BỘ KẾ HOẠCH VÀ ĐẦU TƯ
CỤC ĐẦU TƯ NƯỚC NGOÀI
TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ ĐẦU TƯ NƯỚC NGOÀI
Thứ Năm, 23/01/2025
Hội thảo, diễn đàn, triển lãm
Hungary, Anh hướng vào Việt Nam
Thứ Năm, 27/03/2014 03:09

Trở về Việt Nam sau chuyến thăm Nhật Bản để nhận Huân chương Mặt trời mọc có sao vàng, sao bạc do Nhà nước Nhật Bản trao tặng, nguyên Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Võ Hồng Phúc đã dành cho Báo Đầu tư cuộc trao đổi xung quanh việc làm sao để tăng cường thu hút đầu tư từ quốc gia này.

Trước hết, xin chúc mừng ông vừa nhận Huân chương Mặt trời mọc có sao vàng, sao bạc do Nhà nước Nhật Bản trao tặng. Sau chuyến đi này, cảm nhận của ông thế nào về mối quan tâm của Nhật Bản đối với Việt Nam?

Trong chuyến đi này, tôi cũng đã có dịp tiếp xúc với giới kinh doanh cũng như chính giới Nhật Bản và cảm nhận của tôi là, hiện nay, Nhật Bản rất thông cảm với tình hình khó khăn của Việt Nam. Họ nói rằng, Việt Nam đúng là đang có những khó khăn nhất định về kinh tế, như lạm phát, kinh tế vĩ mô mất ổn định, tăng trưởng chậm lại, nhưng với quyết tâm của Chính phủ, những khó khăn nhất thời này sẽ nhanh chóng qua đi. Kinh tế Việt Nam sẽ sớm lấy lại đà tăng trưởng, kinh tế vĩ mô sẽ tiếp tục ổn định, các vấn đề về nợ xấu, lạm phát sẽ dần dần được khắc phục.

Họ đã bày tỏ sự tin tưởng vào triển vọng dài hạn của Việt Nam, đồng thời khẳng định, tiếp tục xem Việt Nam là điểm đến đầu tư hàng đầu.

Thời gian gần đây, đặc biệt sau thảm họa kép động đất, sóng thần hồi đầu năm ngoái, dư luận đã nhắc nhiều tới xu hướng đầu tư ra bên ngoài của các doanh nghiệp Nhật Bản, cũng như xu hướng dịch chuyển dòng vốn đầu tư của Nhật sang khu vực Đông Nam Á. Liệu đây có phải là cơ hội cho Việt Nam, thưa ông?

Đúng là hiện nay, các nhà đầu tư Nhật Bản đang có xu hướng chuyển dịch mạnh đầu tư vào các nước Đông Nam Á. Họ nhắm vào cả các thị trường Thái Lan, Indonesia, Myanmar, chứ không chỉ riêng Việt Nam. Nơi nào có môi trường đầu tư tốt, cơ hội đầu tư thuận lợi, thì họ sẽ chọn nơi đó để đầu tư. Vì thế, điều quan trọng là, Việt Nam phải làm sao để tận dụng được dòng vốn này.

Điều đáng quan tâm là, nếu như trước đây, đối thủ cạnh tranh của Việt Nam chỉ là Thái Lan, Indonesia, thì bây giờ còn có một Myanmar đang trỗi dậy. Các nhà đầu tư Nhật Bản đã khẳng định, Myanmar cũng là một thị trường mà họ rất chú ý, bởi ở quốc gia này, tình hình dân chủ, môi trường đầu tư đang được cải thiện, Chính phủ Myanmar cũng đang thúc đẩy việc xây dựng Luật Đầu tư phù hợp thông lệ quốc tế.

Vậy Việt Nam phải làm thế nào để có thể thu hút đầu tư từ các doanh nghiệp Nhật Bản?

Tuy đánh giá rằng, môi trường đầu tư của Việt Nam hấp dẫn, nhưng các nhà đầu tư Nhật Bản cũng rất băn khoăn về chuyện ổn định kinh tế vĩ mô, tính nhất quán của chính sách của Việt Nam. Có thể lấy những thay đổi trong chính sách phát triển ngành công nghiệp ô tô làm ví dụ điển hình. Những chính sách này cũng khiến nhà đầu tư phân vân. Chúng ta nói rất nhiều về vấn đề này, nhưng thực tế, giải pháp cụ thể lại chưa có. Vì vậy, điều quan trọng là, chính sách phải rõ ràng, minh bạch, nhất quán.

Một điều nữa mà các nhà đầu tư Nhật Bản quan ngại, đó là cơ sở hạ tầng của Việt Nam còn yếu kém, chậm được khắc phục, đặc biệt là đường bộ cao tốc. Tương tự là vấn đề đào tạo, để làm sao có được một nguồn nhân lực chất lượng cao, đủ sức cạnh tranh với các nước xung quanh. Đây là những điểm yếu mà Việt Nam phải khắc phục và cải thiện hơn nữa.

Là một chuyên gia về Nhật Bản, ông có thể cho biết những lĩnh vực mà Việt Nam có thể tăng cường thu hút đầu tư từ quốc gia này?

Có nhiều lĩnh vực chúng ta có thể tăng cường thu hút đầu tư từ Nhật Bản, như công nghệ cao, công nghiệp phụ trợ. Hiện nay, có một số công ty Nhật Bản muốn phát triển công nghiệp phụ trợ cho ngành công nghiệp ô tô. Họ cũng rất quan tâm đến phát triển đô thị, đặc biệt là phát triển đô thi phù hợp môi trường sinh thái, cả đầu tư vào cơ sở hạ tầng, năng lượng… Có thể nói, hầu hết các tập đoàn lớn của Nhật Bản đều quan tâm và mong muốn đầu tư tại Việt Nam. Vấn đề là, Việt Nam phải có một môi trường đầu tư ổn định để họ có thể dừng chân tại đây.

Một khía cạnh khác, 20 năm qua, Nhật Bản là nhà tài trợ ODA song phương lớn nhất cho Việt Nam. Dự báo của ông về nguồn tài trợ này trong những năm tới?

Chắc chắn đối với Việt Nam, Nhật Bản sẽ duy trì một lượng ODA tương đối ổn định và dài hơi hơn so với các nước khác. Mặc dù một số đối tác phát triển đã giảm dần vốn ODA cho Việt Nam, nhưng Nhật Bản đã xác định rằng, từ nay tới năm 2020, vẫn sẽ tăng cường ODA cho Việt Nam. Tuy nhiên, chúng ta cũng phải có một tầm nhìn xa hơn, đó là Việt Nam đã đạt đến trình độ phát triển nhất định, ODA cho Việt Nam cũng sẽ giảm dần. Lúc ấy, quan hệ hợp tác kinh tế Việt Nam - Nhật Bản sẽ được tăng cường chủ yếu trong khu vực tư nhân.

Số lượt đọc: 693
Thông báo