Diễn ra đúng dịp kỷ niệm 20 năm ngày tái lập tỉnh, hội nghị được kỳ vọng sẽ tạo dấu ấn quan trọng để Quảng Nam bứt tốc trong thu hút đầu tư.
Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc mong muốn Quảng Nam cần thực hiện tốt mục tiêu “3 bên cùng thắng” trong các hoạt động đầu tư ở Quảng Nam bao gồm lợi ích: Nhà nước, nhà đầu tư và người dân.
Thông điệp mà Quảng Nam gửi tới các doanh nghiệp và nhà đầu tư tại Hội nghị Xúc tiến đầu tư lần này là nhằm giới thiệu với nhà đầu tư trong và ngoài nước những nỗ lực của Quảng Nam trong 20 năm phát triển vừa qua và giới thiệu về một hình ảnh môi trường đầu tư Quảng Nam thông thoáng, thuận lợi và phục vụ.
Những lĩnh vực được ưu tiên thu hút đầu tư vào Quảng Nam là công nghiệp phụ trợ phục vụ Khu liên hợp sản xuất và lắp ráp ôtô Chu Lai-Trường Hải.
Ưu tiên thứ hai là phát triển mạnh ngành công nghiệp dệt may và đi theo đó là công nghiệp hỗ trợ dệt may. Ưu tiên thứ ba là phát triển mạnh ngành dịch vụ, vui chơi giải trí khu vực ven biển, nhất là phía Đông Nam.
Về nông nghiệp, sắp tới, Quảng Nam cũng sẽ tập trung đầu tư cho nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sạch để cung cấp cho thị trường tại chỗ. Tỉnh cũng sẽ phát triển ngành công nghiệp dược liệu chiết suất từ sâm và các loại cây dược liệu quý hiếm khác…
Đến nay, tỉnh Quảng Nam đã thu hút được 126 dự án FDI với tổng vốn đăng ký gần 5,5 tỷ USD (riêng năm 2016, tỉnh cấp phép 30 dự án đầu tư trong nước, tổng vốn đăng ký hơn 3.405 tỷ đồng; cấp mới 17 dự án FDI với vốn đăng ký gần 122,8 triệu USD).
Nhiều dự án lớn đã được đầu tư như khu phức hợp sản xuất, lắp ráp ôtô Trường Hải, Suntory Pepsico (Nhật Bản), thiết bị ngành dệt may Groz-Beckert (Cộng hòa Liên bang Đức), Sân Golf Mongomerie Links, The Nam Hai Resort (Hoa Kỳ), Nhà máy dệt may của Tập đoàn Panko (Hàn Quốc), Khu phức hợp đô thị-du lịch Nam Hội An. Đặc biệt, tỉnh Quảng Nam được Chính phủ và nhà đầu tư lựa chọn là vị trí đầu tư Nhà máy khí và quy hoạch cụm điện từ mỏ khí Cá Voi Xanh.
Trong những năm gần đây, Quảng Nam đã có sự chuyển biến mạnh mẽ từ tư duy quản lý doanh nghiệp sang phục vụ doanh nghiệp. Với tinh thần cầu thị, Quảng Nam luôn xem các doanh nghiệp, các nhà đầu tư là bạn đồng hành, là nhà tư vấn trong phát triển kinh tế địa phương.
Phát biểu tại hội nghị, phân tích sức hút của Quảng Nam đối với các nhà đầu tư, Thủ tướng cho rằng, Quảng Nam có những lợi thế, giá trị độc đáo riêng có và những yếu tố mang tính chiến lược. Không chỉ là vùng đất địa linh, nhân kiệt “lưng tựa núi, mặt ngó ra biển,” Quảng Nam còn có hệ thống sông ngòi hùng vĩ với hai dòng sông lớn là Thu Bồn và Vu Gia, một trong những lưu vực sông lớn nhất Việt Nam.
Nằm ở trung vị của cả nước, thông thương thuận lợi cả bình diện quốc gia và quốc tế, Quảng Nam có diện tích đất đai nhóm đầu cả nước với 12.000 km2, có nguồn tài nguyên rừng vô giá, tiềm năng nông sản và dược liệu độc đáo quý hiếm như sâm ngọc linh, nấm linh xanh, quế Trà My…. Bên cạnh đó, Quảng Nam còn xây dựng được một cơ sở hạ tầng khá tốt, xếp thứ 14/63 tỉnh thành cả nước theo xếp hạng của Phòng Công nghiệp và Thương mại Việt Nam. Tỉnh còn có hai sân bay, có Cảng Chu Lai có thể cho tàu 30 vạn tấn…
Bày tỏ niềm vinh dự là người con Quảng Nam, Thủ tướng còn thông tin đến nhà đầu tư về truyền thống văn hóa phong phú của miền di sản Quảng Nam mà nơi khác không có được như hát bài chòi, hát bội, những công trình xây dựng đặc sắc của người Chăm còn nằm dưới lòng đất chưa được khai quật và nhiều nét văn hóa độc đáo, quý giá khác. Quảng Nam còn có tài nguyên biển như Cù lao Chàm, bờ biển dài 150km, là một trong những bãi biển đẹp nhất hành tinh.
