BỘ KẾ HOẠCH VÀ ĐẦU TƯ
CỤC ĐẦU TƯ NƯỚC NGOÀI
TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ ĐẦU TƯ NƯỚC NGOÀI
Chủ Nhật, 19/01/2025
Xúc tiến đầu tư
Đánh thức tiềm năng Tây Bắc
Thứ Sáu, 14/11/2014 09:29
Đánh thức tiềm năng Tây Bắc

(Baodautu.vn) Được xác định là có nhiều tiềm năng để phát triển, nhưng Tây Bắc hiện vẫn là vùng đất nghèo của cả nước, thu hút đầu tư còn hạn chế. Rất cần những cơ chế đặc thù để thu hút đầu tư và đánh thức tiềm năng vùng đất này.

Thu hút đầu tư còn hạn chế

Những ai đến Thái Nguyên dịp này đều thừa nhận, đã có một sự đổi thay đáng kể ở vùng đất này kể từ khi cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên thông xe toàn tuyến hồi đầu năm nay, cũng như sau khi Dự án Samsung Electronics Việt Nam Thái Nguyên (SEVT), vốn đầu tư 2 tỷ USD, đi vào hoạt động. Cơ hội kinh doanh, đầu tư, việc làm đã tăng lên đáng kể sau những sự kiện này, nhất là khi theo kế hoạch, vào cuối năm nay, SEVT sẽ giải quyết việc làm cho khoảng 22.000 lao động và xuất khẩu khoảng 8 tỷ USD.

Và không chỉ là dự án của SEVT, dự án 1,23 tỷ USD của Samsung Electro Mechanics cũng dự kiến đi vào hoạt động từ tháng 12/2014. Chưa kể, hàng loạt dự án quy mô nhỏ hơn, như Hansol - vốn đầu tư 150 triệu USD chuyên sản xuất linh phụ kiện cho Samsung, cũng đã và đang được triển khai.

Khi các dự án này đồng loạt đi vào hoạt động và khi SEVT sản xuất ổn định, sẽ giống như ở Bắc Ninh, kinh tế - xã hội Thái Nguyên sẽ có nhiều đổi thay. Một vùng đất được đánh thức và phát huy mọi tiềm năng.

Nhưng ở trong vùng Tây Bắc, không phải tỉnh nào cũng “may mắn” như Thái Nguyên. Lũy kế tính đến hết tháng 9/2014, trong khi Thái Nguyên thu hút được trên 3,8 tỷ USD vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), thì con số này ở các tỉnh khác còn hạn chế. Chẳng hạn, Hòa Bình là 435 triệu USD, Lào Cai 875 triệu USD, Sơn La 280 triệu USD, Tuyên Quang 125 triệu USD…

Mặc dù một số dự án FDI ở đây đã được triển khai khá hiệu quả, như Dự án BTG Holding S.R.O (Slovakia), vốn đầu tư 87,6 triệu USD ở Hòa Bình; hay Dự án Chế biến cao su Tân Cao Thâm, vốn đầu tư 330 triệu USD, Dự án Khoáng sản và Luyện kim Việt - Trung, vốn đầu tư 337,5 triệu USD, ở Lào Cai; rồi Dự án Mỏ Nikel Bản Phúc, 87 triệu USD, ở Sơn La…, nhưng để nhìn lại, thì những dự án như vậy không nhiều, nhất là khi so sánh với các vùng kinh tế trọng điểm khác.

Tất nhiên, cùng với vốn FDI, các nhà tài trợ, các doanh nghiệp trong nước, với mong muốn khai thác tiềm năng vùng đất này cũng đã mang những đồng vốn quý báu, bao gồm cả vốn ODA tới Tây Bắc để triển khai nhiều dự án, song đến nay, Tây Bắc vẫn là vùng đất còn nhiều khó khăn, cho dù tiềm năng phát triển rất lớn.

