Là một nước nông nghiệp đang
trong quá trình công nghiệp hóa, Đảng và Nhà nước Việt Nam chủ trương ưu tiên
đầu tư cho phát triển nông, lâm ngư nghiệp, Tuy nhiên, đầu tư vào lĩnh vực nông
lâm ngư nghiệp trong bối cảnh hạ tầng nông thôn yếu kém, nguồn vốn hạn chế, nên
thực tế so với các lĩnh vực công nghiệp, dịch vụ, tỷ trọng thu hút vốn đầu tư
từ mọi nguồn lực còn khiêm tốn, chưa tương xứng với tiềm năng và ý nghĩa quan
trọng của lĩnh vực này trong nền kinh tế, chưa tạo được bước phát triển nhanh
trong sản xuất hàng hóa với chất lượng cao như mong muốn. Để khắc phục tình
trạng trên, bên cạnh mục tiêu huy động vốn đầu tư, còn cần phải tìm kiếm công
nghệ sinh học, công nghệ kỹ thuật, công nghệ quản lý… tiên tiến áp dụng vào
lĩnh vực này, cải thiện kết cấu kinh tế, hạ tầng kỹ thuật nông thôn, miền núi, và
cần có đội ngũ cán bộ giỏi, đội ngũ lao động lành nghề, có kỹ năng kinh doanh
thành thạo. Chìa khóa để mở rộng một trong những cánh cửa giải quyết các vấn đề
trên là hợp tác quốc tế, trong đó có việc thu hút đầu tư nước ngoài vào lĩnh
vực nông nghiệp.
I.
Thực trạng thu hút FDI vào lĩnh vực nông nghiệp.
Tính đến tháng 8/2014 có 512 dự
án FDI trong lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư
đăng ký là 3,4 tỷ USD, chiếm 3,03% tổng số dự án và 1,4% tổng vốn đầu tư đăng
ký. Đứng thứ 10 trong số 18 ngành kinh tế đã có đầu tư nước ngoài tại Việt Nam.
Trong những năm đầu, nguồn vốn
FDI trong lĩnh vực nông nghiệp chủ yếu hướng vào lĩnh vực chế biến gỗ và các
loại lâm sản, sau những năm 2000, nguồn vốn ĐTNN được thu hút khá đồng đều vào
lĩnh vực trồng trọt, lâm sản, mía đường, chăn nuôi gia súc, gia cầm, trồng
rừng, sản xuất nguyên liệu giấy. Đa số các nhà đầu tư chú trọng vào việc lựa
chọn địa bàn đầu tư là vùng nguyên liệu truyền thống, phù hợp và thuận lợi về
thổ nhưỡng, khí hậu cho việc phát triển nguồn nguyên liệu cung cấp cho các nhà
máy. Phần lớn các ngành trong lĩnh vực nông-lâm-ngư nghiệp không thuộc danh mục
đầu tư có điều kiện nên có đến ¾ số dự án là doanh nghiệp 100% vốn đầu tư nước
ngoài, hình thức này phù hợp với yêu cầu điều hành hoạt động của doanh nghiệp
cũng như về độ rủi ro cao của lĩnh vực này. Nguồn vốn ĐTNN đầu tư vào lĩnh vực
nông-lâm-ngư nghiệp theo 4 hình thức là: hình thức 100% vốn đầu tư trực tiếp
nước ngoài, liên doanh, công ty cổ phần và hợp đồng hợp tác kinh doanh trong đó
hình thức 100% vốn đầu tư chiếm đa số với 390 dự án với tổng vốn đăng ký trên
2,5 tỷ USD, chiếm 76,6% số dự án và 73,9% tổng vốn đăng ký.
Trong thời gian qua ĐTNN vào nông
nghiệp đã bước đầu đạt được một số thành tựu đáng khích lệ. Các dự án ĐTNN đã
đem vào Việt Nam nhiều thiết bị, công nghệ tiên tiến, nhiều giống cây, giống
con có năng suất và chất lượng cao, đạt tiêu chuẩn quốc tế, nhiều dự án đã là
những mô hình làm ăn kiểu mới có hiệu quả cao để nông dân và các doanh nghiệp
Việt Nam noi theo. Các doanh nghiệp có vốn ĐTNN đã tạo thêm việc làm cho hàng
chục ngàn lao động nông nghiệp và hàng chục vạn lao động sản xuất nguyên liệu
cho công nghiệp chế biến và nhiều loại hình dịch vụ khác. Sản phẩn của doanh
nghiệp có vốn ĐTNN được tiếp thị ở thị trường quốc tế một cách khá thuận lợi;
đã góp phần đáng kể trong việc giới thiệu nông sản hàng hóa của Việt Nam trên
thị trường thế giới tạo điều kiện cho nông sản Việt Nam thâm nhập thị trường,
góp phần nâng cao kim ngạch xuất khẩu chung của nghành.
