Đây là hoạt động được triển khai theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc thành lập các đoàn công tác kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho sản xuất kinh doanh, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công năm 2020 tại một số bộ, ngành, địa phương.
Triển khai sớm, sâu sát, phân trách nhiệm rõ ràng
Thanh Hóa được đánh giá là một trong những “điểm sáng” trong bức tranh về tiến độ giải ngân vốn đầu tư công nửa đầu năm 2020. Một trong những nội dung quan trọng được đề cập, trao đổi là những bài học của Thanh Hóa trong đẩy nhanh tiến độ giải ngân.
Ông Nguyễn Văn Thi, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa, cho biết, tổng hợp số liệu của Kho bạc Nhà nước Thanh Hóa, đến ngày 22/7, tổng kế hoạch vốn năm 2020 đã giải ngân của tỉnh là 5.301 tỷ đồng, đạt 54,6% so với kế hoạch năm 2020 theo thông báo của Trung ương (đạt 58,3% nếu so với số vốn đã được giao kế hoạch chi tiết).
Còn nếu dựa trên con số tổng hợp ở Cổng thông tin quốc gia về giám sát và đánh giá đầu tư của Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT), đến ngày 22/7, tỉnh Thanh Hóa đứng thứ 10 trong số 126 cơ quan, đơn vị và đứng thứ 6 trong số 63 tỉnh, thành phố có tỉ lệ giải ngân vốn đầu tư công cao.
Như vậy, căn cứ vào số liệu thống kê nào, Thanh Hóa là một trong những địa phương đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận trong giải ngân vốn đầu tư công.
Bài học kinh nghiệm của Thanh Hoá là ngay từ đầu năm đã khẩn trương giao kế hoạch vốn cho các chương trình, dự án; thường xuyên tổ chức các hội nghị giao ban về đầu tư công để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc; yêu cầu ký cam kết về tiến độ giải phóng mặt bằng của các dự án giữa chủ đầu tư và các đơn vị liên quan; phân công cụ thể lãnh đạo chỉ đạo, theo dõi các dự án trọng điểm; rồi thành lập các đoàn kiểm tra công tác giải phóng mặt bằng, tiến độ thực hiện, giải ngân vốn đầu tư công…
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng, lãnh đạo tỉnh Thanh Hoá đã triển khai các giải pháp “rất trúng và đúng”, cần tiếp tục thực hiện các giải pháp này để thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công tốt hơn nữa trong những tháng cuối năm.
Về phía địa phương, ông Nguyễn Đình Xứng, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa khá tự tin khi cam kết sẽ giải ngân hết số vốn kế hoạch giao trong năm nay, còn giải ngân vốn ODA thì khó khăn hơn.
Tại buổi làm việc, lãnh đạo tỉnh Thanh Hoá đề nghị xem xét tổng hợp, bố trí phần vốn ngân sách Trung ương còn thiếu của các dự án đã có trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020; vốn cho các dự án hạ tầng trọng điểm…
Sau khi nghe các ý kiến thảo luận tại Hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cũng đánh giá cao kết quả Thanh Hóa đã đạt được trong 6 tháng đầu năm, đặc biệt là tăng trưởng GRDP đạt 3,7%. Tuy chưa đạt kỳ vọng, nhưng đã góp phần rất lớn vào tốc độ tăng trưởng dương của kinh tế Việt Nam, giải ngân vốn đầu tư tốt, thu hút đầu tư tốt…
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cũng bày tỏ sự đồng tình, ủng hộ khi Thanh Hóa đặt mục tiêu tăng trưởng 11% trong 5 năm tới. Ông Nguyễn Chí Dũng cho rằng, mục tiêu này là cao nhưng phải đặt ra để phấn đấu, cần "nghĩ lớn, làm lớn”.
Trao đổi với đại diện tỉnh Thanh Hoá, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng lưu ý thêm, không chỉ là giải ngân vốn đầu tư công, để phục hồi kinh tế, cũng cần tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy giải ngân các nguồn vốn đầu tư khác, bao gồm vốn đầu tư nước ngoài, vốn đầu tư tư nhân… vì thực tế vốn đầu tư công chỉ chiếm 1/3 tổng vốn đầu tư toàn xã hội. Cần phải coi trọng các nguồn vốn đầu tư này cũng giống như vốn đầu tư công, khơi thông nguồn lực, qua đó đóng góp cho tăng trưởng kinh tế. Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng ủng hộ mục tiêu của lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa tập trung phát triển cho Khu kinh tế Nghi Sơn, nơi hiện đang thu hút nhiều dự án đầu tư lớn, có ý nghĩa động lực, trong đó có Lọc hóa dầu Nghi Sơn. Muốn làm việc lớn, ông Nguyễn Chí Dũng cho rằng, lãnh đạo tỉnh cần “tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, từ cái nhỏ nhất cho các doanh nghiệp, các nhà đầu tư”.