BỘ KẾ HOẠCH VÀ ĐẦU TƯ
CỤC ĐẦU TƯ NƯỚC NGOÀI
TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ ĐẦU TƯ NƯỚC NGOÀI
Thứ Ba, 21/01/2025
Châu lục, quốc gia
Hướng đến kỷ niệm 50 năm thiết lập mối quan hệ ngoại giao Việt Nam – Nhật Bản: Nhìn lại chặng đường hợp tác về đầu tư
Thứ Sáu, 01/07/2022 04:48
Hướng đến kỷ niệm 50 năm thiết lập mối quan hệ ngoại giao Việt Nam – Nhật Bản: Nhìn lại chặng đường hợp tác về đầu tư

Trong suốt chặng đường vừa qua, các nhà đầu tư Nhật Bản luôn là người bạn đồng hành cùng Việt Nam trên mọi mặt. Đây là nền tảng quan trọng để tiếp tục phát triển mối quan hệ hợp tác giữa hai nước, hướng đến kỷ niệm 50 năm thiết lập mối quan hệ ngoại giao Việt Nam – Nhật Bản.

Ngày 23 tháng 6 năm 2022 vừa qua, tỉnh Vĩnh Phúc đã phối hợp với Bộ Ngoại giao, Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam và Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO) tổ chức thành công “Hội nghị Vĩnh Phúc trong kết nối hợp tác và phát triển Việt Nam – Nhật Bản” năm 2022 tại Thành phố Vĩnh Yên (Vĩnh Phúc) bằng hình thức trực tiếp và trực tuyến. Hội nghị là sự kiện quan trọng thực hiện Chương trình Đối ngoại và Xúc tiến đầu tư năm 2022 của tỉnh Vĩnh Phúc, hướng tới kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam – Nhật Bản (21/9/1973 – 21/9/2023). Trong khuôn khổ hội nghị, Lãnh đạo tỉnh Vĩnh Phúc, Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam, đại diện các cơ quan trung ương, lãnh đạo một số doanh nghiệp, địa phương của Nhật Bản đã có những phát biểu quan trọng về tình hình thu hút đầu tư từ Nhật Bản trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc và một số phương hướng thúc đẩy hợp tác đầu tư Việt Nam – Nhật Bản trong giai đoạn đến.

Không lâu sau đó, vào ngày 25 tháng 6 năm 2022, thành phố Đà Nẵng đã tổ chức thành công Diễn đàn đầu tư Đà Nẵng 2022 với sự tham dự của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, đại diện các Bộ, Ban, ngành Trung ương, lãnh đạo Thành phố, cơ quan đại diện các nước, tổ chức quốc tế, các doanh nghiệp, nhà đầu tư trong nước và quốc tế. Trong khuôn khổ Diễn đàn, Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam Yamada Takio đã đánh giá cao sự hỗ trợ của Chính phủ Việt Nam, Thành phố Đà Nẵng trong thu hút các nhà đầu tư Nhật Bản đầu tư tại Việt Nam, đặc biệt là trong lĩnh vực công nghệ cao, công nghệ thông tin. Về phía Việt Nam, lãnh đạo Chính phủ và Thành phố Đà Nẵng đánh giá cao sự đồng hành của Nhật Bản trong quá trình phát triển môi trường đầu tư, kinh doanh của Việt Nam, đồng thời cam kết sẽ tiếp tục tiếp thu, hỗ trợ và phối hợp cùng các nhà đầu tư Nhật Bản trong quá trình đầu tư tại Việt Nam.

Mối quan hệ hợp tác đầu tư Việt Nam – Nhật Bản

Nhìn lại chặng đường vừa qua, có thể thấy rằng mối quan hệ hợp tác về đầu tư Việt Nam – Nhật Bản đã đạt được nhiều thành công nhất định. Tính đến ngày 20/6/2022, các nhà đầu tư Nhật Bản có 4.878 dự án còn hiệu lực tại Việt Nam với hơn 65 tỷ USD vốn đăng ký. Quy mô dự án trung bình đạt 13,3 triệu USD, cao hơn mức trung bình của cả nước là khoảng 12,1 triệu USD. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo là ngành có tỉ trọng lớn nhất, chiếm 64,6% tổng vốn đầu tư. Tiếp đến là các ngành kinh doanh bất động sản với 104 dự án và hơn 7,5 tỷ USD vốn đăng ký, chiếm 11,6% tổng vốn đầu tư. Thứ ba là ngành sản xuất, phân phối điện, khí với 19 dự án và hơn 7,4 tỷ USD vốn đăng ký, chiếm 11,4% tổng vốn đăng ký của các nhà đầu tư Nhật Bản. Tiếp theo là các ngành: bán buôn và bản lẻ, xây dựng, khai khoáng.

