BỘ KẾ HOẠCH VÀ ĐẦU TƯ
CỤC ĐẦU TƯ NƯỚC NGOÀI
TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ ĐẦU TƯ NƯỚC NGOÀI
Thứ Hai, 23/12/2024
Vùng, Thông tin
Quan hệ Việt Nam – Hàn Quốc đã đạt được những tiến triển không quốc gia nào có thể sánh kịp
Chủ Nhật, 12/12/2021 10:38

Chủ tịch Quốc hội Hàn Quốc Park Byeong-seug trên bình diện kinh tế và giao lưu con người, hai nước Việt Nam và Hàn Quốc đã đạt được những tiến triển mà không quốc gia nào có thể sánh kịp.

Chủ tịch Quốc hội Hàn Quốc Park Byeong-seug trả lời phỏng vấn TTXVN. 

Nhận lời mời của Chủ tịch Quốc hội Hàn Quốc, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ dẫn đầu Đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội Việt Nam sẽ thăm chính thức Hàn Quốc từ ngày 12/12.

Nhân dịp này, phóng viên TTXVN tại Seoul đã có cuộc phỏng vấn Chủ tịch Quốc hội Hàn Quốc Park Byeong-seug về quan hệ hợp tác song phương, hợp tác nghị viện và ý nghĩa chuyến thăm Hàn Quốc của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ.

Kim ngạch thương mại 2 chiều tăng 140 lần

Năm 2022, Việt Nam và Hàn Quốc sẽ kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao. Mong ngài đánh giá về hiệu quả của mối quan hệ hợp tác Việt Nam – Hàn Quốc trong thời gian qua. Chuyến thăm chính thức Hàn Quốc của Chủ tịch Quốc hội Việt Nam Vương Đình Huệ mở ra triển vọng gì cho quan hệ song phương trong thời gian tới?

Chủ tịch Quốc hội Hàn Quốc Park Byeong-seug: Nhiều cơ quan báo chí nước ngoài đề nghị phỏng vấn nhưng tôi đều từ chối. Đây là lần đầu tiên tôi nhận trả lời phỏng vấn báo chí nước ngoài và trả lời Thông tấn xã Việt Nam. Tôi muốn bắt đầu bằng điều này để nhấn mạnh việc coi trọng Việt Nam như thế nào.

Kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao năm 1992, quan hệ song phương trong 29 năm qua đã có những bước phát triển vượt bậc và đáng ghi nhận trên tất cả các lĩnh vực, đặc biệt là kinh tế và giao lưu con người.

Trên bình diện kinh tế, trước hết, kim ngạch thương mại giữa hai nước trong 29 năm đã tăng gấp 140 lần so với thời điểm chúng ta thiết lập quan hệ ngoại giao năm 1992. Đối với Việt Nam, Hàn Quốc là nhà đầu tư lớn nhất, nước đứng thứ hai về cung cấp nguồn vốn ODA và là đối tác thương mại thứ 3. Đối với Hàn Quốc, Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ 4.

Và nếu xét trên lĩnh vực giao lưu con người, số người Hàn Quốc đến Việt Nam là khoảng gần 5 triệu lượt người, số người Việt Nam đến Hàn Quốc vào khoảng 600.000 người.

Tôi cho rằng trên bình diện kinh tế và giao lưu con người chúng ta đã đạt được những tiến triển mà không quốc gia nào có thể sánh kịp.

Có thể nói để đạt được những thành tựu đáng kể như vậy là nhờ hai nước có cơ sở tương đồng về lịch sử, văn hóa, tình cảm song cũng là phải khẳng định là nhờ nỗ lực cũng như vai trò của lãnh đạo hai nước, trong đó có lãnh đạo Quốc hội của chúng tôi.

Tôi rất mong chờ chuyến thăm Hàn Quốc lần này của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ. Tôi đã có hai cuộc gặp trực tiếp và gián tiếp với ngài Chủ tịch Quốc hội. Chúng tôi đã có cuộc hội đàm trực tuyến và sau đó tại Vienna trong khuôn khổ Hội nghị các Chủ tịch Quốc hội thế giới, chúng tôi đã có một cuộc thảo luận trực tiếp.

Ấn tượng đối với cá nhân tôi, Chủ tịch Vương Đình Huệ là người luôn giám sát triển khai những vấn đề chúng tôi đã thảo luận. Tôi cho rằng ông là người rất đáng tin cậy và tôi rất mong muốn được kết bạn.

