BỘ KẾ HOẠCH VÀ ĐẦU TƯ
CỤC ĐẦU TƯ NƯỚC NGOÀI
TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ ĐẦU TƯ NƯỚC NGOÀI
Chủ Nhật, 19/01/2025
Xúc tiến đầu tư
Tiềm năng và thách thức thu hút đầu tư khu vực ĐBSCL trong giai đoạn mới
Thứ Năm, 13/11/2014 04:40
Tiềm năng và thách thức thu hút đầu tư khu vực ĐBSCL trong giai đoạn mới

Tóm tắt tình hình KT-XH và đánh giá những tiềm năng, triển vọng và những khó khăn thách thức thu hút đầu tư vào ĐBSCL trong giai đoạn tới.

TIỀM NĂNG VÀ THÁCH THỨC THU HÚT ĐẦU TƯ KHU VỰC

ĐỒNG BẰNG SÔNG CỬU LONG TRONG GIAI ĐOẠN MỚI

     Đồng bằng sông Cửu Long là địa bàn chiến lược về kinh tế, chính trị và quốc phòng, an ninh của cả nước, với tiềm năng phát triển đa dạng về nông nghiệp, thủy sản và du lịch. Đây cũng là một trong những đồng bằng rộng lớn, phì nhiêu của vùng Đông Nam Á, đồng thời là vùng đồng bằng có diện tích lớn nhất Việt Nam, với lợi thế về tài nguyên thiên nhiên, điều kiện khí hậu, thời tiết thuận lợi và nguồn lao động dồi dào, nên có vị trí rất quan trọng trong cơ cấu kinh tế quốc gia, đồng thời còn là vùng kinh tế xuất siêu của cả nước, chủ yếu là xuất khẩu lúa gạo, trái cây và thủy sản.

Theo thống kế của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tốc độ tăng GDP của khu vực đồng bằng sông Cửu Long bình quân giai đoạn 2006-2010 đạt 10-12%; giai đoạn 2011-2013 đạt 10,63%; thu nhập bình quân đầu người năm 2013 đạt 34,7 triệu đồng; Riêng 9 tháng đầu năm 2014, GDP tăng 8-8,5%, cao hơn so với mức 6,19% của cả nước; vốn đầu tư của khu vực ước đạt 235.290 tỷ đồng, dự kiến vượt kế hoạch 2,8%; an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội được giữ vững. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, tập trung khai thác các tiềm năng, lợi thế của vùng.

Hiện tại, đồng bằng sông Cửu Long đóng góp khoảng 18,5% GDP của cả nước, 55,6% sản lượng lúa, trên 50% sản lượng trái cây, 54% sản lượng thủy sản, 90% sản lượng gạo xuất khẩu và chiếm gần 60% kim ngạch xuất khẩu thủy sản của cả nước... Đó là những đóng góp quan trọng trong quá trình phát triển của khu vực đồng bằng sông Cửu Long nói riêng và của Việt Nam nói chúng. Tuy nhiên, nếu thực hiện tốt việc liên giữa các địa phương trong vùng và với các vùng khác, vùng đồng bằng sông Cửu Long sẽ phát huy hơn nữa tiềm năng và lợi thế sẵn có của mình để phát triển.

          Liên kết vùng miền, trong đó tập trung phát triển mạnh vào những ngành, lĩnh vực mà các tỉnh, thành có lợi thế sẽ tạo động lực và tạo đà cho sự phát triển chung của toàn khu vực. Đây là giải pháp có tính chiến lược, khai thác được tiềm năng và lợi thế của từng địa phương, thu hút đầu tư, nguồn nhân lực và tiếp cận công nghệ mới, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm, thúc đẩy quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá vùng đồng bằng sông Cửu Long.

Thủ tướng Chính phủ đã quy hoạch phát triển kinh tế xã hội đến năm 2015 và tầm nhìn đến năm 2025; quy hoạch xây dựng vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2050.

