BỘ KẾ HOẠCH VÀ ĐẦU TƯ
CỤC ĐẦU TƯ NƯỚC NGOÀI
TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ ĐẦU TƯ NƯỚC NGOÀI
Thứ Sáu, 06/12/2024
Châu lục, quốc gia
Tình hình đầu tư nước ngoài của các đối tác của Việt Nam
Chủ Nhật, 20/11/2022 03:01
Tình hình đầu tư nước ngoài của các đối tác của Việt Nam

Cập nhật thông tin sơ bộ từ các tổ chức, chuyên gia quốc tế, triển vọng tăng trưởng kinh tế và tình hình ĐTNN của một số đối tác lớn của Việt Nam trong năm 2023 được dự báo như sau:

1. Hoa Kỳ

Trước áp lực lạm phát gia tăng cùng nguy cơ suy thoái kinh tế toàn cầu tiềm ẩm, IMF dự báo nền kinh tế Hoa Kỳ sẽ tăng trưởng 1,4% trong năm 2023, và sẽ đối diện với nhiều thách thức trong trung hạn. Theo đó, việc chính quyền Tổng thống Biden tiếp tục áp dụng chính sách tiền tệ thắt chặt cùng nhiều biện pháp kiểm soát lạm phát khác cũng sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến khả năng tiếp cận nguồn vốn giá rẻ của các doanh nghiệp Hoa Kỳ, qua đó ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động ĐTRNN của Hoa Kỳ nói chung.

Về ĐTNN, năm 2023, UNCTAD dự báo Hoa Kỳ sẽ tiếp tục đứng đầu thế giới về thu hút ĐTNN với vốn đăng ký ước đạt khoảng 300 tỉ USD và chiếm từ 17,5 đến 18,2% tổng vốn ĐTNN toàn cầu. Ở chiều ngược lại, dòng vốn ĐTRNN của Hoa Kỳ mặc dù đã phục hồi so với mức trước đại dịch, nhưng đang có xu hướng tập trung vào các lĩnh vực kinh tế số, công nghệ và hoạt động M&A hơn là đầu tư mới.

2. Hàn Quốc

Năm 2023, tăng trưởng GDP của Hàn Quốc dự báo đạt khoảng 1,6 – 1,7%, thấp hơn đáng kể so với mức tăng trưởng 2,6% của năm 2022. Theo đó, việc giá nguyên vật liệu tăng đột biến, đồng Won mất giá cùng sự lệ thuộc vào nguồn năng lượng nhập khẩu cũng đã và đang ảnh hưởng tiêu cực đến sự ổn định của nền kinh tế Hàn Quốc nói chung.

Về ĐTNN, vốn ĐTNN đăng ký vào Hàn Quốc năm 2022 đạt 30,45 tỷ USD, tăng 3,2% so với năm 2021, và chủ yếu tập trung vào ngành công nghệ chế tạo. Ở chiều ngược lại, dòng vốn ĐTRNN của Hàn Quốc năm 2022 đạt 16,6 tỷ USD, giảm 5% so với cùng kỳ năm 2021 và ghi nhận 03 quý giảm liên tiếp sau khi đạt mức kỷ lục vào Quý IV/2021.

Theo Yonhap News (hãng thông tấn xã lớn của Hàn Quốc), kết quả khảo sát của Hiệp hội Ngoại thương Hàn Quốc (KITA) cho biết, trong 1.327 công ty Hàn Quốc có doanh thu ở nước ngoài trên 500.000 USD trong năm 2022, 47% dự báo triển vọng kinh doanh trong năm 2023 theo hướng tiêu cực, trong khi chỉ 16,9% dự báo tình hình kinh doanh sẽ cải thiện theo hướng tích cực. Theo đó, 29,5% công ty quyết định cắt giảm các khoản đầu tư trong nước; 27,5% dự định giảm đầu tư ở nước ngoài. Đối với các công ty có quy mô lớn, 43% cho biết sẽ thu hẹp quy mô đầu tư cả trong và ngoài nước. Đáng chú ý, 45% doanh nghiệp trong lĩnh vực bán dẫn dự định cắt giảm đầu tư mới trong năm 2023.

