Thưa ông, cho tới thời điểm này, có thể nói gì về Hệ thống trên?
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc triển khai ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan nhà nước tại Quyết định số 48/2009/QĐ-TTg ngày 31/3/2009, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã triển khai xây dựng Hệ thống Thông tin quốc gia về đầu tư nước ngoài.
Sau nhiều năm chuẩn bị, Hệ thống này đã hoàn thành và bước đầu đảm bảo các điều kiện về kỹ thuật cũng như về nghiệp vụ để vận hành.
Mục tiêu của việc xây dựng Hệ thống là nhằm chuẩn hóa và tin học hóa các quy trình nghiệp vụ, quy trình thủ tục đầu tư đối với các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), các cơ quan quản lý hoạt động FDI.
Quan trọng nhất là thiết lập một kho dữ liệu quốc gia về tình hình hoạt động của doanh nghiệp, dự án FDI trên phạm vi toàn quốc.
Đây có phải là lần đầu tiên, Việt Nam có kho dữ liệu quốc gia về doanh nghiệp FDI không? Ai sẽ là đối tượng hưởng lợi khi triển khai Hệ thống này, thưa ông?
Đúng vậy. Kho dữ liệu này sẽ là công cụ hữu hiệu để hỗ trợ doanh nghiệp FDI, cơ quan quản lý FDI thực hiện các quy trình thủ tục đầu tư cũng như công tác thống kê, báo cáo và công tác chuyên môn khác.
Có thể thấy rõ, đối tượng hưởng lợi đầu tiên là các nhà đầu tư, doanh nghiệp FDI. Nếu được các cấp có thẩm quyền cho phép, bằng việc sử dụng Hệ thống, với một số thao tác đơn giản, họ có thể kê khai trực tuyến toàn bộ thông tin về dự án đầu tư của mình trước khi nộp hồ sơ xin cấp giấy chứng nhận đầu tư, thay vì trước đây, cơ quan quản lý nhà nước phải tự nhập thông tin về dự án đầu tư nước ngoài vào hệ thống.
Việc này sẽ hỗ trợ rất tích cực cho các cơ quan quản lý trong việc xem xét hồ sơ một cách nhanh chóng và hiệu quả. Ngoài ra, một tính năng nổi bật của Hệ thống là tính năng báo cáo về tình hình hoạt động đầu tư của doanh nghiệp FDI. Với tính năng này, doanh nghiệp FDI sẽ sử dụng Hệ thống để thực hiện công tác báo cáo cho các cơ quan quản lý một cách hoàn toàn tự động, online.
Đối tượng hưởng lợi thứ hai là các cơ quan quản lý FDI. Các quy trình nghiệp vụ như tiếp nhận hồ sơ, xử lý hồ sơ, trả hồ sơ và công tác thống kê, báo cáo sẽ được thực hiện thông qua một giao diện trực tuyến, tương tác giữa các nhóm nghiệp vụ, các cơ quan với nhau, thông qua đó, việc thực hiện các quy trình này được thực hiện một cách chính xác, tiết kiệm chi phí và đảm bảo đúng thời gian theo quy định.
Đối tượng thứ ba chính là Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các cơ quan quản lý cấp trung ương. Hệ thống sẽ cung cấp một kho cơ sở dữ liệu về tất cả các dự án FDI trên cả nước. Thông qua kho cơ sở dữ liệu này, công tác quản lý điều hành của Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ được thực hiện nhanh chóng, tiện lợi, đảm bảo quản lý thống nhất từ trung ương đến địa phương. Điều này có ý nghĩa rất lớn đối với công tác báo cáo thống kê, dự báo phục vụ hiệu quả công tác quản lý, điều hành kinh tế vĩ mô cũng như xây dựng chính sách về đầu tư nước ngoài.
Hơn thế, tin học hóa các quy trình nghiệp vụ các hoạt động quản lý FDI, ngoài việc hỗ trợ hiệu quả cho các cơ quan quản lý FDI trong công tác chuyên môn, còn góp phần thực hiện cải cách hành chính, qua đó cải thiện môi trường đầu tư tại Việt Nam.
Có sự khác biệt nào giữa Hệ thống này và Hệ thống Đăng ký doanh nghiệp quốc gia cũng do Bộ Kế hoạch và Đầu tư vận hành, thưa ông?
Đúng là hiện nay Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang vận hành hai hệ thống nêu trên. Hệ thống Đăng ký doanh nghiệp quốc gia được xây dựng trên cơ sở quy định của Luật Doanh nghiệp, thực hiện việc cấp đăng ký doanh nghiệp, lưu trữ, công khai hóa thông tin về tình trạng pháp lý của doanh nghiệp tại Việt Nam.
Trong khi đó, Hệ thống Thông tin quốc gia về đầu tư nước ngoài được xây dựng trên cơ sở quy định của Luật Đầu tư, thực hiện việc cập nhật và lưu trữ dữ liệu về tình hình hoạt động đầu tư của các dự án có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam cũng như đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài.
Thưa ông, với những quy định mới về thủ tục đầu tư với nhà đầu tư nước ngoài của Luật Đầu tư năm 2014 vừa được Quốc hội thông qua, có hiệu lực vào 1/7/2015, hai hệ thống này chắc phải có sự liên thông?
Luật Đầu tư năm 2014 đã tách việc cấp Giấy chứng nhận đầu tư và Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh của nhà đầu tư nước ngoài ra làm 2 giấy riêng biệt. Nhà đầu tư nước ngoài phải làm thủ tục đăng ký đầu tư trước tại cơ quan quản lý nhà nước về đầu tư, sau đó mới làm thủ tục đăng ký thành lập doanh nghiệp tại cơ quan đăng ký kinh doanh.
Để đáp ứng yêu cầu này, Cục Đầu tư nước ngoài đang phối hợp rất chặt chẽ với Cục Đăng ký kinh doanh để xây dựng phương án liên thông giữa hai hệ thống nhằm đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước về đầu tư và doanh nghiệp theo luật mới. Việc liên thông này sẽ giúp tiết kiệm thời gian cho doanh nghiệp và góp phần cải cách thủ tục hành chính về đầu tư và kinh doanh cho các nhà đầu tư nước ngoài.
Khánh An