Tuy nhiên, đầu tư nước ngoài vào
lĩnh vực nông nghiệp của Việt Nam vẫn còn rất nhiều khó khăn, hạn chế, chưa
tương xứng với tiềm năng cũng như nhu cầu thu hút FDI của Việt Nam vào lĩnh vực
này. Các hạn chế đó thể hiện ở các điểm sau đây:
Thứ nhất, tỷ trọng vốn FDI trong nông
nghiệp là rất thấp trong cơ cấu ngành kinh tế và có xu hướng ngày càng giảm. Cả
nước hiện có 16.910
dự án đầu tư nước ngoài (FDI) được cấp phép đầu tư với tổng vốn 243 tỷ USD trong đó lĩnh vực nông,
lâm, ngư nghiệp chỉ có 509 dự án với tổng số vốn đăng ký đạt 3,39 tỷ USD, chỉ chiếm
3,03% tổng số dự án và 1,4% tổng vốn đăng ký. Bình quân hàng năm, toàn nghành
thu hút được khoảng 20 dự án và 130 triệu USD mỗi năm. Thực tế, nhịp độ thu hút
vốn ĐTNN vào lĩnh vực nông-lâm-ngư nghiệp đã đạt mức cao giai đoạn 1991 đến
2000, tuy nhiên, giai đoạn gần đây, thu hút ĐTNN vào lĩnh vực này đã giảm mạnh.
Cụ thể Nếu
như cách đây 15 năm, FDI vào nông lâm ngư nghiệp chiếm 15% trong tổng vốn đầu
tư FDI của cả nước thì trong 3 năm gần đây chiếm chưa đến 0,5%.
Thứ hai, chất lượng của các dự án FDI
lĩnh vực nông nghiệp chưa cao, phần lớn là các dự án quy mô nhỏ. Nếu như quy mô
vốn đầu tư bình quân một dự án FDI vào khoảng 14,7 triệu USD thì một dự án FDI nông
nghiệp chỉ đạt 6,6 triệu USD.
Thứ ba, phân bổ vốn FDI trong nông
nghiệp cũng không đồng đều. Các dự án FDI tập trung chủ yếu ở các dự án thu hồi
vốn nhanh như chăn nuôi, chế biến thức ăn chăn nuôi, trồng rừng, chế biến gỗ và
lâm sản, thủy sản. Trồng rừng và chế biến gỗ chiếm khoảng 78% tổng vốn FDI vào
nông nghiệp; trong khi các ngành chế biến nông sản, thủy sản còn rất khiêm tốn.
Thứ tư, các dự án FDI trong lĩnh vực
nông nghiệp cũng chủ yếu đến từ các nhà đầu tư của khu vực Châu Á có nền công
nghệ chưa thực sự phát triển cao như Thái Lan, Đài Loan, Indonesia… các nước
phát triển cao như Mỹ, Nhật Bản, EU… còn ít.
Trong chính sách thu hút đầu tư
trực tiếp nước ngoài (ĐTNN), Lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp, công nghiệp chế
biến nông, lâm thủy hải sản và phát triển nông thôn luôn được coi là lĩnh vực
khuyến khích và đặc biệt khuyến khích đầu tư. Vì vậy, hơn 25 năm qua,
II.
Nguyên nhân của tồn tại, hạn chế.
1.
Nguyên nhân khách quan
Trước
hết, có một thực
tế là đầu tư vào lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp vốn tiềm ẩn nhiều rủi ro. Hoạt động
này thường diễn ra ở các vùng nông thôn rộng lớn, điều kiện tự nhiên khó khăn,
lệ thuộc nhiều vào thời tiết, sản phẩm mang tính mùa vụ, dễ hư hỏng, thường
xuyên bị ảnh hưởng của thiên tai, dịch bệnh… Sản phẩm nông nghiệp thường có tỉ
suất lợi nhuận thấp, mức thu nhập không cao. Trong điều kiện thời tiết Việt Nam
luôn thay đổi thất thường, thiên tai thường xuyên xảy ra thì rủi ro do thiên nhiên
mang lại trong lĩnh vực này càng cao.
