Quan hệ hợp tác kinh tế giữa Việt Nam và Italia trong thời gian qua đã có những bước phát triển đáng ghi nhận. Tuy nhiên, đầu tư của Italia tại Việt Nam hiện nay vẫn còn khiêm tốn. Xin ông cho biết, Chính phủ hai bên có biện pháp gì để khuyến khích doanh nghiệp (DN) Italia đẩy mạnh đầu tư vào Việt Nam?
Ông Lorenzo Angeloni - Đại sứ Italia tại Việt Nam
|
Chính phủ Italia đang nỗ lực để tiến hành những bước đi chắc chắn, với quyết tâm cao để mở rộng đầu tư tại Việt Nam và tín hiệu đáng mừng là DN Italia đang ngày càng quan tâm hơn đến thị trường này.
Điều đáng lưu ý là Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU sắp được ký kết sẽ là “đòn bẩy” để thúc đẩy hợp tác đầu tư bởi trong hiệp định này sẽ có một chương riêng đề cập đến quan hệ đầu tư giữa hai nước.
Bên cạnh đó, để tăng cường hợp tác đầu tư giữa hai bên, về phía các cơ quan chức năng của Italia cần phải chủ động và tích cực hơn nữa trong việc cung cấp thông tin, giới thiệu những tiềm năng của thị trường Việt Nam tới cộng đồng DN Italia để có cái nhìn toàn diện hơn về thị trường này. Mặt khác, Chính phủ Việt Nam cũng cần tăng cường sự tự do hóa thương mại giữa lĩnh vực công và tư. Đây sẽ là nền tảng rất quan trọng để các DN Italia quan tâm hơn đến thị trường Việt Nam.
Theo số liệu thống kê của Bộ Kế hoạch & Đầu tư, tính đến tháng 9/2014, Italia có 55 dự án đầu tư còn hiệu lực tại Việt Nam với tổng vốn đầu tư 301,2 triệu USD. Các DN này tập trung đầu tư nhiều nhất tại Vĩnh Phúc, Bình Dương, TP.Hồ Chí Minh, Hưng Yên, Bắc Ninh, Hà Nội. |
Nhiều sản phẩm mang các thương hiệu lớn của Italia đã được đầu tư sản xuất tại Việt Nam, vậy ông cho biết, các DN phụ trợ của Việt Nam có nằm trong chuỗi sản xuất của DN Italia hay không?
Các DN Italia đang hoạt động ở Việt Nam như công ty Piaggio, Ariston… đều là DN sản xuất, vì vậy, ngành công nghiệp phụ trợ rất quan trọng. Tôi có thể khẳng định rằng, DN Italia đang dựa rất nhiều vào DN Việt Nam trong cung cấp các sản phẩm phụ trợ. Ngoài ra, cũng có một số DN Italia tại Việt Nam hoạt động trong lĩnh vực cung cấp các mặt hàng phụ trợ cho DN ở Italia. Ví dụ như Công ty Dệt nhuộm Hưng Yên (Carvico), chuyên sản xuất các loại vải thể thao co giãn, cung cấp vải cho công ty mẹ ở Italia để hoàn thiện sản phẩm.
Như vậy, quá trình các DN Italia hoặc sản xuất trực tiếp tại Việt Nam, hoặc mang tính chất gia công để rồi hoàn thiện sản xuất sản phẩm thì đều dựa vào rất nhiều các DN đối tác ở Việt Nam. Tất nhiên, sự kết hợp này không phải chỉ diễn ra trong một sớm một chiều mà là quá trình lâu dài. Cùng với quá trình đó, các DN Việt Nam sẽ dần nâng cao hơn nữa năng lực của mình.
Được biết, Italia là một trong những đối tác cung cấp ODA lớn cho Việt Nam. Vậy, định hướng viện trợ của Italia đối với Việt Nam thời gian tới như thế nào, thưa Đại sứ?
Đến nay, Italia đã giải ngân 30 triệu euro tập trung vào Dự án cung cấp nước sạch tại 3 tỉnh của Việt Nam. Ngoài ra còn có thỏa thuận được ký bổ sung giữa hai chính phủ, chuyển nợ khoảng 10 triệu euro sang các dự án phát triển cơ bản, đặc biệt là lĩnh vực cung cấp nước sạch.
Bên cạnh đó, Chính phủ Italia những năm tới sẽ chuyển ODA ưu đãi từ lĩnh vực công sang lĩnh vực tư. Cụ thể, chúng tôi sẽ hỗ trợ các trung tâm đào tạo nghề, trung tâm cung cấp dịch vụ cho doanh nghiệp, đặc biệt trong lĩnh vực cơ khí chế tạo. Italia sẽ tiếp tục giải ngân thêm 25 triệu euro và chúng tôi vẫn cam kết tiếp tục viện trợ ODA cho Việt Nam, mặc dù Việt Nam đã trở thành quốc gia có thu nhập trung bình.
Xin cảm ơn Đại sứ!