Năm 2013, Thủ tướng Chính phủ cũng đã phê duyệt Đề án tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững với mục tiêu duy trì tăng trưởng, nâng cao hiệu quả và khả năng cạnh tranh thông qua tăng năng xuất, chất lượng và giá trị gia tăng, đáp ứng tốt nhu cầu, thị trường của người tiêu dùng trong nước và xuất khẩu; nâng cao thu nhập, cải thiện mức sống cho dân cư nông thôn, góp phần giảm tỷ lệ đói nghèo.

Đặc biệt, mới đây (trong năm 2014), Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế xã hội vùng kinh tế trọng điểm vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 và phê duyệt nhiệm vụ điểu chỉnh quy hoạch xây dựng vùng đồng bằng sông cửu Long đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050. Trong đó, xác vùng kinh tế trọng điểm Đồng bằng sông Cửu Long là vùng trọng điểm sản xuất lương thực, thủy sản, hoa quả, góp phần quan trọng bảo đảm an ninh lương thực quốc gia, đóng góp lớn và xuất khẩu nông thủy sản của cả nước; là trung tâm năng lượng lớn của cả nước với ba trung tâm điện lực Ô Môn, Cà Mau, Kiên Lương và cung cấp khí đốt từ các mỏ khí Tây Nam; là trung tâm dịch vụ và du lịch lớn của cả nước, trong đó có khu du lịch quốc gia Năm Căn và đặc biệt là đảo Phú Quốc được xác định xây dựng trở thành trung tâm giao thương quốc tế, khu du lịch quốc gia với sản phẩm du lịch sinh thái chất lượng cao của khu vực Đông Nam Bộ và lưu vực hạ lưu sông Mêkông; là cầu nối trong hội nhập quốc tế và khu vực...

Thực hiện các mục tiêu nêu trên, Chính phủ sẽ ưu tiên các nguồn lực và có chính sách phát triển chương trình, dự án chiến lược có sức lan toả và phát triển khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng trong việc liên kết và phát triển của cả vùng Đồng bằng sông Cửu Long trong những năm tới. Việc tổ chức triển khai thực hiện tốt các công trình, dự án nêu trên sẽ tạo thuận lợi để đánh thức tiềm năng, cũng như việc khai thác có hiệu quả các nguồn lực trong và ngoài khu vực để phát triển cả khu vực này.

           Đối với nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, hiện khu vực Đồng bằng sông    Cửu Long có 904 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài với tổng vốn đầu tư đăng ký đạt 11,8 tỷ USD, chiếm 5,3% số dự án và 4,93% về tổng vốn đầu tư của cả nước. Riêng 9 tháng đầu năm 2014, có 66 dự án FDI được cấp giấy chứng nhận đầu tư, với tổng vốn đầu tư đăng ký đạt 692 triệu USD. Các dự án FDI tập trung chủ yếu vào lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo, bất động sản, điện, vận tải kho bãi, xây dựng, nông nghiệp, thủy sản, dịch vụ lưu trú... So với 6 khu vực khác trong cả nước, Đồng bằng sông Cửu Long xếp thứ 4 về số dự án (đứng sau khu vực Đông Nam Bộ, Đồng bằng sông Hồng, Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung) được cấp phép nhưng lại đứng vị trí thứ 4 (trước các khu vực Trung du miền núi phía Bắc, Tây Nguyên) về tổng vốn đăng ký. Kết quả thu hút FDI vẫn thấp so với khu vực khác trong cả nước và nhất là so với tiềm năng và nhu cầu thu hút FDI còn rất lớn. Khu vực này là vựa lúa lớn nhất của cả nước, là vùng có tiềm năng phát triển nông nghiệp và công nghiệp chế biến, nuôi trồng thuỷ sản, nhưng chưa thu hút được nhiều vốn FDI, đặc biệt trong lĩnh vực chế biến bảo quản nông, thuỷ sản sau thu hoạch nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩn nông thuỷ sản xuất khẩu.

