Trong khuôn khổ chuyến thăm và làm việc chính thức tại New
Delhi - Ấn Độ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã dành thời gian tham dự Diễn đàn
Thương mại và Đầu tư Việt Nam - Ấn Độ. Phát biểu tại Diễn đàn, Thủ tướng Nguyễn
Tấn Dũng nhấn mạnh mối quan hệ Đối tác chiến lược giữa hai nước và đã mở rộng
trên tất cả các lĩnh vực chính trị-quốc phòng-an ninh; hợp tác kinh tế; hợp tác
giáo dục đào tạo, văn hóa, khoa học công nghệ.
Về thương mại, Ấn Độ hiện là một trong 10 đối tác thương mại lớn nhất của
Việt Nam. Hai nước đã đặt mục tiêu kim ngạch thương mại đạt 7 tỷ USD vào năm
2015 và lên mức 15 tỷ USD vào năm 2020. Với tốc độ tăng trưởng bình quân
16%/năm trong thời gian vừa qua, tôi tin rằng các mục tiêu này là có thể đạt
được. Về đầu tư, tính tới hết tháng 9/2014, Ấn Độ có
84 dự án đầu tư tại Việt Nam với tổng vốn đầu
tư đăng ký hơn 258 triệu USD. Tại Diễn đàn, Thủ tướng cũng
vui
mừng thông báo: Tập đoàn TATA và Bộ Công Thương Việt Nam đang khẩn trương hoàn
tất các thủ tục cần thiết để sớm triển khai dự án
BOT xây dựng Nhà máy Nhiệt điện Long Phú II trị giá 1,8 tỷ USD. Đây sẽ là dự án
đầu tư lớn nhất của Ấn Độ tại Việt Nam hiện nay và là tín hiệu cho thấy mối
quan tâm ngày càng tăng của các doanh nghiệp Ấn Độ đến thị trường Việt Nam đầy
tiềm năng.
Tuy
nhiên, với nền tảng quan hệ chính trị tốt đẹp, tiềm năng to lớn và mong muốn của
hai bên, quy mô của quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư hiện nay giữa
hai nước vẫn còn ở mức khiêm tốn. Về đầu tư, Ấn Độ hiện mới đứng thứ 31/101 quốc gia và
vùng lãnh thổ đã có đầu tư tại Việt Nam. Các doanh nghiệp Việt Nam cũng mới chỉ
có 5 dự án đầu tư tại Ấn Độ. Du lịch vốn là ngành có thế mạnh của 2 nước nhưng
số lượt khách Ấn Độ sang thăm Việt Nam còn rất ít (Ấn Độ nằm trong số thị
trường có dưới 10.000 lượt khách thăm/năm, so với tổng số 7,2 triệu lượt khách
du lịch quốc tế tới Việt Nam năm 2013). Đối với người Việt Nam, Ấn Độ tuy là
một địa điểm du lịch được nhiều người mong ước nhưng vẫn còn khó tiếp cận và ít
thông tin.
Do đó, để đẩy mạnh quan hệ hợp tác kinh tế,
thương mại, đầu tư và du lịch giữa hai nước trong thời gian tới, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề nghị, hai bên cần phát huy tối đa các cơ chế song phương và đa phương sẵn có
để thúc đẩy hơn nữa hợp tác thương mại, đầu tư và du lịch. Đó là các Hiệp định hợp tác mà hai bên đã ký kết, là căn cứ pháp lý bảo vệ và hỗ trợ cho hoạt động
kinh doanh đầu tư của doanh nghiệp hai bên tại địa bàn của nhau, như: Hiệp định
hợp tác như Hiệp định thương mại, Tránh đánh thuế hai lần, Khuyến khích và bảo
hộ đầu tư, Lãnh sự, Du lịch, Hàng hải thương mại, Dịch vụ hàng không v.v. Đồng
thời, Thủ tướng cho biết nền kinh tế hai nước có nhiều nét tương đồng, có những thế
mạnh riêng và có thể hỗ trợ lẫn nhau cùng phát triển. Chính phủ hai nước cần
khai thác tối đa lợi thế này, thúc đẩy hợp
tác thương mại, đầu tư trong những lĩnh vực mà hai Bên cùng có lợi thế, như: dệt may,
da giày, chế tạo máy, công nghệ thông tin, công nghệ sinh học, hóa chất, dược
phẩm, điện, dầu khí, chế biến nông thủy sản.
