BỘ KẾ HOẠCH VÀ ĐẦU TƯ
CỤC ĐẦU TƯ NƯỚC NGOÀI
TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ ĐẦU TƯ NƯỚC NGOÀI
Thứ Hai, 23/12/2024
Vùng, Thông tin
Tỉnh Thanh Hóa vươn lên dẫn đầu hút FDI khu vực miền Trung, rót 35.000 tỷ vào hạ tầng, sẽ là cực tăng trưởng mới giai đoạn tới
Thứ Ba, 30/11/2021 04:12
Tỉnh Thanh Hóa vươn lên dẫn đầu hút FDI khu vực miền Trung, rót 35.000 tỷ vào hạ tầng, sẽ là cực tăng trưởng mới giai đoạn tới

Các công trình giao thông được triển khai nhanh chóng đã dần xóa bỏ điểm nghẽn cố hữu về hạ tầng, kinh tế Thanh Hóa giờ đây có thêm lợi thế để phát triển, dòng vốn FDI cũng dần có nhiều khởi sắc.

Thu hút FDI dẫn đầu miền Trung, quy mô kinh tế xếp thứ 8 cả nước

Quốc hội vừa thông qua Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Thanh Hóa, trong đó đưa Thanh Hóa trở thành một cực tăng trưởng mới của khu vực và cả nước vào năm 2030.

Nhìn lại kinh tế Thanh Hóa giai đoạn qua đã có những bước tiến khá rõ rệt. Trong các năm 2016 - 2020, kinh tế tỉnh tăng trưởng nhanh, tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) bình quân đạt 11,2%/năm.

Quy mô kinh tế của tỉnh năm 2020 đạt 126.172 tỷ đồng; thu nhập bình quân đầu người đạt 2.510 USD. Mục tiêu giai đoạn 2021 - 2025 của tỉnh đạt tốc độ tăng trưởng GRDP hàng năm 11% trở lên; đến năm 2025, GRDP/người đạt 5.200 USD trở lên;...

Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng công nghiệp, dịch vụ là chủ đạo. Cụ thể, ngành công nghiệp, xây dựng chiếm 48,5%; ngành dịch vụ chiếm 32,2%; ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm 10,8%; ngành khác chiếm 8,5%.

Với tỷ trọng ngành công nghiệp - xây dựng chiếm phần lớn trong cơ cấu kinh tế, đây cũng đã trở thành ngành trụ cột, tăng trưởng mạnh mẽ với hạt nhân là khu kinh tế Nghi Sơn. Tốc độ tăng giá trị sản xuất bình quân hằng năm đạt 19,5%; giá trị sản xuất năm 2020 đạt 141.640 tỷ đồng.

Trong những năm qua, diện mạo kinh tế - xã hội của Thanh Hóa đã có nhiều thay đổi lớn với danh sách các nhà đầu tư liên tục được nối dài, các dự án đua nhau triển khai.

Theo Báo Thanh Hóa, trong giai đoạn 2016-2020, Thanh Hóa đã thu hút 1.122 dự án đầu tư trực tiếp với tổng vốn đăng ký 110.000 tỷ đồng và 3,85 tỷ USD, đứng đầu các tỉnh Bắc Trung bộ và trong nhóm 5 tỉnh, TP có huy động vốn đầu tư cao nhất cả nước.

Riêng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), theo số liệu của Cục Đầu tư nước ngoài, lũy kế đến nay, tỉnh Thanh Hóa có 129 dự án FDI còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư đăng ký khoảng 14,6 tỷ USD. Điều này cũng giúp cho Thanh Hóa trở thành địa phương thu hút FDI đứng thứ 8 cả nước và dẫn đầu khu vực miền Trung.

Tại khu vực miền Trung, theo sau Thanh Hoá, Hà Tĩnh có 79 dự án, vốn đầu tư 11,74 tỷ USD, chiếm 19,3% tổng vốn đăng ký. Quảng Nam ở vị trí thứ 3 với 223 dự án, vốn đăng ký 6,07 tỷ USD, chiếm 10% tổng vốn đăng ký...

Trong số các dự án FDI đã thu hút đầu tư trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, dự án Liên hợp Lọc hóa dầu Nghi Sơn là một trong ba dự án công nghiệp trọng điểm quốc gia, có tổng vốn đầu tư gần 10 tỷ USD, lớn nhất cả nước.