So với các vùng khác của Việt Nam, đồng bằng sông Cửu Long có những thế mạnh lớn đối với các nhà đầu tư trong nước, đặc biệt là các nhà đầu tư nước ngoài, như là:

- Đồng bằng sông Cửu Long có vị trí chiến lược, nằm trong khu vực có đường giao thông hàng hải và hàng không quốc tế quan trọng, nối Nam Á và Đông Nam Á, Châu Úc và các quần đảo khác trong Thái Bình Dương; nằm giữa khu vực kinh tế năng động và phát triển, liền kề với vùng kinh tế trọng điểm phía Nam - một vùng phát triển năng động nhất Việt Nam, bên cạnh các nước Thái Lan, Singapore, Malaysia.... Đây là vị trí thuận lợi cho giao lưu quốc tế bằng đường thuỷ, hàng không và đường bộ. Về chiến lược lâu dài, khi cơ sở hạ tầng của vùng được cải thiện, việc xuất nhập khẩu hàng hoá có thể thực hiện ngay tại vùng, mà không cần phải vận chuyển lên thành phố Hồ Chí Minh như hiện nay. Đây là nhân tố quan trọng, giúp làm giảm giá thành sản phẩm, nâng cao tính cạnh tranh của hàng hoá Việt Nam. Đây chính là cơ hội tuyệt vời cho Quý vị khi đến với đồng bằng sông Cửu Long.

- Đồng bằng sông Cửu Long là vùng có nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú, là một trong những đồng bằng phì nhiêu ở Đông Nam Á và thế giới, là vùng sản xuất lương thực lớn nhất trong cả nước. Với bờ biển dài trên 700km, giáp biển đông và Vịnh Thái Lan, vùng có lợi thế so sánh trong phát triển kinh tế biển; có đường biên giới giáp Campuchia qua 4 tỉnh Long An, Đồng Tháp, Kiên Giang và An Giang, thuận lợi cho phát triển kinh tế cửa khẩu giữa Việt Nam – Campuchia – Thái Lan. Tổng hợp những đặc điểm về khí hậu, đất đai, biển, khoáng sản, ĐBSCL có những ưu thế đặc biệt để nhà đầu tư phát triển các dự án chế biến thực phẩm, sản xuất lương thực, thực phẩm, chế biến hàng xuất khẩu, du lịch sinh thái... Đây là lĩnh vực mà Chính phủ Việt Nam khuyến khích và ưu tiên thu hút đầu tư đầu tư nước ngoài.

- Đồng bằng sông Cửu Long là vùng có dân số đứng thứ ba trong cả nước, với chất lượng lao động ngày càng được nâng cao. Đây sẽ là nguồn cung cấp nguồn nhân lực dồi dào cho các dự án trong vùng trong khi nguồn nhân lực tại các vùng khác của Việt Nam ngày càng khó khăn hơn. Mặt khác, với mật độ dân cư đông đúc, đây là một thị trường tiềm năng trong tương lai khi thu nhập bình quân đầu người tăng lên. Điều này phù hợp với các dự án đầu tư có sử dụng nhiều lao động.

Đề phát huy hiệu quả tiềm năng kinh tế của vùng này và hiệu quả từng dự án đầu tư thì việc liên kết các địa phương trong vùng và liên vùng là rất quan trọng. Thiếu sự liến kết giữa các địa phương trong vùng và liên kết giữa các vùng sẽ làm giảm năng suất lao động, giảm hiệu quả đầu tư của từng địa phương, từng vùng và tác động đến môi trường đầu tư, hiệu quả đầu tư và chất lượng tăng trưởng và phát triển nền kinh tế. Đây là yếu tố rất quan trọng nhằm nâng cao khả năng cạnh tranh của nền kinh tế Việt Nam với thế giới bên ngoài. Chính vì vậy, các địa phương trong quá trình xây dựng và thực hiện kế hoạch phát triển của mình, cần phải đặc biệt lưu tâm hơn đến yếu tố liên kết trong vùng và giữa các vùng, tạo lên sức mạnh cộng hưởng trong đầu tư và phát triển.

