Thưa Đại sứ, Việt Nam và Singapore đã thiết lập quan hệ hợp tác chiến lược vào tháng 9/2013. Cho đến nay, quan hệ thương mại đầu tư trong khuôn khổ hợp tác mới này đã được triển khai như thế nào?
Việt Nam và Singapore đã thiết lập quan hệ hợp tác chiến lược khi Thủ tướng Singapore thăm chính thức Việt Nam. Hợp tác đầu tư và thương mại từ lâu đã phát triển mạnh mẽ, do Hiệp định khung về kết nối giữa hai nước được ký năm 2005.
Cuộc họp cấp bộ trưởng về kết nối Việt Nam - Singapore lần thứ 10 vào tháng 4/2014 đã giúp tăng cường hợp tác kinh tế giữa hai nước.
Tính đến tháng 7/2014, Singapore là nhà đầu tư nước ngoài lớn thứ ba của Việt Nam, với tổng vốn đăng ký hơn 30,5 tỷ USD trên 1.300 dự án. Những doanh nghiệp của Singapore như Mapletree, Keppel Land, CapitaLand và Sembcorp đã làm ăn từ lâu tại Việt Nam, tạo việc làm và giúp Việt Nam phát triển công nghiệp và đô thị.
Đặc biệt, Khu công nghiệp Việt Nam - Singapore (VSIP) là một điển hình trong quan hệ giữa hai nước. VSIP đầu tiên được thành lập vào năm 1996, dựa trên một mô hình công nghiệp hiệu quả. Cho đến nay, đã có 5 khu công nghiệp như vậy tại Việt Nam, tạo việc làm cho hơn 140.000 người.
Trong khuôn khổ hợp tác chiến lược, chúng tôi sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Việt Nam để đảm bảo môi trường đầu tư thuận lợi cho các nhà đầu tư Singapore - những người có tầm nhìn dài hạn khi đầu tư tại Việt Nam, nơi có môi trường đầu tư ổn định và thân thiện với họ. Chúng tôi cũng hy vọng, Việt Nam sẽ tiếp tục tạo thuận lợi và bảo vệ các nhà đầu tư nước ngoài.
Theo Đại sứ, Việt Nam có cần phải có thêm chính sách và cơ chế thuận lợi hơn để thu hút thêm đầu tư từ Singapore không?
Khi quyết định đầu tư ra nước ngoài, các doanh nghiệp Singapore thường cân nhắc các khó khăn trước mắt và các chính sách ưu đãi trong ngắn hạn để đánh giá tiềm năng của thị trường về dài hạn. Họ đánh giá cao tiềm năng kinh tế của Việt Nam, với dân số đông và trẻ, lực lượng lao động dồi dào và rất nhiều tài nguyên thiên nhiên.
Đồng thời, họ cũng hiểu rõ các thách thức tại Việt Nam. Chẳng hạn, một số cuộc bạo động tại một số địa phương vào tháng 5 vừa qua đã gây quan ngại cho các nhà đầu tư. Như vậy, trong khi các ưu đãi đầu tư có thể tạo lợi ích ngắn hạn cho các nhà đầu tư, thì yếu tố chính vẫn là khả năng thuyết phục các nhà đầu tư của Việt Nam, trong khi vẫn đảm bảo được môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi và ổn định.
Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) dự kiến sẽ được thành lập vào cuối năm sau, tạo ra một thị trường chung cho tất cả các doanh nghiệp trong ASEAN. Điều này sẽ tác động tích cực thế nào đến quan hệ thương mại và đầu tư giữa hai nước, thưa Đại sứ?
AEC sẽ mang lại một thị trường chung và một thị trường sản xuất trong khu vực, với sự luân chuyển tự do của hàng hóa, dịch vụ và đầu tư. Các sáng kiến trong khuôn khổ AEC đang được triển khai và doanh nghiệp của 2 nước đã bắt đầu được hưởng các lợi ích mà AEC đem lại.
Chẳng hạn, Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN có hiệu lực từ năm 2010 đã giúp giảm thuế xuống 0% cho hầu hết các hàng hóa buôn bán trong ASEAN, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp trong khu vực làm ăn với nhau với các mức giá cạnh tranh hơn.
Với việc thành lập AEC, chúng tôi hy vọng, sẽ có nhiều hơn nhà đầu tư nước ngoài đến ASEAN làm ăn. Ví dụ, một công ty đa quốc gia có thể quyết định thành lập trụ sở hay các chi nhánh cho nghiên cứu và phát triển ở Singapore và xây dựng nhà máy sản xuất tại Việt Nam để tận dụng lợi thế lao động cạnh tranh và nguồn cung tài nguyên thiên nhiên dồi dào.
Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) sẽ sớm được ký kết. Cùng với việc thành lập AEC và Hiệp định khung về kết nối Việt Nam - Singapore, Đại sứ đánh giá thế nào về triển vọng hợp tác kinh tế của hai nước trong thời gian tới?
TPP sẽ mang lại rất nhiều lợi ích cho Việt Nam, Singapore và tất cả các bên liên quan. Hiệp định này sẽ giúp các nước thành viên hội nhập sâu hơn vào các chuỗi giá trị của khu vực, nắm bắt được những dòng đầu tư và thương mại lớn hơn. Cùng với các sáng kiến của AEC nhằm đem lại sự luân chuyển hàng hóa, dịch vụ và đầu tư giữa các nước thành viên ASEAN, các doanh nghiệp Việt Nam và Singapore có thể hoạt động hiệu quả hơn trong khu vực và sẽ trở nên cạnh tranh hơn, giúp cải thiện sức cạnh tranh của toàn khu vực.
Khi Việt Nam di chuyển lên chuỗi giá trị mới, thì việc hội nhập của ASEAN, cũng như việc kết nối của khu vực châu Á - Thái Bình Dương thông qua TPP sẽ tạo ra nhiều cơ hội hợp tác mới. Hiệp định khung về kết nối Việt Nam - Singapore là một công cụ hiệu quả, tạo ra những cơ hội hợp tác mới giữa doanh nghiệp hai nước. Về phần mình, tôi sẽ phối hợp chặt chẽ hơn với đối tác tại Việt Nam để nâng tầm đối tác chiến lược này lên một cấp độ cao hơn.