BỘ KẾ HOẠCH VÀ ĐẦU TƯ
CỤC ĐẦU TƯ NƯỚC NGOÀI
TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ ĐẦU TƯ NƯỚC NGOÀI
Thứ Hai, 23/12/2024
Vùng, Thông tin
FDI tiếp đà tăng: Kỳ vọng vào triển vọng dài hạn
Thứ Sáu, 10/12/2021 05:03
FDI tiếp đà tăng: Kỳ vọng vào triển vọng dài hạn

So với kết quả thu hút FDI 10 tháng đạt 23,74 tỷ USD thì riêng tháng 11 Việt Nam thu hút được thêm gần 3 tỷ USD vốn FDI. Đây là kết quả khá tích cực trong bối cảnh dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp.

Niềm tin nhà đầu tư trở lại

Trong 11 tháng qua, vốn đầu tư nước ngoài đăng ký mới tăng 3,76%, còn vốn tăng thêm tăng 26,7% so với cùng kỳ. Tính cả phần góp vốn, mua cổ phần, cả nước thu hút được 26,46 tỷ USD. So với kết quả thu hút FDI 10 tháng đạt 23,74 tỷ USD thì riêng tháng 11 Việt Nam thu hút được thêm gần 3 tỷ USD vốn FDI. 

Điểm sáng trong bức tranh FDI 11 tháng là vốn FDI đăng ký tăng thêm tăng mạnh. Cụ thể, có 877 lượt dự án FDI đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư, giảm 16,6% về số lượng, nhưng tổng vốn đăng ký tăng thêm đạt trên 8 tỷ USD, tăng 26,7% so với cùng kỳ.

Sở dĩ vốn FDI đăng ký tăng thêm tăng mạnh là bởi, 11 tháng đầu năm 2021 có rất nhiều dự án FDI tăng vốn đầu tư, điển hình là dự án LG Display (Hàn Quốc) điều chỉnh tăng vốn đầu tư 2 lần vào tháng 2 và tháng 8 với tổng vốn đăng ký tăng thêm là 2,15 tỷ USD. Dự án nhà máy sản xuất giấy Kraft Vina công suất 800.000 tấn/năm (Nhật Bản), tổng vốn đầu tư 611,4 triệu USD. Bên cạnh đó, dự án Nhà máy Công ty TNHH Polytex Far Eastern Việt Nam (Đài Loan - Trung Quốc) cũng điều chỉnh tăng vốn đầu tư thêm 610 triệu USD…

Số liệu giải ngân FDI trong trong tháng 11 cũng cho tín hiệu khả quan, khi đạt 1,95 tỷ USD - mức cao nhất kể từ tháng 6/2021. Tính chung 11 tháng, giải ngân FDI đạt 17,1 tỷ USD, giảm 0,6% so với cùng kỳ 2020, nhưng cải thiện từ mức giảm 4,1% trong 10 tháng đầu năm.

Theo đối tác đầu tư, 100 quốc gia và vùng lãnh thổ đã đầu tư tại Việt Nam, với Singapore dẫn đầu, theo sau lần lượt là Hàn Quốc, Nhật Bản. Nếu xét về số dự án, các nhà đầu tư vẫn tập trung đầu tư nhiều tại những TP lớn, có cơ sở hạ tầng thuận lợi như TP Hồ Chí Minh, Hà Nội, Bắc Ninh. Trong đó, TP Hồ Chí Minh dẫn đầu về số dự án mới (36%). Hà Nội tuy không thuộc top 5 địa phương thu hút đầu tư nước ngoài, song xếp thứ hai về số dự án mới (21,8%) và số lượt góp vốn, mua cổ phần (12,5%).

Hiện nay nhiều doanh nghiệp FDI đã ổn định và tăng tốc sản xuất, kỳ vọng phục hồi và đạt mục tiêu đặt ra từ nay đến cuối năm. Toàn bộ 343 doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài trên địa bàn TP Hà Nội hoạt động bình thường trở lại và đang tăng tốc cho tháng cuối năm. Nhiều doanh nghiệp đã chủ động đầu tư thêm các thiết bị hiện đại, tự động hóa sản xuất để nâng cao sản phẩm và chất lượng.

"Những khó khăn vướng mắc của các doanh nghiệp vừa qua như việc đi lại, ăn ở đã được giải quyết. Tỷ lệ tiêm vaccine Covid-19 cũng đã đạt 100%" - ông Trần Anh Tuấn - Phó Trưởng Ban quản lý các khu công nghiệp và chế xuất TP Hà Nội cho hay.

Tương tự tại tỉnh Bắc Ninh, hơn 1.100 doanh nghiệp FDI đã ổn định sản xuất, lượng công nhân đến nhà máy làm việc chiếm khoảng 95%. Để tăng tốc trong những tháng tới, nhiều doanh nghiệp tiếp tục tuyển dụng thêm 30% lao động…

Thêm dự án lớn sắp được cấp phép

Sau nhiều cam kết được các tập đoàn lớn đưa ra trong những cuộc làm việc với Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại châu Âu, động thái gần đây của nhà đầu tư nước ngoài cho thấy, dòng vốn FDI tại Việt Nam sẽ sôi động trở lại trong thời gian tới.