Từ 5-7/11/2014, Diễn đàn hợp tác kinh tế Đồng bằng Sông Cửu Long – Sóc Trăng 2014 là sự kiện lấy thu hút đầu tư vào Đồng bằng sông Cửu Long gắn với tái cơ cấu nông nghiệp làm giải pháp đột phá. Đây là Hội nghị của cả vùng và vì vậy sự liên kết chặt chẽ giữa các địa phương trong vùng là yếu tố quan trọng, tạo sức mạnh tổng hợp để có thể biến các tiềm năng, thể mạnh to lớn của cả vùng thành hiện thực.

Mặc dù có sự phân chia theo địa giới hành chính, song cần coi đồng bằng sông Cửu Long như một cấu trúc tương đồng để hoạch định chính sách chung về đầu tư phát triển, bởi với diện tích đất liền tự nhiên trên 40.000 km2 và khoảng 360.000 km2 vùng biển chủ quyền của Việt Nam, dân số trên 17 triệu người, khu vực này có các điều kiện về tự nhiên, kinh tế - xã hội khá đồng đều, cấu trúc văn hoá và trình độ văn hoá có nhiều điểm tương đồng; cộng với những tiềm năng lớn và thế mạnh về những ngành, lĩnh vực đòi hỏi có tính liên kết cao như nông nghiệp, thủy hải sản, du lịch... thì nhu cầu liên kết trong đầu tư và phát triển càng trở nên quan trong hơn bao giờ hết, nhất là trong điều kiện phải cạnh tranh để duy trì được sự tăng trưởng cao và phát triển bền vững.

Có thể nói, sự bất cập về cơ sở hạ tầng đang là một rào cản lớn đối với môi trường đầu tư, kinh doanh tại vùng đồng bằng sông Cửu Long. Trong những năm gần đây, đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng là nhu cầu hết sức cấp bách của Việt Nam và là một trong những ưu tiên hàng đầu của Chính phủ, các Bộ, ngành và chính quyền địa phương. Nhiều công trình lớn trong lĩnh vực hạ tầng giao thông, năng lượng, cảng, phát triển đô thị, khu kinh tế, khu công nghiệp do Chính phủ đầu tư vào khu vực đồng bằng sông Cửu Long, trong đó có nhiều công trình lớn, có yếu tố liên kết vùng hoàn thành và đi vào hoạt động đã và đang phát huy hiệu quả, mở ra nhiều cơ hội đầu tư mới cho các nhà đầu tư trong nước và đầu tư nước ngoài.

Bên cạnh đó, để thu hút các nhà đầu trong nước và nước ngoài tham gia đầu tư vào các dự án hạ tầng quan trọng, hiện Chính phủ Việt Nam đang xây dựng quy chế thí điểm đầu tư theo hình thức đối tác công - tư (PPP), trong đó sẽ các cơ chế ưu đãi cụ thể và các điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư khi tham gia vào các dự án đặc thù này.

Chính phủ đang đẩy nhanh việc triển khai kế hoạch tổng thể về đào tạo nhằm nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo, đáp ứng nhu cầu cả về số lượng và chất lượng lao động cho xã hội, trong đó có khu vực đồng bằng sông Cửu Long.