Quảng Nam đã khá thành công trong thu hút du lịch với 4,5 triệu khách du lịch một năm, trong đó có gần 70% là khách quốc tế. Nếu quảng bá tốt, xây dựng thương hiệu tốt, Thủ tướng cho rằng, thu hút khách du lịch gấp 10 hay 15 lần số dân Quảng Nam cũng là có thể đạt được.
Đánh giá cao những thành công về kinh tế xã hội của Quảng Nam hiện nay, Thủ tướng cho rằng, môi trường kinh doanh ở Quảng Nam ngày càng hấp dẫn hơn và đứng nhóm đầu của Việt Nam. Ví những doanh nghiệp với hình ảnh “đàn sếu” nâng cánh tung bay, Thủ tướng kêu gọi các nhà đầu tư đến với Quảng Nam: “Chúng tôi mong muốn có nhiều “con sếu lớn” xuất hiện trên bầu trời Việt Nam và đặc biệt ở tỉnh Quảng Nam.'
Thủ tướng cũng đề nghị Quảng Nam cần có chính sách thu hút nhiều “con sếu lớn” trong các lĩnh vực là thế mạnh của địa phương. Kinh tế thị trường rất phong phú như lợi thế so sánh rất quan trọng để có nhiều “con sếu lớn” xuất hiện ở đây với quy mô lớn. Quảng Nam cần thu hút các doanh nghiệp lớn, có quy mô và năng lực cạnh tranh cao, tinh vi trong cấu trúc hoạt động thì mới tồn tại được trong môi trường cạnh tranh.
Thủ tướng cũng gợi ý Quảng Nam muốn phát triển bền vững thì phải đa dạng nguồn thu ngân sách, không chỉ dựa vào một doanh nghiệp có tỷ lệ nộp ngân sách lớn. Có như vậy mới không bị rơi vào tình trạng bị động về ngân sách.
Cho rằng dù đất đai rộng lớn nhưng dân cư sống phân tán khiến tăng chi phí đầu tư, Thủ tướng yêu cầu tỉnh bố trí lại dân cư hợp lý, nâng cao hiệu quả đầu tư cơ sở hạ tầng. Cùng với đó là có chương trình phát triển cơ sở hạ tầng, sử dụng các dòng sông hiệu quả nhất; phải có quy hoạch tốt, có tầm nhìn xa, tối ưu hóa các lĩnh vực phát triển để không mâu thuẫn giữa các lĩnh vực.
Tỉnh cũng cần nâng cao chất lượng hạ tầng để kết nối nền kinh tế với Đà Nẵng, Quảng Ngãi và các địa phương khác.
Nêu ra khát vọng đưa Quảng Nam trở thành trung tâm du lịch tầm cỡ quốc tế, Thủ tướng cho rằng, khách quốc tế và trong nước mới chỉ biết đến di sản văn hóa Hội An và Thánh địa Mỹ Sơn, còn bản đồ du lịch Quảng Nam chưa xuất hiện trong du khách và nhà đầu tư, Thủ tướng yêu cầu Quảng Nam làm rõ hơn thương hiệu du lịch Quảng Nam, đi vào lòng du khách. Do đó phải có sự đột phá trong thu hút đầu tư và những sản phẩm du lịch mang tính thời thượng như: đua xe công thức, ôtô, môtô phân khối lớn, trường dạy nghề du lịch, kết hợp các cuộc thi máy bay thể thao, máy bay cá nhân, bến du thuyền, tổ chức các festival du thuyền thế giới…
Tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và lãnh đạo các bộ, ngành đã chứng kiến lễ trao chứng nhận đầu tư, quyết định đầu tư, thỏa thuận đầu tư, trao cam kết tín dụng đầu tư của các ngân hàng cho các dự án đầu tư với tổng vốn khoảng 15,8 tỷ USD.
