
CỤC ĐẦU TƯ NƯỚC NGOÀI
TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ ĐẦU TƯ NƯỚC NGOÀI
Thứ Hai, 25/11/2024
Tin dự án
Tổ trưởng Tổ tư vấn của Thủ tướng: Phấn khởi về làn sóng FDI mới có lẽ là đang lạc quan... hơi quá!
Thứ Bảy, 25/07/2020 04:01

Nhận định về triển vọng tăng trưởng cuối năm 2020, TS. Nguyễn Đức Kiên - Tổ trưởng Tổ tư vấn của Thủ tướng nói với Trí Thức Trẻ: Nếu chúng ta không có những động tác quyết liệt, ví dụ như hỗ trợ cho các doanh nghiệp chủ chốt trong thời gian vừa qua, thì tăng trưởng sẽ còn giảm tiếp.

Với hình ảnh "cỗ xe tam mã" kéo tăng trưởng gồm ba yếu tố đầu tư, xuất khẩu và tiêu dùng mà Thủ tướng đưa ra, theo ông yếu tố nào sẽ là chủ lực để thúc đẩy kinh tế ở thời điểm hiện tại?

Về mặt lý thuyết, nếu 3 yếu tố này ngang nhau sẽ là tốt nhất. Nhưng trên thực tế, đầu tư sẽ là bước đi quan trọng hơn cả.

Xuất khẩu, chúng ta có thể làm ra được hàng xuất khẩu, nhưng thị trường có mua không? Họ có đặt hàng để ta sản xuất, xuất khẩu không? Điều đó không phụ thuộc vào chúng ta. Chúng ta chỉ chủ động được 50% - là khả năng sản xuất, 50% còn lại phụ thuộc vào đối tác nhập khẩu.

 

Còn tiêu dùng, tại sao Thủ tướng lại đặt vấn đề tiêu dùng ở hàng thứ ba? Tại sao không phải là "đầu tư, tiêu dùng, xuất khẩu", mà lại là "đầu tư, xuất khẩu, tiêu dùng"? Bởi lẽ, tiêu dùng chỉ chiếm từ 18-20% năng lực sản xuất của các doanh nghiệp Việt Nam. 

Tiêu dùng trong nước không đủ để vực dậy các doanh nghiệp sản xuất mà chỉ có thể "giảm sốc" cho doanh nghiệp và người lao động bớt khó khăn, có thể tồn tại và vượt qua mùa dịch.

Nhưng đầu tư thì ta có thể chủ động được 100%. Chỉ định dự án nào, phân bổ tiền ra sao, ta có thể chủ động được.

 

Xu hướng khu vực hóa được cho là sẽ nổi lên hậu Covid-19. Các quốc gia như Mỹ, Trung Quốc được cho là sẽ tập trung tiêu dùng hàng nội địa, cũng như chuyển sang nhập khẩu hàng ở các quốc gia lân cận. Theo ông đây có phải một vấn đề đáng lo ngại với quốc gia phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu như Việt Nam?

Tôi không lo ngại về vấn đề họ tập trung vào hàng nội địa. Nền kinh tế Mỹ không thể đóng cửa, họ là cha đẻ của mở cửa. Ai cũng có thể giao thương với Mỹ, miễn là đạt tiêu chuẩn chất lượng. Họ không thể sản xuất tất cả các sản phẩm, ta thấy quần áo họ đâu có làm?

Còn về việc khu vực hóa hoạt động sản xuất, đây là xu hướng. Các công ty đang cơ cấu lại chuỗi giá trị sản xuất hàng hóa trên thế giới để tối ưu hóa lợi nhuận doanh nghiệp, giảm bớt chi phí vận chuyển vật tư để sản xuất ra sản phẩm. 

Đặc biệt là trong dịch Covid-19, các công ty đã nhận thấy một vấn đề, nếu dồn tất cả năng lực sản xuất một sản phẩm vào một quốc gia, khi quốc gia đó gặp khó khăn thì chuỗi sản xuất cũng bị ảnh hưởng. 

Vậy nên sau Covid-19, một mặt hàng phải sản xuất ở hai nhà máy. Một sản phẩm phải được sản xuất từ hai quốc gia trở lên.

Đây sẽ là cơ hội nếu Việt Nam tận dụng được chuỗi giá trị và sẽ là thách thức nếu chúng ta bị trượt ra ngoài chuỗi giá trị đó.

 

Thời gian gần đây, có nhiều thông tin cho rằng Việt Nam có cơ hội rất lớn trong việc đón làn sóng di dời sản xuất hậu Covid-19 và đây là cơ hội để chúng ta hồi phục kinh tế trong nửa cuối năm 2020. Ông nhận định ra sao về vấn đề này?

Những luồng thông tin mà nhiều người đang phấn khởi về làn sóng FDI mới, có lẽ là đang lạc quan... hơi quá. Đúng là có tín hiệu. Nhưng để một doanh nghiệp đi được, nhất là đối với những tập đoàn lớn, đa quốc gia, họ phải cân nhắc rất kỹ. Vào Việt Nam, họ phải tìm hiểu rất kỹ chứ không phải nhắm mắt đưa chân.

Xu hướng là có, nhưng có tác động ngay thì có lẽ là không.

Hiện giờ, chúng ta phải đặt vấn đề một cách khiêm tốn. Chúng ta sẽ hỗ trợ các doanh nghiệp chuyển cơ sở sản xuất của họ ra khỏi thị trường Trung Quốc. Nhưng thực tế, chúng ta chiếm bao nhiêu phần trăm trong số vốn chuyển đi? Và chúng ta đặt trọng tâm vào những ngành, lĩnh vực nào?

Đây là một cuộc trao đổi hai bên cùng có lợi. Cái mà chúng ta đang chào mời, có khi họ lại không cần. Cái mà họ muốn thì ta lại không muốn. Nên cần có sự trao đổi, và điều đó không thể nhanh được.

 

Vậy động lực tăng trưởng cuối năm, theo ông sẽ đến từ khu vực nào?

Mỗi khu vực đều có một vai trò không thể thiếu trong nền kinh tế. Nhưng chúng ta có thể thống nhất một nhận định: Để vượt qua cuộc khủng hoảng này, khu vực kinh tế trong nước sẽ là bệ đỡ cho tất cả các ngành và lĩnh vực, chặn đà suy giảm để có thể có cơ hội phục hồi, trở lại mức tăng trưởng như trước khi có dịch trong các năm sau.

Chính phủ với tư cách là người tiêu dùng lớn nhất của nền kinh tế, phải có trách nhiệm thông qua đầu tư công. 

Nhà nước phải cởi mở hơn nữa các chính sách để doanh nghiệp và các thành phần kinh tế khác đang có năng lực chuyên môn, khả năng tài chính và muốn đóng góp, thì có thể gia nhập rất nhanh cùng với đầu tư của Nhà nước.

Như số liệu thống kê của Hà Tĩnh mới công bố, để một dự án "thuận buồm, xuôi gió" từ lúc doanh nghiệp đặt vấn đề đến lúc khởi công được trên địa bàn, nhanh thì một năm rưỡi, bình thường thì phải mất hai năm. Đây là "thảm họa" đối với doanh nghiệp mà chúng ta phải khắc phục!

Số lượt đọc: 264
Thông báo