BỘ KẾ HOẠCH VÀ ĐẦU TƯ
CỤC ĐẦU TƯ NƯỚC NGOÀI
TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ ĐẦU TƯ NƯỚC NGOÀI
Thứ Bảy, 21/12/2024
Châu lục, quốc gia
Đo lợi ích và thách thức từ RCEP
Thứ Sáu, 13/11/2020 03:25
Đo lợi ích và thách thức từ RCEP

Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) dự kiến được ký kết trong tuần này tại Hội nghị Cấp cao ASEAN tổ chức trực tuyến tại Hà Nội

Hiệp định thương mại tự do (FTA) có quy mô lớn nhất thế giới này sẽ mở ra nhiều cơ hội cho doanh nghiệp các nước thành viên, trong đó có Việt Nam.

Hội nghị Cấp cao ASEAN được tổ chức trực tuyến tại Hà Nội trong tuần này.

FTA thứ 14 của Việt Nam

 

Được đánh giá là FTA có quy mô lớn nhất thế giới, RCEP sẽ mở ra nhiều cơ hội mới cho các doanh nghiệp các nước ASEAN và 5 quốc gia liên quan (Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia, New Zealand).

 

Theo quy trình phê chuẩn của Quốc hội, nếu ít nhất 6 quốc gia ASEAN và 4 quốc gia không phải thành viên ASEAN phê chuẩn, thì Hiệp định sẽ được thực thi ngay lập tức.

 

Hiệp định RCEP nếu được ký kết và đi vào thực thi sẽ hình thành một khu vực kinh tế lớn nhất từ trước đến nay, với 32% tổng GDP toàn cầu, chiếm 47,5% dân số thế giới.

 

Đánh giá về ý nghĩa của FTA này, bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO thuộc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, RCEP được ký kết và đi vào thực thi sẽ tạo cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu sang 14 thị trường trong khối, với phần lớn người tiêu dùng không quá khó tính (ngoại trừ Nhật Bản, Australia, New Zealand). Nhu cầu đối với các sản phẩm mà Việt Nam có thế mạnh tương đối cao, đặc biệt là nông sản nhiệt đới, thực phẩm chế biến.

 

Đối với Việt Nam, RCEP sẽ giúp mở cửa để nhập khẩu hàng hóa rẻ hơn, đặc biệt là các nguyên vật liệu đầu vào phục vụ sản xuất, bởi chỉ tính riêng ASEAN, nhập khẩu nguyên liệu, thiết bị sản xuất của nước ta hàng năm vượt 30 tỷ USD. Ngoài ra, Việt Nam vẫn đang nhập siêu từ các thị trường lớn như Trung Quốc, Hàn Quốc, với chủ yếu là nguyên liệu đầu vào của các ngành công nghiệp xuất khẩu quan trọng như điện tử, máy tính, dệt may, giày dép, ô tô…

 

Theo Bộ Công thương, năm 2019, nước ta nhập từ ASEAN 32,1 tỷ USD, năm 2020 dự kiến nhập 32,2 tỷ USD, nhập siêu lần lượt là 6,85 và 8,6 tỷ USD.

 

Đồng thời, nguồn nguyên liệu phục vụ sản xuất doanh nghiệp được Việt Nam nhập khẩu từ các nước RCEP cũng sẽ được xem như là nguồn nguyên liệu sản xuất tại Việt Nam khi xuất khẩu sản phẩm sang các nước có ký kết hiệp định song phương, đa phương với Việt Nam.

 

Cơ hội nữa là, với RCEP, doanh nghiệp Việt Nam sẽ tham gia vào chuỗi giá trị và sản xuất khu vực, đồng thời được hưởng lợi từ việc cắt giảm chi phí giao dịch và môi trường kinh doanh thân thiện hơn nhờ hài hòa hóa các quy định hiện hành và áp dụng chung trong các FTA khác nhau của ASEAN.

 

Chính vậy, ông Trần Tuấn Anh, Bộ trưởng Bộ Công thương nhấn mạnh, RCEP là ưu tiên trong chiến lược hội nhập của Việt Nam. Ông cho biết, trong bối cảnh kinh tế khu vực và thế giới đang chịu tác động nặng nề từ đại dịch Covid-19, thì EVFTA có hiệu lực từ đầu tháng 8/2020 và RCEP chuẩn bị ký kết sẽ có tác động tích cực giúp hồi phục và phát triển kinh tế, đồng thời tạo ra một cấu trúc thương mại mới trong khu vực, thúc đẩy tự do hóa.

