BỘ KẾ HOẠCH VÀ ĐẦU TƯ
CỤC ĐẦU TƯ NƯỚC NGOÀI
TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ ĐẦU TƯ NƯỚC NGOÀI
Thứ Tư, 22/01/2025
Quan hệ song phương
Tìm cơ hội hợp tác đầu tư Việt - Nhật trong xu hướng mới
Thứ Hai, 14/03/2022 09:44
Tìm cơ hội hợp tác đầu tư Việt - Nhật trong xu hướng mới

Hợp tác đầu tư Việt - Nhật trong thời gian tới cần lưu tâm đến những xu hướng mới khi các nước quan tâm nhiều hơn đến các mặt hàng chiến lược và xác định đối tác tin cậy.

Theo nhận định của TS. Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh, tiềm năng hợp tác giữa Việt Nam và Nhật Bản là rất lớn. Tuy nhiên, “chúng ta đang sống trong giai đoạn mà tần suất, cường độ rủi ro bất định ngày càng gia tăng. Địa chính trị, dịch bệnh, biến đổi khí hậu, thiên tai, tài chính - tiền tệ đã tạo nên những bối cảnh rất mới”, TS. Võ Trí Thành nhận xét.

Những bối cảnh mới cũng kéo theo sự dịch chuyển chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị toàn cầu. Ông Thành cho rằng, có 4 vấn đề cần lưu ý đối với xu hướng dịch chuyển chuỗi cung ứng và điều này cũng gắn chặt với khu vực.

Thứ nhất, châu Á - Thái Bình Dương có ý nghĩa quan trọng đối với mạng lưới sản xuất toàn cầu, nhờ lợi thế so sánh, tự do hóa thương mại và đầu tư được đẩy mạnh trong vài thập niên trở lại đây.

Thứ hai, những năm gần đây, cách mạng công nghiệp lần thứ 4 và chuyển đổi số đã tối hưu hóa các chuỗi cung ứng và điều này dẫn tới xu hướng co hẹp/rút ngắn chuỗi cung ứng.

Thứ ba, các căng thẳng địa chính trị, xung đột thương mại Mỹ - Trung, đại dịch Covid-19 đã thúc đẩy các xu hướng mới. Trong chuỗi cung ứng, các nước bắt đầu quan tâm hơn đến những mặt hàng chiến lược như khẩu trang, thiết bị y tế trong thời dịch, chú tâm hơn đến việc làm chủ công nghệ lõi và xác định đối tác tin cậy.

Thứ tư, trong 10 - 15 năm trở lại đây, các nhà đầu tư nói nhiều đến chiến lược đầu tư “Trung Quốc + 1” và Việt Nam cùng ASEAN hưởng lợi từ chiến lược này. Thế nhưng, với xung đột thương mại Mỹ - Trung và sự xuất hiện của Covid-19, thì sự dịch chuyển chuỗi cung ứng không đơn thuần là thực hiện chiến lược “Trung Quốc + 1”, mà nó gắn với sự thay đổi trong chiến lược đầu tư về công nghệ lõi, sản phẩm chiến lược và xác định đối tác tin cậy.

Về hợp tác hai bên trong chuỗi giá trị, Nhật Bản vẫn nằm trong nhóm nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất ở Việt Nam, xét theo vốn đăng ký lũy kế. Trong đó, hơn 65% vốn FDI của Nhật Bản vào Việt Nam tập trung ở lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo.

Tuy nhiên, điểm đặc biệt mà TS. Võ Trí Thành lưu ý là hợp tác ngành, lĩnh vực. Hai bên đã thiết lập khuôn khổ hợp tác trên một số lĩnh vực, như điện tử, máy nông nghiệp, chế biến nông sản, môi trường, tiết kiệm năng lượng, đóng tàu, công nghiệp hỗ trợ.

Doanh nghiệp Việt Nam cần lưu ý thêm các lĩnh vực mà phía Nhật Bản đang quan tâm đầu tư là logistics, nông nghiệp công nghệ cao, bất động sản, tài chính - ngân hàng, du lịch, bán lẻ, hàng không, công nghệ thông tin, hạ tầng.

Doanh nghiệp trong nước nên xem xét mở rộng hợp tác với Nhật Bản trong những lĩnh vực còn mới mẻ, như đô thị thông minh, xây dựng vườn ươm công nghệ để phát triển các start-up. Gần đây, phía Việt Nam đã tham vấn các nhà đầu tư nước ngoài trong nhiều lĩnh vực, đặc biệt là xem xét lợi thế so sánh và nâng cao vai trò của Việt Nam trong các chuỗi cung ứng trang thiết bị y tế bởi đây là lĩnh vực chúng ta có lợi thế.

Tuy nhiên, từ phía Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), ông Nguyễn Anh Dương, Trưởng ban Nghiên cứu tổng hợp cho rằng, mức độ tham gia của doanh nghiệp Việt Nam vào chuỗi cung ứng do doanh nghiệp Nhật Bản dẫn dắt còn tương đối hạn chế và chậm cải thiện. Để cải thiện hiệu quả hợp tác Việt - Nhật trong chuỗi giá trị, ông Dương đề xuất phải ưu tiên một số đầu việc, như kiểm soát Covid-19 hiệu quả và bảo đảm nguồn cung lao động; quyết liệt thực hiện chương trình phục hồi và phát triển kinh tế; tạo động lực mới cho cải thiện môi trường đầu tư - kinh doanh; củng cố niềm tin trong quan hệ liên kết giữa doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và doanh nghiệp trong nước.

Ở góc nhìn rộng hơn, GS. Mie Oba, Khoa Luật, Đại học Kanagawa (Nhật Bản) cho rằng, Việt Nam và Nhật Bản cần tận dụng các hiệp định CPTPP và RCEP, cùng các khuôn khổ hợp tác đa phương khác, để giải quyết những bất ổn, thách thức của khu vực.

“Hai bên có thể tập trung vào các trật tự mở và tự do để thúc đẩy sự thịnh vượng của khu vực và cải thiện quy định chung trong lĩnh vực thương mại xuyên biên giới”, GS. Mie Oba khuyến nghị.

Theo baodautu.vn
Số lượt đọc: 6293
Thông báo