Đại diện KITA đánh giá việc các tập đoàn lớn giảm đầu tư có thể tác động tiêu cực đến hoạt động xuất khẩu và năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp Hàn Quốc trên trường quốc tế. Do đó, KITA cho rằng cần nhanh chóng thực thi công cụ thuế và các biện pháp khác nhằm bình ổn tâm lý của nhà đầu tư. Hàn Quốc đang chứng kiến động lực xuất khẩu yếu đi và thâm hụt thương mại gia tăng trong những tháng gần đây do giá năng lượng cao, đứt gãy chuỗi cung ứng và tăng trưởng kinh tế toàn cầu chậm lại do các chính sách thắt chặt tiền tệ.

3. Nhật Bản

Năm 2023, Nhật Bản được dự báo tăng trưởng khoảng 1,8%, cao hơn mức 1,3% ước tính của năm 2022. Tuy nhiên, Nhật Bản đang đối diện với áp lực lạm phát do giá nguyên liệu nhập khẩu gia tăng và xu hướng đồng Yen mất giá. Theo đó, lạm phát tăng sau nhiều thập kỷ giảm phát đang đặt các doanh nghiệp Nhật Bản trước sức ép phái trả lương cao hơn cho người lao động để bù đắp cho việc chi phí sinh hoạt tăng cao[1], dẫn đến nguy cơ thâm hụt nguồn lực phục vụ cho hoạt động đầu tư.

Về đầu tư, Nhật Bản tiếp tục là quốc gia đầu tư ròng ra nước ngoài, với vốn ĐTRNN năm 2021 đạt 146,7 tỉ USD, tăng 53,4% so với cùng kỳ năm 2020, nhưng chỉ đạt 63,1% của mức kỷ lục trong năm 2019. Việc Chính phủ Nhật Bản duy trì chính sách phòng, chóng dịch bệnh thân trọng, cùng việc các doanh nghiệp, tập đoàn lớn của Nhật Bản tiếp tục giữ quan điểm bảo thủ trong quá trình nghiên cứu, triển khai hoạt động đầu tư mới đang tiếp tục ảnh hưởng đến vị thế của Nhật Bản trên thị trường đầu tư toàn cầu.[2]

4. Đài Loan

Năm 2023, S&P dự báo kinh tế Đài Loan sẽ tăng trưởng khoảng 1,5%, giảm đáng kể so với mức 2,5% ước tính của năm 2022. Trong đó, hoạt động xuất khẩu của Đài Loan tiếp tục chịu nhiều áp lực do nhu cầu tiêu dung toàn cầu giảm, đặc biệt là đối với mặt hàng điện, điện tử.

Về ĐTNN, năm 2022, vốn ĐTNN đăng ký vào Đài Loan ước đạt 13,3 tỷ USD, tăng 246% so với cùng kỳ bất chấp căng thẳng địa chính trị trong khu vực gia tăng. Trong đó, vốn đầu tư chủ yếu tập trung vào những lĩnh vực công nghiệp chế tạo, công nghệ công nghệ cao, năng lượng tái tạo. Về đối tác (không bao gồm Trung Quố và các quần đảo thuộc địa Anh tại khu vực Trung Mỹ và Ca-ri-bê), Nhật Bản là nhà đầu tư lớn nhất vào Đài Loan với tổng vốn đầu tư đạt 1,7 tỷ USD (chiếm 12,7% tổng vốn đầu tư). Về ĐTRNN, chính quyền Tổng thống Thái Anh Văn tiếp tục triển khai chính sách “Hướng Nam mới” (NSP), tăng tốc chuyển hoạt động sản xuất sang nước thứ ba (chủ yếu tại khu vực Đông Nam Á) nhằm giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc.