Thứ
hai, sản xuất nông nghiệp Việt Nam chủ yếu là quy
mô nhỏ, phân tán, thiếu tính liên kết, phối hợp và không chuyênnghiệp, chưa tạo
ra sức thu hút đầu tư của các doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp FDI.
Các vùng sản xuất chưa được chuyên môn hóa với kết cấu hạ tầng đồng bộ; cơ cấu
sản xuất chưa ổn định, thiếu tầm nhìn dài hạn
Thứ ba, kết cấu hạ tầng kinh tế, kỹ
thuật ở nông thôn hiện nay rất kém, muốn “đến” với nông dân, các doanh nghiệp
buộc phải đầu tư thêm nhiều hạng mục ngoài công trình, chi phí lớn. Nhất là đối
với ngành lâm nghiệp, do chủ yếu phát triển tại các vùng, miền địa hình đồi
núi, giao thông vận tải khó khăn khiến nhiều doanh nghiệp FDI e ngại. Bên cạnh
đó, số lượng người lao động có tay nghề, được đào tạo bài bản về lĩnh vực nông
nghiệp hiện nay còn rất thấp, hơn nữa, hệ thống sản xuất, tiêu thụ hàng nông
sản còn bất cập, chúng ta chưa thiết lập được mối quan hệ giữa các hộ nông dân với
các doanh nghiệp, chưa phát huy hết vai trò của các hiệp hội theo ngành hàng.
2.
Nguyên nhân chủ quan
Bên cạnh các nguyên nhân khách
quan, việc thu hút FDI đạt hiệu quả thấp còn xuất phát từ những nguyên nhân chủ
quan dưới đây.
Trước hết, chưa có chiến lược, định hướng rõ ràng, phù hợp để thu hút FDI vào nông
nghiệp. Cho đến nay ngành nông nghiệp vẫn thiếu một chiến lược, định
hướng dài hạn thu hút vốn FDI vào nông nghiệp-nông thôn một cách rõ ràng nhằm
xác định vị trí của nguồn vốn FDI đối với nhu cầu đầu tư phát triển của ngành
nông nghiệp, những dự án cụ thể cần ưu tiên đầu tư nhằm thu hút các nhà đầu tư
có tiềm năng mạnh về nông nghiệp như Hoa Kỳ, Canada, Australia và châu Âu. Bản
thân ngành nông nghiệp cũng chưa có cơ chế chọn lựa, đề xuất các dự án FDI ưu
tiên trong ngành; danh mục dự án gọi vốn chưa bao quát hết nhu cầu; thông tin
về từng dự án còn sơ lược, thiếu chuẩn xác.
Thứ
hai, hệ
thống pháp luật, cơ chế, chính sách đối với các nhà đầu tư FDI trong nông
nghiệp thiếu rõ ràng và minh bạch: Các quy định của pháp luật hiện hành
về thủ tục đầu tư và tổ chức hoạt động của các dự án FDI trong nông nghiệp chưa
tính hết những đặc thù như: chứa đựng nhiều rủi ro trong KD; khả năng tiên
lượng về thị trường khó khăn; các mối quan hệ giữa các tác nhân trong triển
khai dự án phức tạp hơn so với dự án FDI trong công nghiệp, xây dựng và thương
mại…
Thứ
ba, các cơ chế, chính sách về ưu đãi, hỗ trợ cho dự án
nông nghiệp vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu và công tác thực thi còn nhiều vấn đề
bất cập. Chính phủ đã ban hành Nghị định số 210/2013/NĐ-CP ngày 19/12/2013 về chính
sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; tuy nhiên
việc triển khai Nghị định này vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn, vướng mắc do vẫn
còn thiếu các thông tư hướng dẫn của các Bộ, ngành.
Thứ tư,
quy hoạch vùng
nguyên liệu cho các nhà máy chế biến còn yếu, thiếu. Vùng nguyên liệu được xem
là yếu tố sống còn với doanh nghiệp chế biến và vì vậy doanh nghiệp đầu tư vào
lĩnh vực này cần sử dụng nhiều đất đai để xây dựng vùng nguyên liệu. Tuy nhiên
trên thực tế, tại các địa phương, đất đai đã được giao hết cho các hộ nông dân
với quy mô sản xuất manh mún, đầu tư phân tán, nhỏ lẻ, chạy theo thị trường
khiến các cơ sở chế biến nông sản FDI luôn bị động về nguồn nguyên liệu.
