BỘ KẾ HOẠCH VÀ ĐẦU TƯ
CỤC ĐẦU TƯ NƯỚC NGOÀI
TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ ĐẦU TƯ NƯỚC NGOÀI
Thứ Ba, 31/12/2024
Tình hình đầu tư
Tình hình xuất khẩu của khối doanh nghiệp FDI
Thứ Hai, 18/05/2015 09:39
Tình hình xuất khẩu của khối doanh nghiệp FDI

Có thể nói trong thời gian vừa qua, xuất khẩu của khu vực đầu tư nước ngoài là một điểm sáng trong bức tranh kinh tế chung của Việt Nam trong năm vừa qua. Tỷ trọng xuất khẩu của khu vực này trong tổng kim ngạch xuất khẩu có xu hướng ngày càng tăng trong các năm gần đây.

Nếu như năm 2010 kim ngạch xuất khẩu của khu vực đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) là 39 tỷ USD, chiếm là 54,1% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước; năm 2011 (55,1 tỷ USD, chiếm 57% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước), năm 2012 (72 tỷ USD, chiếm 64% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước), năm 2013 (88 tỷ USD, chiếm 66,9% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước), trong năm 2014 xuất khẩu của khu vực đầu tư nước ngoài đạt mức cao nhất từ trước đến nay 101,59  tỷ USD, tăng 14,8% so với cùng kỳ năm 2013, chiếm 68% kim ngạch xuất khẩu của cả nước. Ngoài ra, nhập khẩu của khu vực FDI năm 2014 đạt 84,1 tỷ USD, tăng 13,1% so với cùng kỳ năm 2013 và chiếm 57% kim ngạch nhập khẩu. Tính chung cả năm 2014, khu vực đầu tư nước ngoài xuất siêu 17,02 tỷ USD.

Xuất khẩu của khu vực ĐTNN (kể cả dầu thô) trong 4 tháng năm 2015 đạt 35,07 tỷ USD, tăng 12,6% so với cùng kỳ năm 2014 và chiếm 70% tổng kim ngạch xuất khẩu. Nhập khẩu của khu vực ĐTNN 4 tháng năm 2015 đạt 32,35 tỷ USD, tăng 27,8% so với cùng kỳ năm 2014 và chiếm 61% tổng kim ngạch nhập khẩu. Tính chung trong 4 tháng đầu năm 2015, khu vực ĐTNN xuất siêu 2,719 tỷ USD.

Như vậy, trong bối cảnh 4 tháng năm 2015 nền kinh tế Việt Nam nhập siêu 3 tỷ USD thì khối doanh nghiệp đầu tư nước ngoài vẫn xuất khẩu mạnh,  xuất siêu 2,7 tỷ, đóng góp 70% trong tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam. Các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của các doanh nghiệp khu vực đầu tư nước ngoài là: điện thoại các loại & linh kiện, máy vi tính sản phẩm điện tử & linh kiện, giày dép, dệt may… Đặc biệt trong lĩnh vực xuất khẩu mặt hàng điện thoại và linh kiện, khu vực đầu tư nước ngoài gần như chiếm thế độc tôn, điển hình là dự án sản xuất điện thoại của Samsung.

Trong thời gian tới, với việc tỷ trọng các dự án FDI trong lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo đang ngày càng tăng, đặc biệt một số dự án lớn để sản xuất hàng xuất khẩu đang tích cực giải ngân, mở rộng sản xuất, dự kiến khu vực doanh nghiệp FDI vẫn tiếp tục giữ vị trí đầu tàu trong việc tạo ra giá trị xuất khẩu.

Việc khối doanh nghiệp FDI chiếm tỷ trọng lớn trong kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam cũng dễ hiểu bởi các doanh nghiệp FDI có có tiềm lực tài chính mạnh, đặc biệt là có lợi thế về thị trường xuất khẩu. Tuy nhiên, nhóm hàng xuất khẩu lớn mà doanh nghiệp FDI đang giành lợi thế phần lớn lại là gia công, lắp ráp. Do vậy, xuất khẩu nhiều, mà nhập khẩu cũng nhiều. Trong thời gian tới, cần phải nghiên cứu kỹ xu hướng các doanh nghiệp FDI xuất khẩu lớn, nhưng gia công nhiều, để làm sao tạo điều kiện cho các doanh nghiệp trong nước đầu tư chiều sâu, đáp ứng nhu cầu nguyên, phụ liệu cho khối doanh nghiệp này.

Số lượt đọc: 597
Thông báo