BỘ KẾ HOẠCH VÀ ĐẦU TƯ
CỤC ĐẦU TƯ NƯỚC NGOÀI
TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ ĐẦU TƯ NƯỚC NGOÀI
Thứ Ba, 14/01/2025
Xúc tiến đầu tư
TPP: Thời cơ và thách thức
Thứ Ba, 05/05/2015 09:49
TPP: Thời cơ và thách thức

Khi Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) được triển khai, Việt Nam sẽ có nhiều cơ hội mở rộng, phát triển thị trường nhưng đồng thời cũng sẽ phải đối diện với sự cạnh tranh gay gắt từ doanh nghiệp các nước đối tác thành viên

Theo thông tin phân tích được đề cập tại Báo cáo Chỉ số xếp hạng năng lực cạnh tranh cấp tỉnh 2014 (PCI 2014), thời kỳ đầu đàm phán, các bên tham gia TPP sẽ thỏa thuận 5 nội dung: mở cửa thị trường toàn diện thông qua việc loại bỏ các hàng rào thương mại và đầu tư; thỏa thuận toàn khu vực về hỗ trợ sự phát triển và hoạt động của chuỗi sản xuất đa quốc gia; lồng ghép các nội dung thỏa thuận đã thực hiện trong khuôn khổ APEC về hài hòa hóa quy định, phát triển, doanh nghiệp vừa và nhỏ, và nâng cao năng lực cạnh tranh, hỗ trợ các chuỗi sản xuất; quy tắc thương mại mới để ứng phó với những thách thức của nền kinh tế số và công nghệ xanh; và một 'thỏa thuận mở” với cơ chế cho phép hình thành các quy tắc thương mại mới và mở rộng thành viên.

Về lĩnh vực đàm phán, các bên tham gia sẽ tập trung vào lĩnh vực thương mại hàng hoá; hàng dệt may; dịch vụ; đầu tư; lao động; môi trường; thương mại điện tử và viễn thông; chính sách cạnh tranh và doanh nghiệp nhà nước (DNNN); doanh nghiệp nhỏ và vừa; quyền sở hữu trí tuệ; hàng rào kỹ thuật trong thương mại và các biện pháp vệ sinh dịch tễ (VSDT); minh bạch, chống tham nhũng và hài hòa hóa quy định; hải quan, xúc tiến thương mại và các quy tắc xuất xứ; mua sắm chính phủ; phát triển và nâng cao năng lực thương mại; và giải quyết tranh chấp.

Với những lĩnh vực đàm phán cụ thể như trên, TPP được đánh giá là một hiệp định thương mại kiểu mẫu của thế kỷ 21, có tính toàn diện và linh hoạt nhất từ trước đến nay. Ví như những lợi ích từ các hiệp định thương mại khác về cắt giảm thuế quan có thể bị vô hiệu hóa thông qua việc gia tăng các hàng rào phi thuế quan trong thương mại (những tiêu chuẩn, quy định kỹ thuật, các biệt pháp VSDI…) nhằm bảo vệ các ngành sản xuất nội địa, giảm thiểu áp lực cạnh tranh từ bên ngoài. Hay như việc thỏa thuận mở cửa thị trường nhưng lại trợ cấp cho các doanh nghiệp nội địa… Nhưng ở TPP thì khác, việc các bên tham gia đàm phát đồng thời trên nhiều lĩnh vực cốt lõi sẽ giúp hạn chế tối thiểu những “trợ giúp” trên.

Đặc biệt, để TPP có hiệu lực ngay, các nước tham gia sẽ không sử dụng cơ chế tiến hành từng bước theo lộ trình mà phải cam kết thực thi thỏa thuận cuối cùng, bất kể trình độ phát triển của nước đó như thế nào.

Sự linh hoạt của TPP còn thể hiện ở chỗ những thỏa thuận cũ có thể được bãi bỏ và tái đàm phán các thỏa thuận mới khi những phát triển về chính sách, công nghệ, hay tình hình quốc tế làm thay đổi toàn cảnh bức tranh thương mại và đầu tư.

Tại Việt Nam, PCI 2014 thông tin, tình hình đàm phán TPP đang từng bước tiến triển. Và theo ý kiến nhận định của giới chuyên gia, TPP là một cơ hội quan trọng để đa dạng hóa nền kinh tế Việt Nam, mở rộng thị trường xuất khẩu, giảm phụ thuộc kinh tế vào một hay một số đối tác nhất định, đảo ngược tình trạng nhập siêu khá lớn mà Việt Nam đang phải đối mặt từ một số thị trường. Tuy nhiên, trong số các nước tham gia đàm phán TPP, Việt Nam lại là nước có trình độ phát triển thấp nhất với GDP bình quân đầu người nhỏ hơn một phần ba so với nước thành viên.

Cơ hội mở rộng, phát triển thị trường của Việt Nam khi gia nhập TPP được đề cập trong một phân tích của PCI 2014 rằng, tốc độ tăng trưởng kinh tế có thể lên tới 13%, quy mô xuất khẩu tăng 37%... Nhưng bên cạnh đó, Việt Nam sẽ phải đối diện với không ít thách thức, đặc biệt là câu chuyện lợi ích mà các nhà sản xuất có được.

Đề cập tới câu chuyện này, các chuyên gia phân tích của PCI 2014 đặt vấn đề: Liệu các doanh nghiệp dệt may có được hưởng cắt giảm thuế quan trong khuôn khổ TPP trong khi ngành này đang phụ thuộc vào nguyên liệu của một số nước khác không phải thành viên TPP (sợi) không? Thứ hai, một số nhà nghiên cứu khác đã nêu bật những hậu quả về mặt phân phối đối với các công ty Việt Nam, chỉ ra rằng một số ngành công nghiệp, nông sản thế mạnh, thủy sản sẽ có lợi, trong khi chăn nuôi, một số ngành nông nghiệp và dịch vụ trong nước như tài chính, bảo hiểm, dịch vụ logistics và phân phối sẽ chịu áp lực cạnh tranh gay gắt từ nước ngoài.

TPP sẽ góp phần tăng tính cạnh tranh toàn cầu, góp phần cải thiện hiệu quả của các doanh nghiệp và mang lại lợi ích cho người tiêu dùng. Tuy nhiên, phân tích của PCI 2014 cũng chỉ ra rằng, trong ngắn hạn, một số nhà sản xuất, đặc biệt là nhiều nhà sản xuất quy mô vừa và nhỏ, sẽ bị tổn thương. Khu vực DNNN chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng bởi có hẳn một chương trong TPP quy định rõ ràng về các hình thức hỗ trợ trực tiếp và gián tiếp cho khu vực này.

Số lượt đọc: 469
Thông báo