5. Liên minh châu Âu

Năm 2023, tăng trưởng GDP của khối EU dự kiến đạt 0,8%, lạm phát dự kiến tăng 6,4% do căng thẳng địa chính trị, khủng hoảng năng lượng và tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng tiếp tục diễn biến phức tạp.[3] Tuy nhiên, một số chuyên gia nhận định EU đã vượt qua giai đoạn khó khăn nhất của khung hoảng, đặc biệt là khi giá khí đốt đã giảm dưới mức trước xung đột, trong khi triển vọng đầu tư, thị trường tiêu dùng và thị trường lao động có nhiều chuyển biến khởi sắc[4].

Về ĐTNN, vốn ĐTNN đăng ký vào EU có xu hướng phục hồi trong những tháng cuối năm 2022 sau khi giảm mạnh trong Quý II/2022 (đặc biệt trong lĩnh vực công nghệ, trong đó vốn ĐTNN vào Đức 10 tháng đầu năm 2022 ước đạt 78 tỷ USD, Hà Lan 62 tỷ USD, Pháp 44 tỷ USD. Về ĐTRNN, doanh nghiệp EU tiếp tục ưu tiên đầu tư trong nước để hưởng lợi từ các chính sách khuyến khích quay về nước của Chính phủ, với hoạt động đầu tư chủ yếu tập trung vào các ngành, lĩnh vực phục vụ chiến lược củng cố chuỗi cung ứng hướng tới tự chủ chiến lược như năng lượng, công nghiệp chế tạo, công nghệ số, hàng không[5], v.v.

6. Trung Quốc

Năm 2023, IMF dự báo GDP Trung Quốc tăng trưởng 3,8% và sẽ duy trì mức tăng trưởng khoảng 4% mỗi năm đến năm 2027. Theo đó, các chuyên gia nhận định Trung Quốc đang đứng trước nhiều thách thức có khả năng ảnh hưởng đến triển vọng tăng trưởng kinh tế dài hạn gồm: (i) già hóa dân số, (ii) tăng trưởng năng suất lao động giảm, (iii) chi phí nhân công tăng, (iv) căng thẳng địa chính trị, (v) cạnh tranh chiến lược trong lĩnh vực công nghệ.[6]

Về ĐTNN, năm 2022, Trung Quốc ghi nhận mức ĐTNN cao nhất trong nhiều năm tính theo vốn đăng ký đầu tư, chủ yếu tập trung vào sản xuất và dịch vụ công nghệ cao. Tuy nhiên, xét theo số dự án, cả số lượng dự án đầu tư mới và đầu tư M&A đều giảm đáng kể, trải đều ở mọi ngành, lĩnh vực. Theo nhận định của một số chuyên gia, vị thế dẫn đầu của Trung Quốc trong chuỗi sản xuất, cung ứng toàn cầu đang dần bị ảnh hưởng do nhiều mặt hạn chế về thể chế. Theo đó, một số tập đoàn lớn đã tuyến bố kế hoạch dịch chuyển sản xuất nhằm giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc trong thời gian tới.

Về ĐTRNN, vốn ĐTRNN của Trung Quốc đến các nước ASEAN đã tăng đáng kể trong giai đoạn vừa qua, đến nay chiếm gần 40% tống vốn ĐTNN của khu vực ASEAN (so với mức 10% của năm 2015). Xu hướng này cho thấy chuỗi cung ứng Trung Quốc – ASEAN đang dần được tái thiết lập theo một trật tự mới, với việc Trung Quốc đang đóng vai trò chủ lực trong xuất khẩu linh kiện đến các nước ASEAN phục vụ lắp rắp các mặt hàng xuất khẩu đến thị trường tiêu dùng toàn cầu thay vì như ngược lại trong giai đoạn trước.