Thứ năm, tổ chức sản xuất, thu mua, chế biến và tiêu thụ nông sản ở Việt Nam còn
nhiều vấn đề mâu thuẫn, phức tạp khó xử lý. Tình trạng mất cân đối giữa
cung và cầu về nguyên liệu cho chế biến nông sản diễn ra phổ biến, liên tục và
ngày càng nan giải. Tình trạng nông dân không gắn hoạt động sản xuất nông sản
nguyên liệu của họ với hoạt động thu mua, chế biến của các doanh nghiệp đang đẩy tới tình trạng tranh chấp trong mua – bán
nguyên liệu vừa đẩy giá nguyên liệu lúc lên cao, lúc xuống thấp diễn ra phổ
biến gây bất lợi cho cả người nông dân sản xuất, các doanh nghiệp chế biến,
tiêu thụ và cả lĩnh vực nông nghiệp nói chung. Phần lớn nông sản (tới 90%) được
tiêu thụ ở dạng tươi sống và chế biến thô, giá trị gia tăng thấp và không có
thương hiệu, nguồn gốc Việt Nam.
III.
Giải pháp
Để ngành nông nghiệp không 'đứng
ngoài' trong làn sóng FDI đổ bộ vào Việt Nam, cần tập trung thực hiện một
số nhóm giải pháp sau đây:
1.
Về hỗ trợ, ưu đãi các dự án FDI trong nông nghiệp.
-
Tiếp tục duy trì và mở rộng các ưu đãi, hỗ trợ hiện hành đối với các dự án đầu
tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nhưng cần loại bỏ các tiêu chí về khuyến khích
xuất khẩu và ưu tiên sử dụng nguyên liệu trong nước.
-
Tăng cường các biện pháp hỗ trợ như: cho nông dân vay vốn ưu đãi để đầu tư phát
triển nguồn nguyên liệu nông sản phục vụ công nghiệp chế biến; hỗ trợ các hoạt
động nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ sản xuất nông nghiệp và chế
biến nông sản…
-
Tiếp tục áp dụng biện pháp ưu đãi thuế thu nhập đối với các dự án đầu tư ứng
dụng công nghệ sinh học trong sản xuất các loại giống mới, dự án phát triển kết
cấu hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp.
- Hướng dẫn kênh hỗ trợ vốn tín
dụng ngân hàng cho các dự án FDI trong lĩnh vực nông nghiệp từ Ngân hàng phát
triển để tạo nguồn vốn bổ sung cho các doanh nghiệp FDI đang triển khai một số
dự án đầu tư tạo giống, sản xuất sản phẩm xuất khẩu…
- Áp
dụng cơ chế bảo lãnh, thế chấp để doanh nghiệp FDI có dự án đầu tư vào lĩnh vực
đặc biệt khuyến khích đầu tư được tiếp cận thuận lợi.
- Có
chính sách trợ cấp cho nông dân và các doanh nghiệp nông nghiệp khi bị tổn thất
vì thiên tai, bị rủi ro về biến động giá thị trường nông sản.
2.
Về công tác quy hoạch
- Nâng cao hiệu quả và chất lượng
công tác quy hoạch, kế hoạch phát triển của từng ngành, từng sản phẩm theo hướng
gắn kết với mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp phát triển đặt ra trong Kế hoạch phát
triển nông nghiệp và nông thôn thời kỳ 2015-2020 định hướng 2030 của Bộ Nông
nghiệp và phát triển nông thôn cũng như định hướng thu hút, sử dụng vốn đầu tư
nước ngoài (ĐTNN). Căn cứ các quy hoạch nói trên, các ngành, địa phương cần xây
dựng các Danh mục dự án ưu tiên gọi vốn ĐTNN với các thông tin cụ thể về mục
tiêu, địa điểm, công suất và đối tác Việt Nam để làm cơ sở cho việc tổ chức các
chương trình vận động đầu tư.
