Khái quát về tiềm năng và lợi thế
Lợi thế về vị trí địa lý: Tỉnh Thanh Hóa nằm ở khu vực Bắc Trung Bộ, cách thủ đô Hà Nội 150 km về phía Nam, cách thành phố Hồ Chí Minh 1 giờ 30 phút đường hàng không; phía Tây giáp với nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào với đường biên giới dài 192 km; phía Đông là Vịnh Bắc Bộ, là vị trí cửa ngõ nối liền Bắc Bộ với Trung Bộ, thuận lợi cho kết nối giao thông Bắc Nam, các vùng trong tỉnh và quốc tế.
Lợi thế về cơ sở hạ tầng: Thanh Hoá có hệ thống giao thông với đầy đủ các loại hình giao thông: Đường bộ, đường sắt, đường biển và đường hàng không; có cửa khẩu quốc tế với nước CHDCND Lào, cảng nước sâu Nghi Sơn đang tiếp nhận tàu trọng tải 5 - 10 vạn tấn, Cảng hàng không Thọ Xuân, với nhà ga hiện đại được quy hoạch là cảng hàng không quốc tế.
Khu Kinh tế Nghi Sơn là 1 trong 5 khu kinh tế ven biển trọng điểm của Việt Nam được Chính phủ ưu tiên đầu tư cao nhất, vận hành theo cơ chế ưu đãi đặc biệt, hấp dẫn nhất trong cả nước, với diện tích 106 nghìn ha, thuận lợi về giao thông, đặc biệt là đường thủy với Cảng nước sâu Nghi Sơn. Ngoài ra, Thanh Hóa có 8 khu công nghiệp; trong đó, khu công nghiệp công nghệ cao Lam Sơn - Sao Vàng đang được đầu tư nhằm phát triển các ngành nghề có hàm lượng chất xám cao như điện tử, viễn thông, công nghệ thông tin.
Tiềm năng về tài nguyên và đất đai: Với diện tích tự nhiên 11.116 km2, đứng thứ 5 cả nước, Thanh Hóa có đầy đủ các loại địa hình, các hệ sinh thái và được chia thành 3 vùng: trung du - miền núi, đồng bằng và ven biển; có nguồn tài nguyên khoáng sản phong phú, đặc biệt là mỏ Cromit duy nhất ở Việt Nam; đất đai đa dạng, thuận lợi cho phát triển nông nghiệp chất lượng cao, nhất là các loại nông sản hàng hóa như: lúa, ngô, mía đường, cao su, sắn, dược liệu, chăn nuôi đại gia súc; sản phẩm lâm sản khá phong phú, đặc biệt là trữ lượng cây tre, luồng lớn nhất cả nước. Thanh Hóa có vùng lãnh hải rộng lớn, tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển đa dạng các ngành công nghiệp, cảng biển, dịch vụ logistics, nuôi trồng và khai thác thủy, hải sản…
Tiềm năng về du lịch: Thanh Hóa có chiều dài bờ biển 102 km, với các bãi biển đẹp như: Sầm Sơn, Hải Tiến, Hải Hòa thuận lợi cho phát triển du lịch biển. Cùng với nhiều danh lam, thắng cảnh, di tích lịch sử văn hóa có giá trị như: Hàm Rồng, Vườn quốc gia Bến En, các Khu bảo tồn thiên nhiên: Xuân Liên, Pù Hu, Pù Luông, suối cá thần Cẩm Lương, Thác Mây, Thác Ma Hao; đặc biệt có Thành Nhà Hồ được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới, có 5 Khu di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh được công nhận là di tích đặc biệt cấp quốc gia, gồm: Lam Kinh, Đền thờ Bà Triệu, Lê Hoàn, Hang Con Moong, núi Trường Lệ đã đưa Thanh Hoá trở thành một trong những trọng điểm du lịch quốc gia, với lợi thế lớn để phát triển đa dạng các loại hình du lịch, nghỉ dưỡng cao cấp như: du lịch biển, du lịch sinh thái, du lịch văn hoá lịch sử, du lịch tâm linh như du lịch nghĩ dưỡng cao cấp…
Tiềm năng về nguồn nhân lực: Với dân số gần 3,7 triệu người, là tỉnh đông dân thứ 3 cả nước, sau Hà Nội và TP Hồ Chí Minh; Thanh Hóa có nguồn nhân lực dồi dào, đang ở thời kỳ cơ cấu dân số vàng với 2,4 triệu lao động, trong đó, tỷ lệ lao động qua đào tạo năm 2019 đạt 67%. Tỉnh Thanh Hóa hiện có 4 trường đại học, 11 trường cao đẳng và 80 cơ sở dạy nghề; là một trong 4 tỉnh, thành phố của cả nước có số học sinh đạt giải cao trong các kỳ thi học sinh giỏi quốc gia và quốc tế. Đây là lợi thế cho phát triển các ngành công nghiệp sử dụng nhiều lao động, ngành công nghiệp có hàm lượng trí tuệ cao.