Phân chia theo địa phương, các nhà đầu tư Nhật Bản đã đầu tư vào 56/63 tỉnh, thành phố. Trong đó, Thanh Hóa chiếm tỉ trọng cao nhất với 18 dự án và hơn 12,5 tỷ USD vốn đăng ký, chiếm 19,2% tổng vốn đầu tư đăng ký. Đứng thứ hai là thành phố Hà Nội với 1.425 dự án và 10,7 tỷ USD vốn đăng ký, chiếm 16,4% tổng vốn đăng ký. Thứ ba là tỉnh Bình Dương với 332 dự án và 5,8 tỷ USD vốn đăng đầu tư, chiếm 9% tổng vốn đầu tư đăng ký.

Về một số dự án tiêu biểu. Dự án lớn nhất của Nhật Bản Việt Nam là Dự án Công ty TNHH Lọc hóa dầu Nghi Sơn tại tỉnh Thanh Hóa với tổng vốn đăng ký đạt 9 tỷ USD với mục tiêu sản xuất dầu mỏ tinh chế, hóa chất cơ bản, plastic, bán buôn xăng dầu. Đứng thứ hai là Dự án Thành phố Thông minh tại thành phố Hà Nội với tổng vốn đầu tư đăng ký là 4,1 tỷ USD. Thứ ba là dự án đầu tư xây dựng nhà máy nhiệt điện BOT Nghi Sơn 2 với tổng vốn đầu tư đăng ký gần 2,8 tỷ USD và mục tiêu thiết kế, xây dựng, vận hành và chuyển giao một nhà máy nhiệt điện đốt than, công suất thuần khoảng 1.200 MW.

Có thể thấy, cho đến nay, các nhà đầu tư Nhật Bản đã đầu tư vào hầu hết các ngành, lĩnh vực kinh tế và địa phương của Việt Nam. Sự tham gia sâu rộng và đa dạng của các nhà đầu tư Nhật Bản được thể hiện rõ nét qua sự đa dạng về ngành, lĩnh vực và quy mô dự án qua thời gian. Ở giai đoạn đầu tiên sau khi Việt Nam mở cửa, các nhà đầu tư chủ yếu là các tập đoàn lớn, tập đoàn đa quốc gia, tập trung vào những ngành công nghiệp nặng, khai thác khoáng sản, hoạt động kinh doanh bất động sản. Tuy nhiên, sau khi làn sóng đầu tư đầu tiên bắt đầu gặt hái được nhiều thành công nhất định, các doanh nghiệp nhỏ và vừa đã bắt đầu tham gia đầu tư vào thị trường Việt Nam, đặc biệt là các lĩnh vực mới như công nghiệp phụ trợ, công nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Gần đây, các nhà đầu tư trong lĩnh vực sản xuất chip bán dẫn, công nghệ thông tin, công nghệ cao cũng đã bắt đầu xuất hiện, báo hiệu cho một làn sóng đầu tư mới của Nhật Bản vào Việt Nam.

Nhìn lại lịch sử, các nhà đầu tư Nhật Bản đã đến Việt Nam từ trước khi Việt Nam có Luật đầu tư. Thậm chí, ngay từ trước khi Mỹ xóa bỏ cấm vận cho Việt Nam, đã có doanh nghiệp Nhật Bản tới đầu tư tại Việt Nam dưới danh nghĩa công ty liên doanh, trong khi Nhật Bản đã bắt đầu nối lại viện trợ ODA cho Việt Nam từ tháng 11/1992. Mặc dù chưa có số lượng dự án hay vốn đăng ký cao nhất, các nhà đầu tư Nhật Bản luôn rất cẩn trọng, nghiêm túc, chuẩn mực, quan tâm tới người lao động, chu đáo trong lĩnh vực an sinh xã hội. Về mối quan hệ với chính quyền, xuyên quãng thời gian này, các nhà đầu tư Nhật Bản luôn tích cực đồng hành cùng Chính phủ, chính quyền địa phương trong nghiên cứu và triển khai các dự án đầu tư, cũng như là góp ý xây dựng và hoàn thiện thể chế về đầu tư, kinh doanh. Ngoài ra, các nhà đầu tư, chuyên gia Nhật Bản tại Việt Nam đã từng bước hình thành nhiều cộng đồng, hội, nhóm, tổ chức xã hội tại nhiều địa phương khác nhau, trong đó cộng động người Nhật Bản luôn được đánh giá là hài hòa, có nhiều đóng góp cho cộng đồng, gắn kết với con người, đất nước Việt Nam.

