BỘ KẾ HOẠCH VÀ ĐẦU TƯ
CỤC ĐẦU TƯ NƯỚC NGOÀI
TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ ĐẦU TƯ NƯỚC NGOÀI
Thứ Tư, 22/01/2025
Thủ tục đầu tư
Hội thảo phát triển công nghiệp hỗ trợ tại Việt Nam
Thứ Tư, 17/09/2014 09:42
Hội thảo phát triển công nghiệp hỗ trợ tại Việt Nam

Ngày 11/9/2014 tại khách sạn Deawoo, Hà Nội, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Tập đoàn Samsung và Hiệp hội doanh nghiệp đầu tư nước ngoài tổ chức Hội thảo phát triển công nghiệp hỗ trợ (CNHT) tại Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Văn Hiếu đã đến dự và chủ trì Hội thảo.

Phát triển công nghiệp hỗ trợ là một trong những chính sách ưu tiên hàng đầu của Chính phủ, được kỳ vọng sẽ làm thay đổi bộ mặt của nghành công nghiệp Việt Nam đến năm 2020. Về trung và dài hạn, lĩnh vực CNHT đóng góp một vai trò quan trọng để nâng cao năng lực cạnh tranh cho nghành công nghiệp Việt Nam hướng tới mục tiêu trở thành một nước công nghiệp đến năm 2020.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Thứ trưởng Nguyễn Văn Hiếu khẳng định: Việt Nam với những lợi thế về vị trí địa lý, nguồn nhân lực, thị trường nội địa rộng lớn, chính sách thu hút đầu tư cạnh tranh, ổn định về chính trị và hội nhập quốc tế sâu rộng, tốc độ tăng trưởng đạt khá… đã và đang là điểm đến của các doanh nghiệp FDI là các tập đoàn đa quốc gia cũng như các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Các dự án này đã hình thành chuỗi sản xuất và cung ứng sản phẩm với sự tham gia của các doanh nghiệp vệ tinh trong và ngoài nước hoạt động trong lĩnh vực CNHT.

Đến nay, Việt Nam đã thu hút được khoảng 500 doanh nghiệp FDI từ các quốc gia có nền sản xuất tiên tiến đầu tư trong lĩnh vực CNHT. Tuy nhiên, do những đòn bẩy về cơ chế chính sách chưa thực sự đột phá, các doanh nghiệp CNHT Việt Nam hạn chế về công nghệ, kinh nghiệm, năng lực quản lý sản xuất và nguồn nhân lực nên hầu như chưa tham gia vào chuỗi sản xuất này.

Chính phủ Việt Nam luôn coi CNHT là một trong những ưu tiên hàng đầu trong phát triển ngành công nghiệp của Việt Nam. Việt Nam đang triển khai 03 nhóm giải pháp để khuyến khích, phát triển lĩnh vực CNHT trong thời gian tới gồm (1) xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật mới (thay thế QĐ số 12/2011/QĐ-TTg ngày 24/2/2011 về chính sách phát triển CNHT), đồng thời xây dựng, ban hành Nghị định về khuyến khích phát triển CNHT phù hợp với thực tiễn. (2) Xây dựng môi trường, hạ tầng kinh doanh thuận lợi để thu hút các tập đoàn lớn và các doanh nghiệp vừa và nhỏ đầu tư, sản xuất linh kiện và bán thành phẩm. Nâng cao mối liên kết, hợp tác và tạo môi trường chuyển giao công nghệ giữa doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp trong nước. (3) đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng đa dạng nhu cầu sản xuất kinh doanh hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp chế tạo.


Đồng tình với quan điểm này, Giáo sư, TSKH Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (VAFIE) cho rằng, CNHT chưa đáp ứng được kỳ vọng của Chính phủ Việt Nam do đó giá trị gia tăng của sản phẩm còn thấp, tỉ lệ linh, phụ kiện nội địa trong sản phẩm công nghiệp của Việt Nam chỉ đạt xấp xỉ 28%. Theo Giáo sư, Chính sách phát triển CNHT chưa tạo lập được mối liên kết giữa doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp trong nước, chưa tạo được mô hình liên kết theo chiều dọc, chiều ngang và chưa có chiến lược ưu tiên một số loại CNHT chủ chốt của quốc gia để tạo ra sản lượng quy mô lớn là những nguyên nhân của tình trạng yếu kém của các doanh nghiệp CNHT Việt Nam. Về giải pháp, Giáo sư Nguyễn Mại cho rằng ngoài các giải pháp về chính sách của Chính phủ, các doanh nghiệp cần tạo mối liên kết với các Tập đoàn, công ty lớn (điển hình là Samsung) để tham gia vào chuỗi cung ứng của họ; học hỏi, hấp thụ công nghệ tiên tiến từ các tập đoàn này để từng bước khẳng định vị thế cũng như vai trò của các doanh nghiệp Việt Nam trong lĩnh vực này.


Tại Hội thảo, trong phần Q&A do Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài chủ trì, rất nhiều doanh nghiệp với mong muốn trở thành nhà cung cấp linh, phụ kiện cho Samsung đã đưa ra rất nhiều câu hỏi làm thế nào để trở thành nhà cung cấp của Samsung, những tiêu chí, tiêu chuẩn gì Samsung yêu cầu đối với các nhà cung cấp và khả năng chuyển giao công nghệ của Samsung.


Về phần mình, Samsung Electronic Việt Nam khẳng định sự mở rộng, thẳng thắn và đôi bên cùng có lợi là triết lý mua hàng của mình; chất lượng, giá thành và việc giao hàng, giá cả, môi trường, tài chính, luật là những yếu tố quan trọng để Samsung chọn lựa các nhà cung cấp.

Kết thúc Hội thảo, các doanh nghiệp CNHT tiềm năng và các đại diện của Samsung đã cùng tham gia triển lãm Sourcing Fair về các sản phẩm, linh kiện của Samsung và trao đổi trực tiếp giữa các chuyên gia của Samsung và các doanh nghiệp Việt Nam để cùng tìm hiểu về các sản phẩm cũng như quy trình thủ tục và các yêu cầu cần thiết để trở thành nhà cung ứng linh, phụ kiện cho Samsung.\.

Số lượt đọc: 4073
Thông báo