Số khoản đầu tư lớn tăng mạnh
Công ty TNHH Jones Lang Lasalle Việt Nam (JLL Vietnam) vừa có báo cáo phân tích diễn biến thị trường địa ốc quý I/2017 với những thông tin khá tích cực, trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam tiếp tục thể hiện sức hấp dẫn trong thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI).
Cụ thể, trong quý I/2017, Việt Nam đã thu hút được 7,7 tỷ USD vốn FDI, tăng 77,6% so với cùng kỳ năm 2016. TRong đó, số vốn trực tiếp đăng ký vào bất động sản là 344 triệu USD.
Ông Đặng Văn Quang, Giám đốc JLL Việt Nam cho biết, quy mô nhất trong lĩnh vực bất động sản trong quý I/2017 là Dự án Khu công nghiệp Việt Nam - Singapore III tại tỉnh Bình Dương do Công ty Liên doanh TNHH Khu công nghiệp Việt Nam - Singapore (VSIP) làm chủ đầu tư. Dự án có quy mô diện tích 1.000 ha với số vốn đầu tư 284,7 triệu USD, xây dựng tại các xã Hội Nghĩa (thị xã Tân Uyên) và xã Tân Lập (huyện Bắc Tân Uyên), thời gian thực hiện 50 năm.
Các dự án khác tuy không trực tiếp đăng ký vào lĩnh vực bất động sản, nhưng sẽ góp phần thúc đẩy mạnh mẽ nhu cầu đất công nghiệp, văn phòng và kho bãi. Có thể kể đến khoản đầu tư tăng thêm 2,5 tỷ USD vào Dự án Samsung Display Việt Nam tại tỉnh Bắc Ninh; khoản đầu tư mới 485,8 triệu USD vào Nhà máy Sản xuất polyester và Sợi tổng hợp Polytex Far Eastern tại Bình Dương…
Thị trường sôi động
Theo báo cáo của JLL Việt Nam, trong bối cảnh nguồn vốn FDI vào Việt Nam tăng mạnh, thị trường căn hộ bán ở cả 2 thị trường trọng điểm là TP.HCM và Hà Nội cũng ghi nhận các hoạt động mở bán và lượng bán hàng khá mạnh mẽ.
Tại Hà Nội, lượng mở bán mới đạt 9.174 căn, tương đương với quý IV/2016. Tại TP.HCM, lượng mở bán đạt 8.565 căn, giảm 3% so với quý IV/2016. Lượng mở bán trên được ghi nhận từ nhiều địa bàn quận/huyện thuộc hai thành phố và tất cả các phân khúc.
Ở phân khúc văn phòng cho thuê, diện tích thuê thuần ở các hạng mục văn phòng hạng A và hạng B ở cả hai thị trường TP.HCM và Hà Nội đều đạt mức cao. Với thị trường bán lẻ, nguồn cung trung tâm thương mại ở 2 thành phố này ổn định trong quý I khi không có trung tâm thương mại nào khai trương. Giá thuê ở các khu vực ngoại thành vẫn tiếp tục xu hướng giảm, trong khi giá thuê ở khu vực trung tâm diễn biến theo hai xu hướng trái chiều.
Về triển vọng thị trường, JLL đánh giá rằng, cung - cầu tiếp tục gặp nhau với lượng bán đạt mức cao. Giá bán tiếp tục xu hướng tăng trên diện rộng cùng với sự cải thiện ngày càng tốt hơn ở hệ thống hạ tầng và sự tăng trưởng nhanh của thị trường bán lẻ. Thị trường căn hộ bán tại 2 thành phố được kỳ vọng sẽ đạt mức tăng trưởng tốt trong các quý tiếp theo.
Gỡ vướng những khoản đầu tư nhỏ
Cùng các dự án có quy mô từ vài chục đến hàng trăm triệu USD tiếp tục đổ vào thị trường, ông Đặng Văn Quang cho biết, nguồn đầu tư cho bất động sản còn lớn hơn nữa nếu thúc đẩy được nhu cầu sở hữu, kinh doanh bất động sản bởi nguồn vốn đầu tư gián tiếp từ các Việt kiều, người nước ngoài đang sống, làm việc tại Việt Nam.
Theo Giám đốc JLL Việt Nam, mặc dù Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh bất động sản 2014 cho phép Việt kiều, người nước ngoài sở hữu nhà ở, nhưng đến nay, chưa có hướng dẫn chi tiết về những vấn đề có liên quan.
“Ví dụ, người nước ngoài mua nhà tại Việt Nam là có thời hạn, thì khi họ bán nhà cho người Việt Nam có được chuyển thành không thời hạn hay không? Rồi quy định không được phép bán quá 20% cho người nước ngoài là đối với một tòa nhà, hay với một dự án… Hay khi chủ nhà cho thuê, kinh doanh có thu nhập, việc chứng minh nguồn gốc hợp pháp theo quy định của ngân hàng để chuyển về nước cũng hết sức phức tạp”, ông Đặng Văn Quang chia sẻ.
Theo ông Phan Hữu Thắng, Phó chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, một nguồn vốn đầu tư rất có triển vọng từ Việt kiều, người nước ngoài có nhu cầu trực tiếp mua nhà hoặc đầu tư gián tiếp thông qua các quỹ đầu tư. Tuy nhiên, hiện chưa có hành lang pháp lý cụ thể và rõ ràng để thu hút nguồn vốn này