Nhân dịp dự Hội nghị xúc tiến đầu tư Quảng Nam năm 2017, chiều 26/3, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã dự lễ khai trương trung tâm hành chính công và xúc tiến đầu tư tỉnh Quảng Nam. Đây là Trung tâm hành chính công thứ 2 của cả nước, sau mô hình được triển khai thí điểm tại Quảng Ninh. Đây là mô hình kết hợp 3 chức năng gồm giải quyết thủ tục hành chính cho tổ chức, cá nhân; xúc tiến đầu tư và chức năng hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp. Trong đó, nhiệm vụ tiếp nhận, giải quyết hồ sơ, thủ tục hành chính là trọng tâm.
Theo đánh giá của địa phương, sau 2 tháng đi vào hoạt động, Trung tâm đã tạo được không gian gần gũi, thân thiện, văn minh, lịch sự để người dân và doanh nghiệp đến giao dịch; giải quyết thủ tục hành chính. Quảng Nam đặt mục tiêu đến cuối năm 2017 có 90% tổng số thủ tục hành chính của từng cơ quan, đơn vị đuợc chuyển về tiếp nhận và giải quyết tại Trung tâm; giảm ít nhất 30% thời gian giải quyết các thủ tục hành chính so với quy định chung.
Theo đánh giá của Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân, mô hình Trung tâm dịch vụ hành chính công và xúc tiến đầu tư của Quảng Nam là minh chứng cụ thể cho việc quyết liệt thực hiện Chương trình cải cách hành chính 2016-2020 của Chính phủ. Đây là nhiệm vụ hết sức quan trọng nhằm mục tiêu xây dựng Chính phủ liêm chính, kiến tạo và phục vụ.
Chiều cùng ngày, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã tới dự lễ khởi công Nhà máy sản xuất ôtô THACO-Mazda tại Khu kinh tế mở Chu Lai, huyện Núi Thành, Quảng Nam.
Nhà máy có công suất 100.000 xe/năm (giai đoạn 1: 50.000 xe/năm) với tổng vốn đầu tư là 12.000 tỷ đồng (tương đương 520 triệu USD) được xây dựng trên diện tích 35ha (trong đó hơn 12ha nhà xưởng) sẽ hoàn thành và đưa vào hoạt động tháng 4/2018. Với sự chuyển giao công nghệ và hỗ trợ kỹ thuật từ Mazda, nhà máy này được định vị là nhà máy hiện đại nhất của Mazda nói riêng và của ngành sản xuất lắp ráp ôtô ở khu vực Asean.
Phát biểu tại lễ khởi công đánh giá cao việc Tập đoàn ôtô THACO hợp tác với Tập đoàn ôtô Mazda để sản xuất ôtô Mazda tại Việt Nam theo công nghệ hiện đại. Thủ tướng cũng đề nghị Mazda chuyển giao công nghệ sản xuất phụ kiện ôtô cho các doanh nghiệp Việt Nam để có nhiều linh kiện phụ trợ được sản xuất trong nước.
Thủ tướng cũng khẳng định, chủ trương của Chính phủ trong thời gian tới là tạo mọi điều kiện thuận lợi cho công nghiệp phụ trợ ôtô phát triển. Do vậy, Chính phủ sẽ tiếp tục lắng nghe các doanh nghiệp về mức thuế xuất và Bộ Tài chính được giao nghiên cứu để đề xuất chính sách tổng thể về nhập khẩu ôtô theo đúng cam kết quốc tế, song phải có hàng rào cần thiết để bảo vệ ôtô sản xuất trong nước theo đúng quy định của pháp luật.
Thủ tướng cũng đã tới dự lễ khởi công Khu phức hợp du lịch nghỉ dưỡng Vinpearl Nam Hội An, do Tập đoàn Vingroup là chủ đầu tư trên địa bàn xã Bình Dương và Bình Minh, huyện Thăng Bình. Đây là là mô hình phức hợp du lịch nghỉ dưỡng đầu tiên của hệ thống Vinpearl. Dự án có quy mô lên đến 200ha, gồm khu khách sạn và biệt thự Vinpearl; khu dịch vụ thể thao Vinpearl Golf; khu vui chơi giải trí Vinpearl Land; trung tâm thương mại Vincom và Khu nông nghiệp công nghệ cao kết hợp với du lịch VinEco…
Dự án được đầu tư theo 2 giai đoạn, giai đoạn 1 là khu khách sạn, biệt thự, trung tâm hội nghị, nhà hàng và khu nông nghiệp công nghệ cao kết hợp tham quan, dự kiến hoàn thành vào ngày cuối tháng 4/2018. Giai đoạn 2 sẽ tập trung hoàn thiện toàn bộ hạ tầng kỹ thuật và các hạng mục khác dự kiến hoàn thành vào năm 2019./.