BỘ KẾ HOẠCH VÀ ĐẦU TƯ
CỤC ĐẦU TƯ NƯỚC NGOÀI
TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ ĐẦU TƯ NƯỚC NGOÀI
Chủ Nhật, 22/12/2024
Hội thảo, diễn đàn, triển lãm
Diễn đàn hợp tác đầu tư tiểu vùng Mekong 2012
Thứ Năm, 27/03/2014 03:16
Diễn đàn hợp tác đầu tư tiểu vùng Mekong 2012

Ngày 09/11/2012, Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam đã phối hợp với Hội Phát triển hợp tác kinh tế Việt Nam – Lào – Campuchia và Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài tổ chức Diễn đàn hợp tác đầu tư Tiểu vùng Mekong 2012 và Lễ công bố quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế xã hội đến năm 2020 khu vực Đông Nam Bộ, Tây Nguyên và Đồng bằng sông Cửu Long tại Thành phố Buôn Mê Thuột, Đắc Lắc

Hội nghị có sự tham dự của đại diện Ban Chỉ đạo Tây Nguyên, Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đại diện các địa phương khu vực Tây Nguyên của Việt Nam, Thành phố Hồ Chí Minh, một số địa phương của Lào (Champasak, Attapeu, Sekong), Viện Khoa học kỹ thuật Nông lâm nghiệp Tây Nguyên, đại diện các Hội và Hiệp hội (Hội Phát triển hợp tác kinh tế Việt Nam – Lào – Campuchia, Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, Hội doanh nghiệp Hàn Quốc).

Chủ đề của Diễn đàn năm nay tập trung vào việc thúc đẩy hợp tác đầu tư trong  khu vực Tam giác phát triển Việt Nam – Lào – Campuchia. Tham gia vào chủ đề này, Cục Đầu tư nước ngoài, UBND Đắc Lắc, tỉnh Attapeu (Lào) và Hội Phát triển hợp tác kinh tế Việt Nam – Lào – Campuchia, Hội Phát triển hợp tác kinh tế Việt Nam – Lào – Campuchia tại Campuchia và Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Kon Tum đã có các tham luận riêng. Nhìn chung, quan hệ hợp tác đầu tư giữa ba nước trong khu vực Tam giác phát triển Việt Nam – Lào – Campuchia đã đạt những kết quả đáng khích lệ. Việt Nam đang đầu tư nhiều dự án vào các tỉnh của Lào vào Campuchia trong nhiều lĩnh vực thủy điện, trồng cây công nghiệp, thương mại, xây dựng, tài chính, dịch vụ. Tuy nhiên, mức độ hợp tác còn chưa tương xứng với tiềm năng, đồng thời vẫn còn nhiều rào cản hạn chế sự hợp tác kinh tế trong khu vực. Các bài tham luận đề xuất nhiều kiến nghị như ba nước cần có chính sách chung, nhất quán về đầu tư trong khu vực, thu hút đầu tư từ nguồn vốn ngoài khu vực (Nhật Bản, Hàn Quốc), đặt trọng tâm giải quyết vấn đề cơ sở hạ tầng, đặc biệt là giao thông kết nối … Nhiều ý kiến tập trung vào các giải pháp từ phía Chính phủ Việt Nam để thúc đẩy đầu tư từ Việt Nam sang Lào và Campuchia và thu hút đầu tư nước ngoài vào khu vực Tây Nguyên của Việt Nam.

Tại Diễn đàn, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đồng thời công bố Quy hoạch phát triển kinh tế xã hội đến năm 2020 khu vực Đông Nam Bộ, Tây Nguyên và Đồng bằng sông Cửu Long đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại các Quyết định số 939/QĐ-TTg ngày 19/7/2012 phê duyệt quy hoạch TTPTKTXH vùng ĐBSCL đến năm 2020; Quyết định số 943/QĐ-TTg ngày 20/7/2012 phê duyệt quy hoạch TTPTKTXH vùng ĐNB đến năm 2020; Quyết định số 936/QĐ-TTg ngày 18/7/2012 phê duyệt quy hoạch TTPTKTXH vùng Tây Nguyên đến năm 2020. Tại lễ công bố, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã giới thiệu tóm lược các nội dung cơ bản của các quyết định phê duyệt quy hoạch, các trọng tâm đầu tư theo ngành và lãnh thổ để thống nhất trong điều hành phát triển của các nhà lãnh đạo địa phương và cung cấp thông tin cơ bản để các nhà đầu tư có căn cứ định hướng đầu tư vào các vùng trong thời gian tới.
Xung quanh nội dung này có nhiều ý kiến đóng góp của đại diện UBND tỉnh Lâm Đồng, Sở Kế hoạch và Đầu tư TP. Hồ Chí Minh, Ban chỉ đạo Tây Nguyên, Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ, Viện Khoa học kỹ thuật Nông lâm nghiệp Tây Nguyên. Các tham luận đã nêu ra nhiều vấn đề xác đáng như sự phù hợp của quy hoạch tổng thế với quy hoạch của từng địa phương, vấn đề chuyển dịch cơ cấu cây trồng trên địa bản các tỉnh Tây Nguyên, vấn đề kết nối giao thông, vấn đề liên kết vùng, cơ chế phối hợp, triển khai quy hoạch, vấn đề biến đổi khí hậu… Hội nghị cũng nhận được ý kiến đóng góp của đại diện Hiệp hội doanh nghiệp đầu tư nước ngoài cũng như đại diện các doanh nghiệp tại Campuchia.

Phát biểu kết luận Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đào Quang Thu khẳng định việc hợp tác trong khu vực tiểu vùng Mekong, đặc biệt là khu Tam giác phát triển Việt Nam – Lào – Campuchia có nhiều cơ hội nhưng cũng nhiều thách thức. Để góp phần thúc đẩy sự hợp tác này, cần phải triển khai nhiều giải pháp đồng bộ từ phía Chính phủ như thường xuyên rà soát, kiểm điểm, đẩy nhanh việc thực hiện các thỏa thuận hợp tác đã ký kết, đồng thời xây dựng các thỏa thuận mới phù hợp với nhu cầu thực tế, hoàn thiện hệ thống pháp luật về đầu tư, kinh doanh, thuế, hải quan, cải thiện thủ tục hành chính; phát triển kết cấu hạ tầng, đặc biệt là dọc tuyến hành làng Đông Tây, duy trì cơ chế phối hợp hiệu quả giữa chính phủ và chính quyền địa phương ba nước trong khu vực. Về phía doanh nghiệp, nhà đầu tư cần chấp hành nghiêm túc luật pháp nước sở tại, nghiêm túc thực hiện dự án đúng tiến độ, đóng góp cho kinh tế - xã hội tại địa bàn nhận đầu tư. Về vấn đề quy hoạch, trên cơ sở quy hoạch tổng thể của Chính phủ, các địa phương cần sớm rà soát quy hoạch của tỉnh cho phù hợp, đề xuất cơ chế đặc thù cho vùng, xác định các dự án đầu tư đột phá làm động lực thực hiện các mục tiêu phát triển đã đề ra…

Diễn đàn hợp tác đầu tư Tiểu vùng Mekong là chương trình thường niên được tổ chức bắt đầu từ năm 2009 (tại Campuchia), 2011 (tại Thành phố Hồ Chí Minh) nhằm mục tiêu thúc đẩy giao lưu hợp tác kinh tế trong khu vực Mekong, giới thiệu và kết nối các nhà đầu tư với các địa phương của các nước trong khu vực trong các lĩnh vực đầu tư – thương mại – du lịch.

Số lượt đọc: 1779
Thông báo