Mới đây nhất, Tập đoàn SK (Hàn Quốc) đã quyết định rót 340 triệu USD để sở hữu 4,9% cổ phần tại The CrownX - đơn vị sở hữu chuỗi cửa hàng WinMart và WinMart+, tiếp tục khẳng định mối quan tâm và tham vọng lớn tại thị trường Việt Nam. Trong khi đó, Tập đoàn De Heus (Hà Lan) đã mua lại toàn bộ mảng sản xuất thức ăn chăn nuôi của Masan, để mở rộng chuỗi nhà máy do Tập đoàn sở hữu tại Việt Nam lên con số 22, và chính thức trở thành nhà sản xuất thức ăn chăn nuôi hàng đầu Việt Nam.

Theo các chuyên gia kinh tế, thu hút FDI vào Việt Nam trong năm 2021 có thể đạt mức cao hơn, hoặc tương đương với kết quả thu hút trên 28 tỷ USD của năm 2020. Công ty chứng khoán HSC dự báo, vốn FDI giải ngân và FDI đăng ký trong năm 2021 sẽ tăng trưởng lần lượt 8,3% và 13,6%, và con số lần lượt là 12,5 và 15% trong năm 2022-2023. Dự báo về thu hút FDI năm 2022, Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Trần Quốc Phương cho rằng, dòng vốn FDI vào Việt Nam sẽ khởi sắc. Thông tin này càng được củng cố khi thời gian qua, các đoàn cấp cao của Việt Nam đi công tác nước ngoài thường kết hợp với xúc tiến, quảng bá môi trường đầu tư trong nước.

Chia sẻ tại một sự kiện diễn ra mới đây, Trưởng Ban quản lý các khu công nghiệp tỉnh Bắc Ninh Bùi Hoàng Mai cho biết, nếu không có gì thay đổi thì địa phương sẽ có thêm một dự án FDI có tổng vốn đầu tư lên tới 1,6 tỷ USD vào tháng 12/2021. Dự án này sẽ đưa thu hút FDI vào tỉnh trong năm 2021 lên tới gần 3 tỷ USD. Trong khi đó, Tập đoàn Orsted (Đan Mạch), trong cuộc làm việc với lãnh đạo TP Hải Phòng hồi đầu tháng 11/2021, đã đề xuất đầu tư dự án điện gió ngoài khơi Hải Phòng, với tổng công suất 3.900 MW, tổng mức đầu tư 11,9 - 13,6 tỷ USD.

Tổng Giám đốc Ngân hàng UOB tại Việt Nam Harry Loh cho rằng, với việc chuyển hướng trong ứng phó với đại dịch, kinh tế Việt Nam sẽ phục hồi mạnh mẽ và dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đổ vào Việt Nam vẫn sẽ gia tăng.

Cũng theo UOB, bên cạnh việc triển khai nhiều biện pháp cứu trợ, Chính phủ Việt Nam đã công bố các kế hoạch hỗ trợ phục hồi kinh tế gồm 6 trụ cột ưu tiên, bao gồm khôi phục chuỗi cung ứng, thúc đẩy sản xuất, thúc đẩy đầu tư quy mô lớn, giải quyết những khó khăn của doanh nghiệp bao gồm cả công ty FDI đang gặp phải, cải thiện thể chế theo tiêu chuẩn quốc tế và phát triển nguồn nhân lực. 

Việt Nam sẽ được hưởng lợi từ mạng lưới các hiệp định thương mại tự do (FTA) ngày càng nở rộ. Nhìn từ góc độ này, rõ ràng, cơ hội thu hút đầu tư nước ngoài của Việt Nam trong thời gian tới là rất lớn. Và quan trọng hơn hết là tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, chuẩn bị sẵn hạ tầng cơ sở, về đất đai, về năng lượng, về nhân lực… để chào đón nhà đầu tư đến đặt cứ điểm sản xuất.

Tổ công tác đặc biệt của Thủ tướng Chính phủ đã được thành lập để đón “đại bàng”; các cơ chế ưu đãi đặc biệt đã được ban hành sẽ sớm khơi thông những “điểm nghẽn”. Việc Chính phủ vừa chính thức ban hành Danh mục quốc gia Các dự án kêu gọi đầu tư nước ngoài giai đoạn 2021 - 2025 chính là cách để mở rộng thêm nữa cánh cửa nhằm đón dòng vốn ngoại. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trong chuyến công du châu Âu và đã có những thông điệp quan trọng gửi các nhà đầu tư nước ngoài. Rằng, Việt Nam luôn coi trọng và đánh giá cao khu vực đầu tư nước ngoài và sẽ tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi để các nhà đầu tư nước ngoài đến đầu tư, kinh doanh hiệu quả, thành công bền vững tại Việt Nam.

Có một điểm thuận lợi cho Việt Nam. Đó là gần đây, xu hướng phục hồi của dòng đầu tư toàn cầu ngày càng rõ hơn. Triển vọng đầu tư toàn cầu không chỉ trong xu hướng tăng, mà còn tiếp tục chuyển dịch sang khu vực châu Á. Nếu nhanh chóng nắm bắt cơ hội, thì dòng vốn nước ngoài sẽ vào mạnh hơn và có thêm đóng góp quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội Việt Nam.Tổng Giám đốc Ngân hàng UOB tại Việt Nam Harry Loh

 

Theo kinhtedothi.vn
Số lượt đọc: 1489
Thông báo