BỘ KẾ HOẠCH VÀ ĐẦU TƯ
CỤC ĐẦU TƯ NƯỚC NGOÀI
TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ ĐẦU TƯ NƯỚC NGOÀI
Thứ Tư, 15/01/2025
Xúc tiến đầu tư
Kênh bán lẻ Việt Nam "hút" nhà đầu tư ngoại
Thứ Năm, 09/04/2015 04:50
Kênh bán lẻ Việt Nam "hút" nhà đầu tư ngoại

Kênh bán lẻ hiện đại vẫn còn rất nhiều tiềm năng tại Việt Nam, vì vậy dù tình hình kinh tế còn bấp bênh và chi phí không ngừng leo thang, các nhà bán lẻ vẫn chú trọng mở rộng thị phần vào Việt Nam.

Nghiên cứu “Mức độ sôi động của các nhà bán lẻ toàn cầu” của CBRE cho biết, có 85% nhà kinh doanh thời trang cao cấp và 67% nhà bán lẻ thuộc lĩnh vực F&B (thị trường thực phẩm và đồ uống) quan tâm đến khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Các cửa hàng truyền thống vẫn là các điểm đến được người tiêu dùng ưa chuộng. Và tận dụng cơ hội đó, các nhà bán lẻ tiếp tục mở rộng các cửa hàng này trên nhiều địa điểm khác nhau. Với 43% nhà bán lẻ có kế hoạch mở rộng kinh doanh tại châu Á - Thái Bình Dương vào cuối năm nay đã khiến khu vực này là một trong những nơi có nhiều cửa hàng mới khai trương nhất trên toàn cầu.

Việt Nam là thị trường bán lẻ có nhiều tiềm năng và cơ hội, nhất là trong đầu tư bán lẻ hiện đại. Tính đến cuối năm 2013 cả nước mới có 724 siêu thị và 132 trung tâm thương mại, cùng vài trăm cửa hàng tiện lợi, trong đó có 22 doanh nghiệp 100% vốn đầu tư nước ngoài đang kinh doanh.

Các kênh bán lẻ hiện đại chiếm khoảng 20% thị trường bán lẻ và dự kiến sẽ tăng lên 40% thời gian tới. Hàng loạt doanh nghiệp nước ngoài đã và đang ồ ạt vào thị trường bán lẻ Việt Nam.

Mới đây nhất, Tập đoàn bán lẻ số 1 Hàn Quốc - Lotte - đặt mục tiêu 60 siêu thị tại Việt Nam vào năm 2020 và Aeon - ông lớn trong ngành bán lẻ Nhật Bản thông báo năm 2020 sẽ mở 20 trung tâm thương mại tại Việt Nam.

Auchan (Pháp) - tập đoàn bán lẻ quốc tế sở hữu bởi gia đình Mulliez - kinh doanh chủ yếu trên lĩnh vực siêu thị và đại siêu thị, dự kiến đầu tư 500 triệu USD vào Việt Nam trong 10 năm tới.

Theo quy hoạch của Bộ Công Thương, ngành bán lẻ sẽ tăng trưởng bình quân 19 - 20%/năm trong giai đoạn 2011 - 2015 và 20 - 21%/năm từ năm 2016 - 2020. Cả nước sẽ có khoảng 1.300 siêu thị, 180 trung tâm thương mại vào năm 2020.

Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng, nguồn cung được cải thiện nhưng giá thuê, phương thức thuê mặt bằng bán lẻ, như bắt buộc phải thuê dài hạn đang là vấn đề rất khó cho doanh nghiệp.

Ông Jonathan Hsu, Trưởng Bộ phận Nghiên cứu thị trường của CBRE châu Á cho biết: “Những thách thức đang diễn ra mà các nhà bán lẻ phải đối mặt là việc leo thang chi phí, bán lẻ hiện đại đa kênh (omni-channels) ngày càng lớn và những thay đổi trong hành vi của người tiêu dùng buộc các nhà bán lẻ phải có mạng lưới cửa hàng rộng khắp để đại diện cho thương hiệu của họ.

Tuy nhiên, mức độ tăng trưởng cho thuê sẽ chậm lại trong năm nay khi các nhà bán lẻ tương đối thận trọng cũng như là mất nhiều thời gian vào các quyết định thuê bởi chi phí để mở một cửa hàng mới là vô cùng đắt đỏ, đặc biệt tại các khu vực trung tâm vì còn rất ít chỗ trống”.

Ông Hsu cũng khẳng định, dù vẫn còn sự dè chừng khi mở rộng kinh doanh tại các thị trường có nền kinh tế đang phát triển như Việt Nam, do người tiêu dùng vẫn đang ưa chuộng không khí mua sắm tại các cửa hàng truyền thông nên các nhà bán lẻ vẫn dự định sẽ mở thêm nhiều cửa hàng nữa.

Đơn cử tại Đà Nẵng, ngay khi dự án mới Parkson tại Vĩnh Trung Plaza ra đời, trên tổng diện tích sàn là 10.000m2 bao gồm bốn tầng cho thuê gần như đã kín chỗ. Theo đánh giá của các chuyên gia, giá chào thuê tại các dự án bán lẻ so với quý IV/2014 tăng 4,6% so với cùng kỳ năm trước. Trong quý tới, giá chào thuê trung bình dự kiến sẽ tăng sau khi dự án Vincom Ngô Quyền đi vào hoạt động với giá chào thuê trung bình cao hơn các dự án hiện hữu.

Ý Nhi
Theo DNSG
Số lượt đọc: 1667
Thông báo