Trong chuyến thăm Hàn Quốc lần này, chúng tôi mong muốn thảo luận nhằm làm sâu sắc thêm quan hệ hợp tác song phương thông qua việc tăng cường trao đổi giữa các nhà lãnh đạo hai nước, giữa Chủ tịch Quốc hội và giữa các thành viên của hai cơ quan lập pháp hai nước.

Lần này, tôi cũng dự định thảo luận về các vấn đề kinh tế, giao lưu con người, tình hình quốc tế xung quanh Bán đảo Triều Tiên, các vấn đề mà chúng ta sẽ cùng hợp tác trong khu vực châu Á cũng như sự phối hợp các diễn đàn quốc tế.

Tôi rất kỳ vọng vào chuyến thăm Hàn Quốc lần này của Chủ tịch Quốc hội Việt Nam và chúng tôi đang nỗ lực hết sức để chuẩn bị.

Nhân dịp này, tôi xin gửi những lời chúc tốt đẹp nhất tới nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân.

Việt Nam là quốc gia chủ chốt trong Chính sách Hướng Nam mới của Hàn Quốc

Ngài đánh giá thế nào về sự hợp tác giữa nghị viện Việt Nam và Hàn Quốc trong thời gian qua?

Chủ tịch Quốc hội Hàn Quốc Park Byeong-seug: Quan hệ giữa nghị viện hai nước là mối quan hệ rất mật thiết với việc các lãnh đạo Quốc hội của cả hai nước thăm lẫn nhau hầu như hằng năm. Việt Nam là quốc gia duy nhất tôi đến thăm kể từ khi nhậm chức Chủ tịch Quốc hội. Khi tôi đến Việt Nam năm ngoái, tôi được biết tôi là Chủ tịch Quốc hội nước ngoài đầu tiên đến thăm Việt Nam từ khi bùng phát đại dịch COVID-19.

Trước hết, Việt Nam là quốc gia chủ chốt trong Chính sách Hướng Nam mới của Hàn Quốc. Và đây là một quốc gia rất quan trọng trong quan hệ đối tác hợp tác chiến lược.

Thông qua cơ hội này, nhân kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao vào năm tới, chúng ta sẽ thảo luận về vấn đề nâng cấp quan hệ song phương từ quan hệ đối tác hợp tác chiến lược hiện nay lên quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện.

Ngoài ra, lần này, chúng tôi sẽ thảo luận để tìm cách tháo gỡ các vướng mắc đang cản trở thông thương hàng hóa và hoạt động đi lại giữa hai nước; thể chế hóa các quy định về các vấn đề mà chính phủ hai bên đã nhất trí.

Hai bên cũng sẽ thảo luận về những tiến triển trong hợp tác, trao đổi giữa hai nghị viện từ sau cuộc gặp giữa hai Chủ tịch Quốc hội hai nước vào năm ngoái.

Các thành viên Quốc hội hai nước từng tổ chức một trận giao hữu bóng đá, chúng tôi có kế hoạch thúc đẩy chương trình hữu nghị giữa quốc hội hai nước. Trong bối cảnh đó, chúng tôi đã bổ nhiệm một quan chức cấp cao trong đảng cầm quyền giữ chức Chủ tịch Hội nghị sĩ Hữu nghị Hàn-Việt.

Tôi nghĩ rằng với mối quan hệ của hai Quốc hội hiện nay, chúng ta có thể cởi mở chia sẻ ý kiến với tư cách là các chính trị gia về những vấn đề khó khăn mà chính phủ không thể làm được. Trong tương lai, tôi mong muốn có được sự hợp tác chặt chẽ giữa các nhà làm luật của hai nước.

Nâng kim ngạch thương mại song phương lên 100 tỷ USD

Theo ngài, đâu là dư địa để hai nước tiếp tục nâng cao hiệu quả và mở rộng hợp tác trong thời gian tới? 

Chủ tịch Quốc hội Hàn Quốc Park Byeong-seug: Hiện tại, có khoảng 8.000 công ty Hàn Quốc đang hoạt động tại Việt Nam. Các công ty này sử dụng hơn 1 triệu người lao động Việt Nam. Chúng ta đã đặt mục tiêu nâng kim ngạch thương mại song phương lên 100 tỷ USD trong hai năm tới, tức là vào năm 2023.

Để đạt được điều đó, cần phải có hai điều kiện tiên quyết như sau: Một là cần tạo điều kiện cho công dân đi lại tự do hơn, đặc biệt là những nhân lực thiết yếu. Đầu tư và thương mại giữa hai nước muốn tiếp tục phát triển thì cần tạo điều kiện tự do đi lại cho đối tượng nhân lực quan trọng này. Hai là chúng ta cần sẵn sàng trước những diễn biến bất ngờ để ổn định chuỗi cung ứng toàn cầu.

