BỘ KẾ HOẠCH VÀ ĐẦU TƯ
CỤC ĐẦU TƯ NƯỚC NGOÀI
TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ ĐẦU TƯ NƯỚC NGOÀI
Thứ Tư, 22/01/2025
Châu lục, quốc gia
Đợt bùng dịch COVID-19 mới gây tổn hại nặng nề đến sản xuất Đông Nam Á
Thứ Ba, 07/09/2021 10:18
Đợt bùng dịch COVID-19 mới gây tổn hại nặng nề đến sản xuất Đông Nam Á

Tại Malaysia, phần lớn doanh nghiệp sản xuất đã bị yêu cầu phải giảm công suất hoạt động trừ khi họ đã tiêm đủ vắc xin COVID-19 cho ít nhất 80% người lao động.

Hoạt động sản xuất của các nhà máy khắp châu Á suy giảm trong tháng 8/2021, tình trạng lây nhiễm COVID-19 tồi tệ hơn không khỏi gây ra những gián đoạn trong chuỗi cung ứng đồng thời cho thấy những nỗi lo lắng về khả năng kinh tế châu Á chững lại đã trở thành sự thật, theo thông tin được Bloomberg đăng tải.

Các chỉ số về hoạt động sản xuất suy giảm mạnh khắp các nền kinh tế lớn của châu Á, một phần bởi các biện pháp phong tỏa do đại dịch COVID-19, tình trạng tắc nghẽn ở cảng cũng như chi phí đầu vào tăng cao gây ảnh hưởng tiêu cực đến sản xuất.

Ngoài ra, cũng có nhiều dấu hiệu cho thấy nhu cầu của toàn cầu đối với hàng hóa châu Á đã đi ngang còn người tiêu dùng phương Tây trong khi đó thắt chặt chi tiêu.

Một số nhà máy tại Việt Nam đã phải đóng cửa hoặc giảm quy mô lực lượng lao động trong bối cảnh làn sóng bùng dịch mới nhất hết sức tệ hại. Tại Malaysia, phần lớn doanh nghiệp sản xuất đã bị yêu cầu phải giảm công suất hoạt động trừ khi họ đã tiêm đủ vắc xin COVID-19 cho ít nhất 80% người lao động.

Trong tháng trước, Trung Quốc đã đóng cửa một phần khu vực cảng đông đúc thứ 3 trên thế giới dù rằng cảng này đến thời điểm này đã hoạt động trở lại.

Tại Trung Quốc, chỉ số của lĩnh vực sản xuất tư nhân (Caixin China) đo lường hoạt động sản xuất của các doanh nghiệp sản xuất nhỏ, trong tháng 8/2021 đã suy giảm lần đầu tiên tính từ khi kinh tế Trung Quốc bắt đầu phục hồi vào tháng 4/2020. Chỉ số này giảm xuống mức 49,2 điểm trong tháng 8 từ mức 50,3 điểm trong tháng 7/2021. Ngưỡng dưới 50 cho thấy sự suy giảm.

Kết quả sản xuất suy giảm mạnh hơn kỳ vọng được công bố sau khi trước đó trong tuần, một quan chức chính phủ Trung Quốc công bố chỉ số chính thức của toàn ngành sản xuất Trung Quốc giảm xuống mức 50,1 trong tháng 8/2021 và thấp nhất trong 18 tháng.

Hoạt động sản xuất khắp các nước Đông Nam Á trong tháng 8/2021 giảm so với tháng trước đó. Sản xuất tại Myanmar và Việt Nam sụt giảm mạnh nhất, theo kết quả khảo sát mới nhất của IHS Markit.

Chỉ số PMI của 7 nước trong khu vực Đông Nam Á giảm đến tháng thứ 3 liên tiếp xuống mức 44,5 điểm. Chỉ số của ngành sản xuất Việt Nam tháng 8/2021 rơi xuống mức 40,2 điểm – thấp nhất tính từ tháng 4/2020.

Trong khi tình hình ngành sản xuất tại Hàn Quốc tiếp tục tốt lên, chỉ số của sản lượng rơi xuống dưới ngưỡng 50 điểm lần đầu tiên trong 1 năm trong bối cảnh nguyên liệu thiếu hụt và thời gian giao hàng bị kéo dài.

Tình trạng sản xuất suy giảm tại châu Á không khỏi tiềm ẩn những khó khăn với các bên đã nhiều năm qua quen tiêu thụ các sản phẩm tại châu Á ví như đồ chơi hay các sản phẩm bán dẫn. Khi mà nhiều nhà máy chật vật duy trì đủ nhân lực cho sản xuất, sẽ khó để cung cấp đủ hàng cho bên mua, áp lực lạm phát vì vậy sẽ tăng cao hơn nữa.

Chuyên gia kinh tế tại Capital Economics ở Singapore, ông Alex Holmes, nhận xét: “Tình trạng gián đoạn do virus không khỏi ảnh hưởng xấu đến chuỗi cung ứng của nhiều sản phẩm trên toàn cầu”. Cũng theo ông Holmes, nhiều nước Đông Nam Á cung cấp nhiều loại hàng hóa tiêu dùng ngay như sản phẩm hàng điện tử hoặc ô tô.

Theo Nhịp sống doanh nghiệp
Số lượt đọc: 2143
Thông báo