BỘ KẾ HOẠCH VÀ ĐẦU TƯ
CỤC ĐẦU TƯ NƯỚC NGOÀI
TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ ĐẦU TƯ NƯỚC NGOÀI
Thứ Ba, 21/01/2025
Châu lục, quốc gia
RCEP: Cơ hội và bước đi mới
Thứ Hai, 16/11/2020 02:55
RCEP: Cơ hội và bước đi mới

Các đánh giá chi tiết về tác động của Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) đối với kinh tế Việt Nam phải chờ đến sau khi toàn văn Hiệp định được công bố

Tuy nhiên, những đánh giá cho đến nay đều cho thấy, RCEP sẽ mang lại những lợi ích đáng kể cho Việt Nam.

 

 

Ngay từ năm 2018, Ngân hàng Thế giới (WB) đã tính toán, trong trường hợp năng suất tăng bình thường, RCEP có thể làm GDP và xuất khẩu của Việt Nam tăng tương ứng 0,4% và 3,6% so với trường hợp không có RCEP. Nếu có thêm nỗ lực cải cách để kích thích tăng năng suất, lợi ích của Việt Nam từ RCEP sẽ lớn hơn, GDP và xuất khẩu có thể tăng tương ứng 1,0% và 4,3% so với trường hợp không có RCEP.

 

Cũng phải nói thêm, nhiều nghiên cứu đánh giá tác động đều cho thấy, lợi ích từ RCEP đối với Việt Nam dường như nhỏ hơn so với Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Tuy nhiên, đánh giá này bỏ qua một thực tế là ASEAN (và Việt Nam) đã có hiệp định thương mại tự do riêng với các nước đối tác như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia và New Zealand.

 

Có nghĩa là, “góp nhặt” những điểm phần trăm tăng trưởng có thêm từ RCEP vẫn sẽ thực sự có giá trị đối với Việt Nam trong quá trình phục hồi kinh tế hậu Covid-19.

 

Bên cạnh đó, RCEP có thể giúp củng cố mạng sản xuất gắn với các nước ASEAN và các đối tác. Cần lưu ý, 6/10 đối tác đầu tư lớn nhất vào Việt Nam, tính đến ngày 20/09/2020, là các thành viên RCEP. Cụ thể là Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore, Trung Quốc, Malaysia và Thái Lan. Theo đó, các doanh nghiệp Việt Nam và các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài cũng sẽ có thêm động lực để cải thiện liên kết với nhau.

 

Quy mô lớn từ các công đoạn trong chuỗi giá trị RCEP sẽ buộc các doanh nghiệp Việt Nam phải đổi mới chiến lược kinh doanh, gắn với hiểu biết sâu sắc hơn về cạnh tranh trong môi trường kinh doanh rất “châu Á”. Đó không chỉ liên quan tới cạnh tranh về giá và chất lượng, mà còn ở những khía cạnh khác như đúng thời điểm, lợi ích kinh tế nhờ quy mô, thiết lập được kênh phân phối phù hợp, uy tín của doanh nghiệp... Cần lưu ý, những nội dung cam kết về thương mại điện tử của RCEP có thể tạo thêm cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam trong quá trình chuyển đổi số hậu Covid-19.

 

Ngay cả trước RCEP, doanh nghiệp Việt Nam đã có thể tìm hiểu, cân nhắc yêu cầu và khả năng tận dụng một loạt hiệp định thương mại tự do khác với mức độ ưu đãi thuế quan, quy tắc xuất xứ khác nhau. Dù chưa có nội dung toàn văn, có thể tin rằng, RCEP sẽ bổ sung lựa chọn cho doanh nghiệp. Điều này cũng nhất quán với tư duy và cách tiếp cận cải cách của Việt Nam trong nhiều năm qua, đó là hướng tới tạo dựng thêm không gian kinh tế và lựa chọn cho doanh nghiệp.

 

Tóm lại, cho tới thời điểm này, thời gian từ khi bắt đầu đàm phán đến khi ký kết RCEP đối với Việt Nam là hơn 7 năm, tương đương thời gian từ khi chính thức tham gia đến khi ký kết CPTPP (từ tháng 11/2010 đến tháng 3/2018) và thời gian từ khi khởi động đàm phán đến khi ký kết Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (từ tháng 6/2012 đến tháng 6/2019). Một điều “thú vị” nữa là cả CPTPP và RCEP đều vượt qua những thời điểm khó khăn cuối cùng khi Việt Nam là chủ nhà của những sự kiện lớn. Với CPTPP là chủ nhà APEC năm 2017 và RCEP là năm ASEAN 2020.

 

Sức sống của RCEP sau một thời gian dài đàm phán ít nhiều khẳng định ý nghĩa kinh tế trực tiếp của Hiệp định. RCEP kết thúc đàm phán và tiến tới ký kết đồng nghĩa với một khởi đầu mới cho những nỗ lực chuẩn bị phê chuẩn và thực hiện. Sẽ còn nhiều thảo luận chi tiết hơn, không chỉ về những cơ hội, mà còn cả những thách thức và yêu cầu chuẩn bị đối với nền kinh tế và doanh nghiệp Việt Nam. Bản thân các thị trường trong RCEP cũng ngày một “khắt khe” hơn, đặc biệt là trong bối cảnh Covid-19. Từ các kinh nghiệm trước đó, Việt Nam có thể lồng ghép thực hiện RCEP hiệu quả trong bối cảnh mới hậu Covid-19.

 

Tham gia và thúc đẩy RCEP, tạo thêm cơ hội cho doanh nghiệp chỉ là một điều kiện cần. Tổ chức dồn dập các hội thảo phổ biến thông tin, tập huấn cho các cán bộ, công chức và doanh nghiệp hay xây dựng các kế hoạch hành động là cần thiết, nhưng cũng chưa đủ.

 

Sự tích cực và chủ động của các cơ quan Việt Nam trong những quá trình này là đáng ghi nhận, nhưng cần “kết dính” hơn nữa với nỗ lực gia tăng nhận thức, đồng thuận và tổ chức thực hiện của cộng đồng doanh nghiệp, để RCEP tiếp tục là một hình mẫu “từ ý tưởng tới thực hiện”.

Theo baodautu.vn
Số lượt đọc: 6390
Thông báo