Chỉ số Nhà quản trị mua hàng (PMI) của một loạt nước châu Á được công bố hôm thứ 2 vừa qua (3/5) cho thấy hoạt động sản xuất của châu lục này đang được mở rộng, đặc biệt là ở Trung Quốc. Đây là dấu hiệu rất tích cực đối với tăng trưởng của không chỉ châu Á mà đối với toàn thế giới.
Theo nhận định của Tim Condon, chuyên gia kinh tế trưởng và cũng là trưởng bộ phận nghiên cứu về châu Á tại ING, thông điệp chung là châu Á đã vượt qua những gì tồi tệ nhất.
Tuy nhiên, giới phân tích vẫn cảnh báo về những rủi ro từ vách đá tài khóa đang treo lơ lửng và đe dọa kinh tế Mỹ. Condon cũng như nhiều chuyên gia kinh tế đều cho rằng châu Á chắc chắn sẽ bị bị ảnh hưởng tiêu cực bởi cuộc chiến tài khóa ở Mỹ. Tuy nhiên, điều này giống như một “ngọn đồi” hơn là “vực thẳm”.
Frederic Neumann, người phụ trách bộ phận nghiên cứu kinh tế châu Á tại ngân hàng HSBC, cho rằng các quốc gia châu Á phụ thuộc nhiều hơn vào thương mại như Hàn Quốc, Đài Loan, Singapore, Thái Lan và Hồng Kông sẽ bị ảnh hưởng nặng nề nhất nếu nước Mỹ không giải quyết được vách đá tài khóa.
Trong khi đó, nếu kịch bản này xảy ra, Trung Quốc sẽ phải thúc đẩy chi tiêu công cùng với nới lỏng chính sách tiền tệ bằng biện pháp giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc với các ngân hàng thương mại. Các nước còn lại vẫn còn “room” để kích thích tài khóa và cắt giảm lãi suất.
Tuy nhiên, Neumann cũng lưu ý rằng các bước điều chỉnh cần có thời gian để phát huy tác dụng. Do đó, rất có thể các nền kinh tế có qui mô nhỏ hơn trong khu vực sẽ không thể tránh được cú sốc trong quý I của năm 2013. Thanh khoản không thể trở thành bức tường lửa bảo vệ các nước trước lực cầu và niềm tin suy giảm mạnh.
Với chỉ số PMI cao nhất 13 tháng, hầu hết giới phân tích đều tin tưởng rằng nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới sẽ tránh được cú hạ cánh cứng. Tăng trưởng được dự báo sẽ cất cánh trong quý IV.
Các số liệu vừa được công bố cũng cho thấy lực cầu bên ngoài một lần nữa lại đóng vai trò đặc biệt quan trọng với các nền kinh tế châu Á.
Sản xuất của Ấn Độ tăng mạnh nhất trong vòng 5 tháng, phản ánh sự gia tăng trong lượng đơn đặt hàng mới và xuất khẩu. Ở Hàn Quốc, sản xuất vẫn suy giảm tháng thứ 6 liên tiếp nhưng tốc độ đã chậm lại. Xuất khẩu của “xứ sở kim chi” tăng 3,9% so với cùng kỳ năm ngoái.
Tại Indonesia, lượng đơn hàng xuất khẩu lập kỷ lục mới với nhu cầu từ các thị trường châu Á tăng cao. Nhu cầu nội địa giúp hoạt động sản xuất ở Việt Nam tăng trưởng trở lại trong tháng 11 sau 14 tháng suy giảm liên tiếp.
Trong khi đó, chỉ số giá tiêu dùng ở Hàn Quốc, Thái Lan và Indonesia đều giảm, tạo điều kiện thuận lợi cho chính sách cắt giảm lãi suất.