Tiềm năng đó đã nhiều lần được Phó thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Trưởng ban Ban Chỉ đạo Tây Bắc nhấn mạnh. Đó là những khu kinh tế cửa khẩu đã và đang thành hình. Là những khu danh lam thắng cảnh như hồ Núi Cốc, hồ Ba Bể, hay Sapa, Tam Đảo…, đến các di tích lịch sử như Điện Biên Phủ, Đền Hùng…, hoàn toàn có cơ hội phát triển thành các điểm du lịch nổi tiếng. Rồi các đặc sản chè Thái Nguyên, hay Tuyên Quang; các mỏ đồng, mỏ apatit, hay đất hiếm…, có thể giúp Tây Bắc phát triển công, nông nghiệp.

Thậm chí, bà Victoria Kwakwa, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam, đã từng thốt lên rằng, vùng đất này có rất nhiều tiềm năng để 10 - 15 năm nữa phát triển chẳng thua kém các vùng kinh tế khác của cả nước.

Đánh thức tiềm năng Tây Bắc

Được xác định là vùng đất có vị trí địa kinh tế, chính trị quan trọng đối với cả nước, đặc biệt là với dải biên giới với các cửa khẩu quốc tế như Hữu Nghị, Móng Cái, Lào Cai…, nắm rõ vai trò vô cùng quan trọng của vùng phên dậu của Tổ quốc, Đảng và Nhà nước đã có rất nhiều chính sách để hỗ trợ phát triển vùng đất này. Từ các chương trình mục tiêu quốc gia, chương trình 135, hay các dự án sử dụng vốn trái phiếu chính phủ… Các chính sách thu hút đầu tư cả trong và ngoài nước cũng đã được thực hiện, song do địa hình phức tạp, do trình độ dân trí kém, kết cấu hạ tầng cơ sở chưa phát triển…, nên Tây Bắc vẫn là khu vực nghèo nhất cả nước, khoảng cách thu nhập của vùng so với các vùng khác có chiều hướng ngày càng rộng thêm…

Vì thế, làm sao để đánh thức tiềm năng Tây Bắc, để Tây Bắc hết đói nghèo và phát triển mạnh mẽ hơn trong tương lai là điều được Đảng và Nhà nước, cũng như cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư quan tâm.

Tháng 4 năm ngoái, tại Hội nghị Xúc tiến đầu tư và An sinh xã hội vùng Tây Bắc, nhiều doanh nghiệp đã đề xuất việc cần có các cơ chế đặc thù, thậm chí là khác biệt để thu hút đầu tư, cũng như cần tập trung cải thiện cơ sở hạ tầng giao thông, để Tây Bắc không còn xa xôi.

Cũng tại Hội nghị năm ngoái, đã có 26 dự án được trao chứng nhận đầu tư, với tổng vốn đầu tư 10.623 tỷ đồng. Ngoài ra, còn có 16 dự án, với tổng vốn đầu tư 16.816 tỷ đồng, cũng đã được các doanh nghiệp ký cam kết đầu tư trong thời gian tới. Và điều ấn tượng hơn cả, là khoản tín dụng trên 20.078 tỷ đồng mà các ngân hàng thương mại cổ phần cam kết tài trợ cho 15 dự án đầu tư tại Tây Bắc.

Những bằng chứng nói trên cho thấy, các nguồn lực xã hội đã và đang đổ vào Tây Bắc, nhằm phát triển kinh tế - xã hội ở vùng đất giàu tiềm năng, nhưng cũng rất khó khăn này. Tuy nhiên, điều quan trọng là phải biến các cam kết đầu tư thành hiện thực.

Để đạt được mục tiêu này, cũng như để đầu tư hạ tầng cơ sở toàn vùng Tây Bắc, theo Phó thủ tướng Chính phủ, Trưởng ban Ban Chỉ đạo Tây Bắc Nguyễn Xuân Phúc, bên cạnh sử dụng vốn ngân sách, vốn trái phiếu chính phủ, các chương trình mục tiêu quốc gia…, phải tìm mọi cách để huy động nguồn lực trong dân, thu hút đầu tư cả trong và ngoài nước, vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA)...

Và để làm được điều đó, không có cách nào khác, phải tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh.

Số lượt đọc: 400
Thông báo