Đặc biệt, Hàn Quốc chúng tôi gần đây đã phải hứng chịu một đòn giáng mạnh vào một ngành công nghiệp chỉ vì một nguyên liệu thô nhỏ. Trong bối cảnh cuộc cạnh tranh gay gắt giữa Mỹ và Trung Quốc, hai nước chúng ta phải làm sao để đối mặt với thách thức nhằm mở rộng và tăng cường hơn nữa hệ thống cung ứng cho nhau. Chúng tôi dự định sẽ thảo luận những vấn đề như vậy tại cuộc gặp lần này.

Như mọi người đã biết, Hàn Quốc là quê hương thứ 2 của khoảng 200.000 người Việt Nam, trong khi đó, khoảng 180.000 người Hàn Quốc đang sinh sống tại Việt Nam. Hai nước chúng ta có khoảng 60.000 gia đình Hàn-Việt. Vì vậy, tôi nghĩ chúng ta sẽ cùng thảo luận về cách thức quan tâm và biện pháp bảo hộ công dân.

Tôi xin nói thêm, trong chuyến thăm Việt Nam năm 2020, các nhà lãnh đạo Việt Nam đã đề nghị mở rộng việc cấp phép để thêm nhiều người Việt Nam có thể sang làm việc tại Hàn Quốc. Về vấn đề này, sau chuyến thăm, Hàn Quốc đã tăng mạnh, khoảng 70%, hạn ngạch lao động nước ngoài. Và trong số những lao động nước ngoài đầu tiên nhập cảnh Hàn Quốc có nhiều lao động Việt Nam.

Sự sáng suốt cao độ của các nhà lãnh đạo Việt Nam

Quốc hội Việt Nam đề xuất hai nội dung gồm: Tăng cường vai trò nghị viện trong thúc đẩy kinh tế số và Phụ nữ, hòa bình, an ninh và hợp tác phục hồi hậu COVID-19. Theo Ngài, đây có phải là những vấn đề cấp thiết đối với khu vực châu Á-Thái Bình Dương không?

Chủ tịch Quốc hội Hàn Quốc Park Byeong-seug: Tôi nghĩ rằng đề xuất của Quốc hội Việt Nam được đưa ra rất đúng lúc. Điều đó thể hiện sự sáng suốt cao độ của các nhà lãnh đạo Việt Nam.

Trước hết, chúng ta có hai nhiệm vụ cần giải quyết đó là làm thế nào để vượt qua cuộc khủng hoảng do đại dịch COVID-19 gây ra và làm thế nào để hoạch định tương lai sau khi đại dịch kết thúc. Hàn Quốc cũng đang thiết lập chiến lược để vượt qua khủng hoảng thông qua chuyển đổi kỹ thuật số và chính sách tăng trưởng xanh.

An ninh và Hòa bình cho phụ nữ là những vấn đề đã được nhấn mạnh tại Hội nghị APPF tổ chức tại Hà Nội 3 năm trước và sẽ được đưa vào nghị quyết tại hội nghị lần này. Việt Nam đề xuất tổng cộng 4 nội dung đều được đưa vào 13 hiệp định sẽ được công bố.

Trong vấn đề phụ nữ, có ý nghĩa hơn cả là vấn đề bình đẳng giới và sự tham gia của phụ nữ trong xã hội và việc Việt Nam và Hàn Quốc cùng đề xuất những vấn đề này trong một nghị quyết càng củng cố thêm ý nghĩa của vấn đề.

Đặc biệt, tai họa trước hết thường rơi vào những người yếu thế. Trong bối cảnh đại dịch COVID-19, các quốc gia khó khăn về kinh tế, phụ nữ và lao động thời vụ là đối tượng chịu tác động đầu tiên.

Đối với phụ nữ, vấn đề là làm thế nào để phục hồi sau khi mất việc làm hoặc bị gián đoạn công việc. Hàn Quốc có chế độ trợ cấp cho các công ty sử dụng nhóm lao động này.

Tăng cường sự hiện diện của phụ nữ, tăng cường sự tham gia của họ, cung cấp việc làm cho phụ nữ và tạo cơ hội cho những phụ nữ đã mất việc đi làm trở lại, nói cách khác, tôi muốn nói rằng bình đẳng giới không chỉ là một nhiệm vụ rất quan trọng, mà còn là một chủ đề thích hợp trong việc vượt qua khủng hoảng hiện tại và thiết kế tương lai.

Xin trân trọng cảm ơn Ngài!

Số lượt đọc: 403
Thông báo