Trong bối cảnh Việt Nam đang đẩy mạnh thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài có chọn lọc và tập trung công nghiệp hóa, đẩy mạnh phát triển khu vực kinh tế tư nhân trong nước, đây là những yếu tố cấu quan trọng, góp phần giúp Việt Nam đạt được mục tiêu này.

Những khó khăn, thách thức

Tuy nhiên, trong bối cảnh thế giới đang đứng trước nhiều biến động khó lượng, mối quan hệ hợp tác đầu tư Việt Nam – Nhật Bản dự kiến sẽ gặp nhiều khó khăn, thách thức nhất định. Trong đó, việc giá dầu, giá hàng hóa và nguyên liệu sản xuất tăng cao đang làm giảm đi nhu cầu thực hiện những dự án đầu tư mới. Ngoài ra, suy thoái kinh tế toàn cầu và việc nền kinh tế Nhật Bản đang đứng trước nhiều khó khăn nhất định đang giảm nhu cầu tiêu dùng nói chung, dẫn đến việc nhiều doanh nghiệp phải điều chỉnh kế hoạch sản xuất, kinh doanh, tái định hình chuỗi cung ứng. Những biến động về địa chính trị, cạnh tranh giữa các nền kinh tế lớn trong khu vực cũng đang tác động tiêu cực đến hoạt động đầu tư xuyên quốc gia nói chung. Do đó, Việt Nam, Nhật Bản cần có những giải pháp phù hợp để phát huy hơn nữa mối quan hệ hợp tác giữa hai nước trong lĩnh vực hợp tác về đầu tư, lấy đó làm cơ sở tiếp tục phát triển mối quan hệ đối tác chiến lược toàn diện.

Giải pháp

Về phía Việt Nam, hiện nay Chính phủ cùng các Bộ, ngành và địa phương đang quyết liệt thực hiện những giải pháp nhằm hoàn thiện hệ thống pháp luật về đầu tư, kinh doanh, trong đó tập trung đơn giản hóa các thủ tục hành chính, minh bạch hóa các thủ tục, quy trình cấp phép, quản lý đầu tư. Đồng thời, có định hướng rõ ràng về ngành, lĩnh vực ưu tiên thu hút đầu tư, lấy đó làm cơ sở ban hành các hình thức ưu đãi đầu tư phù hợp, đảm bảo tính hiệu quả. Đối với các địa phương, đang tiếp tục xây dựng và củng cố các mối quan hệ với các hiệp hội, tổ chức, địa phương của Nhật Bản để tăng cường hợp tác về đầu tư, góp phần phát triển mối quan hệ hợp tác giữa hai nước. Ngoài ra, cần tập trung làm tốt công tác quy hoạch, tập trung giải ngân vốn đầu tư công, huy động mọi nguồn lực đầu tư vào các dự án trọng điểm, đào tạo nguồn nhân lực, cải cách thủ tục hành chính để góp phần phát triển môi trường đầu tư, kinh doanh nói chung.

Hướng đến 50 năm kỷ niệm thiết lập mối quan hệ ngoại giao Việt Nam – Nhật Bản, hai nước đang đứng trước nhiều cơ hội, nhưng đồng thời cũng đối diện với nhiều khó khăn, thách thức của một thế giới nhiều biến động, tiềm ẩn nhiều rủi ro. Nhìn lại chặng đường hợp tác Việt Nam – Nhật Bản, với sự quyết tâm cao và tinh thần hợp tác, tương trợ về mọi mặt, nền tảng hợp tác giữa hai nước sẽ chính là những nền tảng vững chắc để tiếp tục phát triển hơn nữa quan hệ đối tác chiến lược, góp phần nâng tầm sự hợp tác giữa hai nước.

Theo Cục ĐTNN
Số lượt đọc: 4948
Thông báo