 

Liệu có lợi ích “dự trữ”?

 

“Nhìn rộng ra, RCEP có thể được đánh giá như một lợi ích “dự trữ” cho doanh nghiệp Việt Nam trước nguy cơ bảo hộ ở các thị trường xuất khẩu lớn khác”, bà Trang nhận định.

 

Đến nay, Việt Nam đã ký nhiều FTA song phương với các nền kinh tế lớn trong RCEP, như FTA với Nhật Bản (VJFTA), với Hàn Quốc (KVFTA) hay FTA với ASEAN (AFTA). Với Australia, New Zealand là CPTPP. Như vậy, khi RCEP được ký kết, các doanh nghiệp trong nước sẽ có thêm lựa chọn sử dụng mẫu C/O theo mỗi FTA một cách phù hợp, nhằm có được mức ưu đãi thuế quan cao nhất trong hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa.

 

Ông Lương Hoàng Thái, Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công thương) cho hay, với một nền kinh tế mà công nghiệp hỗ trợ còn yếu như Việt Nam, RCEP sẽ giúp mở cửa để nhập khẩu hàng hóa rẻ hơn, đặc biệt là các nguyên vật liệu đầu vào phục vụ sản xuất

 

Trước đây, một số mặt hàng của Việt Nam sản xuất sử dụng nguyên liệu từ một trong 5 nước đối tác của ASEAN thì không được hưởng ưu đãi, nhưng với RCEP, vấn đề này sẽ giải tỏa. Bởi điểm mới trong RCEP và được đánh giá có lợi cho nhiều ngành hàng xuất khẩu của Việt Nam là xuất xứ cộng gộp toàn phần. Theo đó, bất cứ giá trị nào được tạo ra bởi thành viên của một nước RCEP đều được coi là giá trị tại nơi sản xuất cuối cùng.

 

Với những cam kết thông thoáng hơn nhiều FTA thế hệ mới khác như CPTPP, EVFTA, doanh nghiệp trong nước kỳ vọng ưu đãi thuế quan sẽ được cải thiện hơn nữa; quy tắc xuất xứ nội khối được hài hòa, dễ đáp ứng hơn; thống nhất trong các quy trình về hải quan, tạo thuận lợi thương mạị; giảm chi phí dưới tác động của mở cửa thị trường dịch vụ phục vụ sản xuất…

 

Tuy nhiên, RCEP không chỉ là màu hồng. Theo đánh giá của Trung tâm WTO, lý do khiến không ít doanh nghiệp trong nước quan ngại là nhiều đối tác trong FTA này có cơ cấu sản phẩm tương tự Việt Nam, có năng lực cạnh tranh mạnh hơn Việt Nam. Các thị trường trong khối cũng có khác biệt lớn về yêu cầu chất lượng hàng hóa và nguy cơ xáo trộn, chuyển hướng thương mại, đặc biệt là ở các thị trường mà các đối tác chưa có FTA chéo.

 

Để khai thác được lợi ích từ mỗi FTA, trong đó có RCEP, các doanh nghiệp phải chủ động tìm hiểu các cam kết trong hiệp định, yêu cầu cụ thể với từng ngành hàng để đầu tư đón lõng thị trường đúng và trúng. Với hàng hóa xuất khẩu, chất lượng, thỏa mãn tiêu chuẩn, xuất xứ nguyên liệu… cần phải được tuân thủ.

 

Khi được ký kết và đi vào thực thi, RCEP sẽ hình thành khu vực kinh tế lớn nhất từ trước đến nay, với GDP chiếm tới 32% tổng GDP toàn cầu, khoảng 32.000 tỷ USD. RCEP, gồm 15 nước thành viên, là hiệp định thương mại tự do lớn nhất thế giới và tác động vượt ra khỏi tầm khu vực. RCEP sẽ tạo ra một không gian phát triển mới cho các nước thành viên ASEAN để có thể phục hồi trong kỷ nguyên Covid-19.

 

Theo baodautu.vn
Số lượt đọc: 3928
Thông báo