BỘ KẾ HOẠCH VÀ ĐẦU TƯ
CỤC ĐẦU TƯ NƯỚC NGOÀI
TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ ĐẦU TƯ NƯỚC NGOÀI
Thứ Sáu, 22/11/2024
Hội thảo, diễn đàn, triển lãm
Tăng cường hợp tác giữa Việt Nam và Australia trong lĩnh vực nông nghiệp
Thứ Năm, 27/03/2014 03:17
Tăng cường hợp tác giữa Việt Nam và Australia trong lĩnh vực nông nghiệp

Ngày 23/9, tại Sydney, Australia đã diễn ra Hội thảo về cơ hội đầu tư và thương mại trong lĩnh vực nông-lâm-thủy sản. Đây là hoạt động nằm trong khuôn khổ chuyến thăm và làm việc của Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Diệp Kỉnh Tần tới Australia và New Zealand nhằm tăng cường xúc tiến đầu tư và thương mại nông-lâm-thủy sản giữa Việt Nam và hai nước nêu trên.

Tại buổi hội thảo, Thứ trưởng Diệp Kỉnh Tần đánh giá rất cao tiềm năng hợp tác đầu tư thương mại giữa Việt Nam với Australia, đặc biệt là khi các bên đã và đang thực hiện các cam kết trong khuôn khổ Hiệp định Khu vực mậu dịch tự do ASEAN- Australia, New Zealand và cũng đang tham gia đàm phán Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Australia có nhiều lợi thế và đạt trình độ cao về sản xuất, chế biến và xuất khẩu sản phẩm nông nghiệp. Do đó, tiềm năng hợp tác đầu tư, thương mại nông-lâm-thủy sản giữa Việt Nam và Australia là rất lớn.

Phía Việt Nam khẳng định Việt Nam đã và đang triển khai nhiều chính sách ưu đãi đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, tạo môi trường ngày càng thuận lợi cho nguồn vốn đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn còn hết sức hạn chế, chỉ đạt hơn 950 dự án, vốn đầu tư đăng ký 4,8 tỷ USD, trong đó các dự án đầu tư liên quan đến sản xuất nông-lâm-thủy sản đạt khoảng 480 dự án, vốn đăng ký là 3,1 tỷ USD, chiếm tỷ trọng thấp so với vốn đầu tư FDI đăng ký tại Việt Nam.

Mặt khác, hiệu quả thực hiện các dự án trong lĩnh vực nông-lâm-thủy sản còn rất hạn chế. Chính vì vậy, Việt Nam kêu gọi các đối tác nước ngoài, trong đó có Australia thúc đẩy hơn nữa hợp tác, đầu tư thương mại trong lĩnh vực nông-lâm-thủy sản với Việt Nam.

Phía Australia cũng bày tỏ sự quan tâm đến biện pháp tăng cường hợp tác với Việt Nam trong lĩnh vực nông-lâm-thủy sản, như thiết kế các khóa học tập kinh nghiệm, trao đổi chuyên gia. Đồng thời, cũng gợi ý Việt Nam cần chú ý hơn tới việc tạo kênh để nông dân tiếp cận thị trường dễ dàng, hay vấn đề triển khai ứng dụng khoa học công nghệ mới trong nông nghiệp và phát triển nông thôn.

Số lượt đọc: 1792
Thông báo