Dự án đã được đưa vào hoạt động năm 2018 với công suất 10 triệu tấn sản phẩm/năm (gấp đôi nhà máy Lọc dầu Dung Quất), góp phần đáp ứng 33% nhu cầu xăng dầu của cả nước.

Cũng tại Khu Kinh tế Nghi Sơn, nhiều công trình lớn đang hoạt động hiệu quả nhờ những nỗ lực thu hút đầu tư của các giai đoạn trước. Có thể kể đến Nhà máy Nhiệt điện Nghi Sơn 1, Nhà máy Xi măng Nghi Sơn, các hệ thống cảng biển nước sâu…, và gần đây có Nhà máy Nhiệt điện BOT Nghi Sơn 2 đang xây dựng.

Vào hồi đầu năm nay, Foxconn, tập đoàn có quy mô hàng đầu thế giới trong lĩnh vực điện tử, công nghệ thông tin và máy tính cũng đã "ngỏ ý" dự kiến sẽ đầu tư vào tỉnh Thanh Hóa 1,3 tỷ USD. Dự án này được ví như “sóng lớn” trong làn sóng đầu tư liên tục “đổ bộ” vào Thanh Hóa trong những năm gần đây.

Làn sóng đầu tư đã tạo thành bệ đỡ để kinh tế Thanh Hóa có sự khởi sắc với tốc độ tăng trưởng luôn ở nhóm đầu của cả nước. Trên bảng xếp hạng, quy mô kinh tế của địa phương này không ngừng được cải thiện, hiện đang đứng thứ 8 trong tổng số 63 tỉnh, thành. Dự kiến thứ bậc này sẽ không ngừng được cải thiện.

Đầu tư 35.000 tỷ đồng vào hạ tầng trong giai đoạn 2021-2025

Đầu năm 2021, Thanh Hóa đón tin vui khi 95,7 km trên tổng số 98,5km chiều dài tuyến đường bộ cao tốc Bắc – Nam đoạn qua địa bàn tỉnh đã hoàn thành giải phóng mặt bằng; trong đó đoạn triển khai đầu tiên là Mai Sơn - Quốc lộ 45 đã bàn giao 100% mặt bằng. Đây là tiền đề cho cơ quan chức năng đẩy nhanh tiến độ thi công, hướng tới mục tiêu hoàn thành tuyến đường vào cuối năm 2022.

Cao tốc Bắc Nam đoạn Mai Sơn - Quốc lộ 45 với tổng mức đầu tư hơn 12.000 tỷ đồng là tuyến đường có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, được ví như huyết mạch kết nối Thanh Hóa với Thủ đô Hà Nội, mở ra dư địa phát triển mạnh mẽ cho xứ Thanh. 

Một dự án giao thông trọng điểm khác cũng đang được Thanh Hóa quyết liệt triển khai là tuyến đường từ TP Thanh Hóa đi Cảng hàng không Thọ Xuân khởi công năm ngoái. Cho tới thời điểm này, hình hài tuyến đường dài 35 km đã khá rõ nét.

Dự án được đầu tư hơn 3.500 tỷ đồng, công trình được thiết kế 4 làn xe cơ giới và có thể mở rộng thêm 2 làn trong tương lai. Khi hoàn thành, việc di chuyển từ TP Thanh Hóa tới sân bay Thọ Xuân và ngược lại sẽ chỉ mất chưa tới 1 giờ đồng hồ.

Thêm vào đó, Thanh Hóa dự kiến sẽ có nhiều tuyến đường trọng điểm, có mức vốn đầu tư cao đi vào vận hành, như: đường từ Quốc lộ 1A đến điểm đầu tuyến đường Đông Tây 4 đi cảng Nghi Sơn; đường giao thông nối thị xã Sầm Sơn với khu kinh tế Nghi Sơn (giai đoạn 1) hay đại lộ Đông – Tây TP Thanh Hóa, đoạn từ thị trấn Rừng Thông đến Quốc lộ 1A...

Mạng lưới giao thông đường bộ sẽ ngày càng dày đặc hơn, Thanh Hóa cũng có kế hoạch rót gần 35.000 tỷ đồng vào 43 dự án giao thông đang được triển khai từ nay tới năm 2025. Điều này sẽ giúp cho việc đi lại từ khu vực biên giới, từ miền núi xuống đồng bằng, vùng biển trong nội tỉnh Thanh Hóa sẽ không còn “điểm nghẽn”, đảm bảo hoạt động kinh tế thông suốt.

Theo vietnambiz.vn
Số lượt đọc: 799
Thông báo