Tình hình thu hút đầu tư các dự án đầu tư quốc tế của tỉnh Thanh Hóa những năm gần đây
Giai đoạn 2016 - 2020, trên địa bàn tỉnh đã thu hút được 1.110 dự án đầu tư trực tiếp (gấp gần 2 lần giai đoạn 2011 - 2015), gồm: 1.032 dự án đầu tư trong nước (gấp 1,92 lần) và 78 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (gấp 3,1 lần giai đoạn 2011 - 2015), với tổng vốn đầu tư đăng ký 186.200 tỷ đồng (tăng 46,8%) và 3.643,3 triệu USD (tăng 54% so với giai đoạn 2011 - 2015). Đặc biệt, đối với công tác thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), tỉnh Thanh Hóa đã đạt được nhiều kết quả tích cực, trong đó năm 2017 đạt 3.019 triệu USD, đứng thứ 3 cả nước. Lũy kế đến nay, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa có 132 dự án FDI còn hiệu lực, với tổng vốn đầu tư đăng ký khoảng 14,245 tỷ USD, đứng thứ 8 cả nước về thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài.
Năm 2017, Tỉnh Thanh Hóa đã tổ chức thành công Hội nghị xúc tiến đầu tư với quy mô cấp quốc gia, với 31 dự án được trao quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư, Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư và ký kết Biên bản ghi nhớ đầu tư; tổng vốn đầu tư khoảng 141.000 tỷ đồng, tương đương 6,35 tỷ USD.
Năm 2020, tỉnh Thanh Hóa là địa phương đầu tiên tổ chức thành công Hội nghị xúc tiến đầu tư ngay sau khi Chính phủ công bố hết giãn cách xã hội, cả nước đang thực hiện nhiệm vụ kép “vừa đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, vừa chống dịch hiệu quả”; tại Hội nghị đã có 34 dự án được trao Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư và ký kết Biên bản ghi nhớ hợp tác đầu tư, với tổng vốn đầu tư khoảng 15 tỷ USD. Đây là Hội nghị xúc tiến đầu tư có số dự án và số vốn thu hút đầu tư lớn nhất từ trước đến nay của tỉnh.
Giai đoạn 2016 - 2020 đã thu hút được 22 chương trình, dự án đầu tư bằng nguồn vốn vay ODA với tổng mức đầu tư 13.549 tỷ đồng; đã có 09 chương trình, dự án hoàn thành. Khối lượng các dự án ODA thực hiện là 7.814 tỷ đồng, trong đó vốn vay ODA là 6.637 tỷ đồng và vốn đối ứng 1.217 tỷ đồng.
Từ ngày 01/01/2021 đến ngày 15/10/2021, toàn tỉnh đã thu hút được 13 chương trình, dự án, phi dự án viện trợ không hoàn lại không thuộc hỗ trợ phát triển chính thức dành cho Việt Nam do các tổ chức nước ngoài tài trợ, với tổng vốn viện trợ không hoàn lại khoảng 1.692 nghìn USD, vốn đối ứng khoảng 61 nghìn USD.