-
Chính quyền địa phương chủ động quy hoạch vùng nguyên liệu nông sản cho nhà đầu
tư gắn với các hình thức chuyển giao quyền sử dụng đất từ nông dân sang nhà đầu
tư. Bố
trí vốn ngân sách hoặc các nguồn vay ODA của Việt Nam để đầu tư giải phóng mặt
bằng tại các vùng dự án triển khai.
3.
Về đất đai, mặt nước.
- Mở
rộng và đảm bảo quyền lợi của người nông dân trong việc chuyển giao quyền sử
dụng đất cho nhà đầu tư, đi đôi với đảm bảo khả năng sử dụng đất ổn định theo
quy hoạch của nhà đầu tư. Áp dụng hình thức kết hợp giữa nhà đầu tư và nông dân
để đầu tư triển khai dự án: người nông dân góp đất đai và sức lao động, nhà đầu
tư bỏ vốn và công nghệ.
- Từng
địa phương tiến hành quy hoạch lại việc sử dụng các loại đất của các dự án FDI
trong nông nghiệp và xác định kế hoạch sử dụng đất lâu dài cho từng dự án.
4. Về phát triển vùng nguyên liệu.
-
Ngân sách nhà nước hỗ trợ vốn dưới hình thức cho nhà đầu tư FDI vay để xây dựng
các hạng kết cấu hạ tầng cứng và mềm cần thiết và sử dụng lâu dài tại vùng nguyên
liệu.
-
Cung cấp tín dụng ưu đãi cho nông dân và doanh nghiệp để đầu tư trực tiếp vào
cây trồng để tạo vùng nguyên liệu đáp ứng yêu cầu kinh doanh có hiệu quả.
-
Chính quyền tỉnh và các huyện có vùng nguyên liệu của dự án FDI có trách nhiệm
bảo vệ và duy trì các vùng nguyên liệu đã quy hoạch cho dự án FDI để đảm bảo
cung cấp đầy đủ nguyên liệu tập trung cho nhà đầu tư.
- Xác định
quyền và trách nhiệm cho nhà đầu tư trong việc đưa ra các biện pháp bảo vệ vùng
nguyên liệu của họ.
5. Về phát
triển nguồn nhân lực
trong nông nghiệp.
- Nhà
nước cần có chương trình đào tạo, bồi dưỡng nhiều mặt cho lực lượng lao động
làm việc cho các dự án trong lĩnh vực nông nghiệp.
- Phát
triển hệ thống đào tạo nghề ở nông thôn, hệ thống khuyến nông, chuyển giao kỹ
thuật, kiến thức kinh tế và kiến thức về thị trường cho người lao động tại chỗ,
trong đó có lao động làm việc cho FDI.
- Phát
huy vai trò của các tổ chức đoàn thể địa phương trong việc hỗ trợ các nhà đầu
tư FDI tiếp cận người dân, gia đình những người làm việc cho FDI để tạo sự hiểu
biết, chia sẻ và hiểu biết lẫn nhau, qua đó phát triển nguồn nhân lực địa
phương nói chung và nguồn nhân lực làm việc cho FDI.
6.
Về công tác Xúc tiến đầu tư
- Tăng cường, nâng cao hiệu quả
vận động, xúc tiến FDI. Ngành nông nghiệp cần phát triển một hệ thống quản lý
và xúc tiến FDI đối với các doanh nghiệp nước ngoài đang hoạt động ở Việt Nam
cũng như các nước vùng lãnh thổ có tiềm năng đầu tư vào nông nghiệp, quảng bá
hình ảnh nông nghiệp Việt trong mắt bạn bè thế giới.
- Cần coi việc hỗ trợ, tạo điều
kiện thuận lợi để triển khai có hiệu quả các dự án ĐTNN đã được cấp Giấy phép đầu
tư (xúc tiến đầu tư tại chỗ) là một biện pháp tốt nhất để để xây dựng hình ảnh,
nâng cao sự hiểu biết của nhà đầu tư nước ngoài về sức hấp dẫn và cạnh tranh
của ĐTNN trong lĩnh vực nông nghiệp và nông thôn ở Việt Nam. Các doanh nghiệp
hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp cũng cần chủ động nâng cao năng lực hoạt động
của mình, tích cực tham gia chương trình xúc tiến đầu tư của ngành, chú trọng
xây dựng và quảng bá thương hiệu. Những giải pháp này cần được thực hiện thường
xuyên, liên tục và cần đặt trong tổng thể chính sách phát triển nông nghiệp,
nông thôn nói chung.