BỘ KẾ HOẠCH VÀ ĐẦU TƯ
CỤC ĐẦU TƯ NƯỚC NGOÀI
TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ ĐẦU TƯ NƯỚC NGOÀI
Thứ Sáu, 03/01/2025
Tình hình đầu tư
FDI của khu vực đồng bằng sông Cửu long
Thứ Năm, 02/04/2015 02:45
FDI của khu vực đồng bằng sông Cửu long

Tính đến tháng 3 năm 2015, đã có 985 dự án FDI vào các tỉnh, thành phố thuộc vùng đồng bằng sông Cửu long (gồm 13 tỉnh, thành phố là Long An, Kiên Giang, Tiền Giang, Cần Thơ, Cà Mau, Hậu Giang, Bến Tre, An Giang, Trà Vinh, Vĩnh Long, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Đồng Tháp) với tổng vốn đăng ký là 12,2 tỷ USD, chiếm 5% tổng vốn đăng ký của cả nước.

Trong các tỉnh thuộc khu vực đồng bằng sông Cửu Long, Long An đứng thứ nhất trong khu vực về thu hút FDI với 591 dự án và 4,23 tỷ USD vốn đầu tư (chiếm 60% tổng số dự án và 35% tổng vốn đầu tư của cả khu vực). Kiên Giang đứng thứ hai với 38 dự án và 2,92 tỷ USD vốn đầu tư (chiếm 24% tổng vốn đầu tư của cả khu vực). Tiền Giang đứng thứ ba với 71 dự án và 1,4 tỷ USD vốn đầu tư (chiếm 12% tổng vốn đầu tư của cả khu vực). Tiếp theo là các tỉnh Cần Thơ, Cà Mau, Hậu Giang, Bến Tre, An Giang, Trà Vinh . Các địa phương như Vĩnh Long, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Đồng Tháp có kết quả khiêm tốn về thu hút FDI vào địa phương mình.

Xét về lĩnh vực đầu tư, ngành công nghiệp chế biến chế tạo thu hút được nhiều dự án nhất và cũng có tổng vốn đầu tư đăng ký cao nhất trong vùng. Đã có 785 dự án trong lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo với tổng vốn đầu tư  7,88 tỷ USD (chiếm 79% tổng số dự án và 64,5% tổng vốn đầu tư của toàn vùng). Lĩnh vực kinh doanh bất động sản đứng thứ hai với 15 dự án và 1,94 tỷ USD vốn đầu tư (chiếm 16% tổng vốn đầu tư của toàn vùng). Tiếp theo là lĩnh vực sản xuất điện, vận tải, xây dựng, nông nghiệp…

Xét về đối tác đầu tư, Bristish Virgin Islands đứng đầu trong số quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư tại khu vực đồng bằng sông Cửu long với 3,52 tỷ USD tổng vốn đầu tư (chiếm 28,8% tổng vốn đầu tư của toàn vùng). Xét về số dự án thì Đài Loan có nhiều dự án đầu tư vào khu vực đồng bằng sông Cửu long nhất với 205 dự án và 1,46 tỷ USD tổng vốn đầu tư (chiếm 20,8% tổng số dự án và 12% tổng vốn đầu tư của toàn vùng). Tiếp theo là Hàn Quốc với 166 dự án và 1,3 tỷ USD tổng vốn đầu tư (chiếm 16,8% tổng số dự án và 10,8% tổng vốn đầu tư của toàn vùng). Nhật Bản và Trung Quốc cũng là các quốc gia có nhiều dự án đầu tư vào khu vực đồng bằng sông Cửu long nhưng quy mô các dự án này nhỏ.

Nhìn chung, các tỉnh khu vực đồng bằng sông Cửu long còn có kết quả thu hút FDI khiêm tốn so với tiềm năng của vùng. Trong thời gian tới, cần có nhiều biện pháp xúc tiến đầu tư để quảng bá môi trường đầu tư, lợi thế cạnh tranh của vùng để thu hút vào các ngành, lĩnh vực mà vùng có tiềm năng.

Số lượt đọc: 988
Thông báo