7. Các nước Đông Nam Á

Năm 2022, vốn ĐTNN vào khu vực ASEAN tiếp tục ổn định sau khi đạt mức tăng kỷ lục vào năm 2021 (175 tỷ USD, tăng 42% so với năm 2020) như Singapore (vốn ĐTNN đăng ký 9 tháng đầu năm 2022 ước đạt 77 tỷ USD), Indonesia (vốn ĐTNN năm 2022 đạt 45,6 tỷ USD). Dự báo năm 2023, vốn ĐTNN vào các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển tại khu vực châu Á sẽ tăng 4,9%.[7]

Tại Singapore, vốn ĐTNN năm 2021 đạt 100 tỷ USD và được dự báo sẽ tiếp tục tăng, chủ yếu tập trung vào những lĩnh vực như công nghệ, điện tử, dược, và dịch vụ. Đồng thời, với vai trò là trung tâm tài chính của khu vực, Singapore sẽ tiếp tục đóng vai trò quan trọng là điểm trung chuyển dòng vốn đầu tư từ các nước phát triển đến các nước khác trong khu vực ASEAN, đặc biệt là đối với hoạt động M&A.

Tại Indonesia, vốn ĐTNN năm 2022 đạt 45,6 tỷ USD, tăng 44,2 so với năm 2021. Theo đó, ngay cả trong đại dịch, chính quyền Tổng thống Joko Widodo đã đẩy mạnh ký kết các thỏa thuận nhằm thúc đẩy đầu tư song phương với một số đối tác lớn trong khu vực như Trung Quốc, Hàn Quốc trong các ngành, lĩnh vực chiến lược như sản xuất ô tô, pin, nghiên cứu và phát triển,…

Tại Thái Lan, vốn ĐTNN đăng ký năm 2022 đạt 12,6 tỷ USD, giảm nhẹ so với cùng kỳ năm 2021 và tập trung chủ yếu tại các ngành điện, điện tử, sản xuất ô tô điện, trung tâm dữ liệu. Tuy nhiên, với việc Trung Quốc đã mở cửa lại biên giới, triển vọng thu hút ĐTNN của Thái Lan trong năm 2023 được dự báo sẽ có nhiều chuyển biến tích cực đặc biệt là từ các dự án triển khai sáng kiến “Vành đai, con đường” và hoạt động đầu tư mới trong những lĩnh vực như y tế, du lịch, cùng một số lĩnh vực tiềm năng như tiền ảo, công nghệ tài chính, blockchain, AI,…[8]



[1] https://vneconomy.vn/lam-phat-leo-thang-nhat-ban-thuc-tinh-sau-30-nam-luong-khong-tang.htm

[2] Năm 2021, tổng vốn ĐTRNN của Nhật Bản chỉ chiếm 8,5% tổng vốn ĐTRNN toàn cầu, thấp hơn đáng kể so với mức 15,4% của năm 2018 và 20,7% trong năm 2019.

[3] https://economy-finance.ec.europa.eu/economic-forecast-and-surveys/economic-forecasts/winter-2023-economic-forecast-eu-economy-set-avoid-recession-headwinds-persist_en

[4] Tháng 12/2022, tỉ lệ thất nghiệp của khối EU đạt 6,1%, mức thấp nhất trong lịch sử. Trong khi đó, việc nhiều quốc gia đã ký kết được các hợp đồng mua bán khí đốt dài hạn mới, cũng như đa dạng hóa nguồn cung năng lượng để giảm lệ thuộc vào khí đốt của Nga đã góp phần giam thiểu áp lực lên thị trường năng lượng EU.

[5] Hiện nay, Pháp đang triển khai chiến lược “Sản xuất tại Pháp” với các ngành có giá trị gia tăng cao như công nghệ số, hàng không, ô tô, …

[6] https://vneconomy.vn/kinh-te-giam-toc-muc-tieu-thu-nhap-cua-trung-quoc-dang-tro-nen-xa-voi.htm

[7] https://www.aseanbriefing.com/news/asean-economic-outlook-2023/

[8] https://www.prnewswire.com/in/news-releases/thailand-2022-investment-pledges-up-39-to-usd20-billion-helped-by-fdi-flows-in-electronics-ev-data-centers-301721247.html

Theo Cục ĐTNN
Số lượt đọc: 8691
Thông báo