Cũng tại Diễn đàn thương mại và đầu tư Việt Nam - Ấn Độ, Thủ tướng
Nguyễn Tấn Dũng đã lắng nghe và thẳng thắn trao đổi với các doanh nghiệp hai nước
về cơ hội hợp tác đầu tư kinh doanh, chính sách khuyến khích và tạo điều kiện
thuận lợi cho các doanh nghiệp Ấn Độ mở rộng hợp tác đầu tư kinh doanh hiệu quả
lâu dài tại Việt Nam. Đồng thời, Thủ tướng tiếp tục nhấn mạnh
Việt Nam coi Ấn Độ là đối tác chiến lược lâu dài của Việt Nam
Kết thúc Diễn đàn, Thủ tướng
đã ở lại chứng kiến Lễ ký kết hợp đồng nguyên tắc chuyển nhượng Dự án đường cao
tốc Hà Nội – Hải Phòng giữa Tổng công ty phát triển hạ tầng và đầu tư tài chính
Việt Nam -VIDIFI và Cty IL&FS Transportation Networks Limited của Ấn Độ.
Sau buổi lễ ký kêt, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã cùng các Bộ trưởng Bộ Kế hoạch
và Đầu tư, Bộ Trưởng Bộ Công Thương, Tổng giám đốc Tổng
công ty Hàng không Việt Nam cùng Tổng Giám đốc hãng hàng
không JetAirway và Bộ trưởng Bộ Năng lượng tái tạo và mới, Điện và Than của phía
Ấn Độ thắp nến để khai trương đường bay thẳng giữa Việt Nam và Ấn Độ.
Trước đó, vào lúc 16h cùng ngày, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng
đã có các cuộc tiếp riêng lãnh đạo các tập đoàn kinh tế lớn của Ấn Độ là TATA,
ESSAR và ILFS và Hãng Hàng không Jet Airways đến chào. Trong các cuộc tiếp, Thủ
tướng Nguyễn Tấn Dũng đã ghi nhận những đóng góp của các công ty, doanh nghiệp
Ấn Độ đối với sự phát triển mạnh mẽ của quan hệ thương mại, đầu tư giữa Việt Nam
và Ấn Độ thời gian qua. Thủ tướng hoan nghênh và khẳng định, Chính phủ Việt Nam
sẽ tạo điều kiện thuận lợi để các công ty Ấn Độ đầu tư kinh doanh tại Việt Nam
trong tất cả các lĩnh vực năng lượng, dệt may, hóa chất, xây dựng cơ sở hạ
tầng, dược phẩm, chế biến nông sản, hàng không, du lịch... Thủ tướng đồng thời
ủng hộ các tập đoàn và công ty nói trên mở rộng hoạt động kinh doanh tại Việt
Nam trong các lĩnh vực mà họ có thế mạnh.
Thủ
tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng đề nghị các tập đoàn, với tư cách là những nhà tiên
phong cho đầu tư của Ấn Độ vào Việt Nam, tích cực hỗ trợ doanh nghiệp hai nước
tìm hiểu hợp tác với nhau, góp phần thúc đẩy quan hệ đầu tư, thương mại giữa
hai nước nói riêng và quan hệ hợp tác song phương nói chung.
Lãnh đạo các tập đoàn trên
đã bày tỏ sự cảm ơn Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã dành thời gian để gặp và đánh
giá cao sự ủng hộ của Chính phủ Việt Nam đối với các hoạt động đầu tư, thương
mại của các tập đoàn nói riêng và các doanh nghiệp Ấn Độ tại Việt Nam nói chung. Lãnh đạo các tập đoàn cũng bày
tỏ mong muốn tăng cường đầu tư vào Việt Nam trên các lĩnh vực trong thời gian tới
và sẽ là cầu nối để thúc đẩy các hoạt động đầu tư kinh doanh từ Ấn Độ vào Việt
Nam hơn nữa.