Để đạt được các mục tiêu đề ra tại Kết luận 28-KL/TW ngày 14/8/2012 của Bộ Chính trị và Quyết định số 2270/QĐ-TTg ngày 21/11/2013 của Thủ tướng Chính phủ về phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm an ninh, quốc phòng vùng ĐBSCL giai đoạn 2010-2020. Trong những năm tới, ĐBSCL cần tạo được sự hấp dẫn thu hút các nguồn lực từ bên ngoài và tập trung vào một số nội dung:

Thứ nhất, cân đối các nguồn lực để tập trung phát triển đồng bộ hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế và hạ tầng xã hội làm động lực để phát triển kinh tế - xã hội của vùng. Kết hợp chặt chẽ đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông với thủy lợi, kiểm soát lũ, phát triển mạng lưới đô thị và điểm dân cư nông thôn và cụm, tuyến dân cư vùng ngập lũ. Đầu tư tập trung vào các khu hậu cần nghề cá, chế biến thủy sản, logistic… nhằm góp phần hình thành chuỗi sản xuất nông nghiệp giá trị gia tăng cao, thu hút đầu tư nước ngoài đổi mới công nghệ vào lĩnh vực sau thu hoạch và chế biến nông, thủy sản.

          Thứ hai, tiến hành chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp để đến năm 2020 vùng ĐBSCL cơ bản có nền nông nghiệp hàng hóa quy mô lớn, tập trung, có sức cạnh tranh cao, hiệu quả và bền vững gắn với công nghiệp chế biến đồng thời ứng dụng công nghệ cao, công nghệ sinh học vào sản xuất nông lâm nghiệp nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm; xây dựng thương hiệu một số sản phẩm có lợi thế so sánh của Vùng như lúa, thủy sản, trái cây,...

          Thứ ba, mở rộng quy mô, nâng cao chất lượng đào tạo đại học, cao đẳng, dạy nghề theo các phương thức đào tạo phù hợp, đáp ứng yêu cầu nguồn nhân lực theo quy hoạch chung của cả nước. Xây dựng chiến lược đào tạo các ngành, nghề phù hợp với yêu cầu phát triển và nhu cầu của thị trường; đẩy mạnh đào tạo nghề tại khu vực nông thôn, vùng tập trung đồng bào dân tộc; gắn đào tạo nghề với giải quyết việc làm và xuất khẩu lao động;

          Thứ tư, cường cải cách triệt để các thủ tục hành chính các thủ tục hành chính, đặc biệt là các thủ tục liên quan đến đất đai, xây dựng, thuế, hải quan… ở tất cả các khâu, các cấp, nhanh chóng cải thiện và nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh và khu vực, giảm thiểu thời gian và chi phí cho doanh nghiệp khi tham gia đầu tư, kinh doanh vào khu vực này.

    Thứ năm, tăng cường và đổi mới công tác xúc tiến đầu tư theo hướng coi nhà đầu tư là đối tượng được phục vụ; xác định đúng đối tượng để xúc tiến đầu tư; phải đổi mới cách thức thực hiện xúc tiến đầu tưtăng cường các hoạt động xúc tiến đầu tư tại chỗ thông qua việc thường xuyên gặp gỡ, đối thoại với nhà đầu tư để tháo gỡ kịp thời những khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện cho các dự án đã được cấp phép hoạt động có hiệu quả. Các dự án đầu tư thành công tại địa phương là minh chứng rõ ràng nhất về tiềm năng và môi trường đầu tư của địa phương, qua đó sẽ thu hút được thêm nhiều các nhà đầu.

Tại Diễn đàn Hợp tác kinh tế đồng bằng sông Cửu Long – Sóc Trăng 2014, với ý chí quyết tâm cao, tinh thần sẵn sàng hợp tác, các tỉnh ĐBSCL đã gửi thông điệp và chào mời các nhà đầu tư, doanh nghiêp danh sách 67 dự án trọng điểm ưu tiên trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn của 13 tỉnh, thành phố trong vùng, với tổng vốn đầu tư khoảng 22 ngàn tỷ đồng và 1,4 tỷ USD để cùng hợp tác đầu tư. Những dự án trên sẽ là những dấu mốc quan trọng để ĐBSCL cất cánh và thực sự trở thành trung tâm sản xuất, kinh tế của đất nước trong giai đoạn mới.


Số lượt đọc: 521
Thông báo