BỘ KẾ HOẠCH VÀ ĐẦU TƯ
CỤC ĐẦU TƯ NƯỚC NGOÀI
TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ ĐẦU TƯ NƯỚC NGOÀI
Thứ Tư, 22/01/2025
Quan hệ song phương
Đa Chiều: Dưới thời Joe Biden, Đài Loan và Biển Đông sẽ là những điểm nóng trong quan hệ Mỹ - Trung?
Thứ Năm, 26/11/2020 02:43
Đa Chiều: Dưới thời Joe Biden, Đài Loan và Biển Đông sẽ là những điểm nóng trong quan hệ Mỹ - Trung?

Trang tin Đa Chiều (Dwnews) ngày 30/10 đăng bài cho rằng, sau khi Joe Biden vào Nhà Trắng, cách ông xử lý vấn đề Đài Loan và Biển Đông sẽ liên quan trực tiếp đến sự thành hay bại của chiến lược châu Á và chính sách Trung Quốc của Mỹ.

Với quan điểm chắc chắn cho rằng ông Joe Biden sẽ là chủ nhân Nhà Trắng nhiệm kỳ tới, trang tin Đa Chiều có ảnh hưởng lớn trong thế giới Hoa ngữ ngày 30/11 đăng bài của tác giả Hoàng Kim "Nội các Joe Biden: Đài Loan và Biển Đông sẽ là điểm có nguy cơ bùng nổ chăng?", nhận định, sau khi ông Joe Biden nhậm chức, chắc chắn ông sẽ thực hiện sự điều chỉnh đối với chiến lược Ấn Độ - Thái Bình Dương của Mỹ. Các khu vực Biển Đông và eo biển Đài Loan vẫn là địa điểm chính của ván bài địa chính trị Trung-Mỹ. Sau thất bại trong chiến lược châu Á của Barack Obama và sự bất ổn gia tăng kể từ khi ông Donald Trump giữ chức, cách mà Joe Biden xử lý các vấn đề eo biển Đài Loan và Biển Đông sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến thành công hay thất bại của chiến lược châu Á và chính sách Trung Quốc của Mỹ.

 

Khi thảo luận về sự phát triển của quan hệ Trung-Mỹ trong 4 năm tới, nhiều cuộc tranh luận giữa Biden và đội ngũ chuyển tiếp của ông và Đảng Dân chủ về an ninh quốc gia và chính sách đối ngoại đều xoay quanh việc làm thế nào để tránh chính quyền Joe Biden trở thành "nhiệm kỳ thứ ba của Obama". Một mặt, đội ngũ của Joe Biden chủ trương duy trì tư thế thận trọng trong ngoại giao, hàn gắn quan hệ đồng minh, tránh nói về Chiến tranh Lạnh Trung-Mỹ. Mặt khác, xét về tính chất đối đầu Trung-Mỹ và sự thay đổi môi trường trong 4 năm qua, Trung Quốc và Mỹ khó có thể quay lại trạng thái cạnh tranh – hợp tác thời Obama. Chính quyền Biden trong khi chú trọng hợp tác, cũng sẽ chú ý nhiều hơn đến cạnh tranh và thậm chí là đối đầu.

 

Điều này có nghĩa là “chính quyền Biden” vừa có sự tiếp nối tư duy quyết sách thời Obama, lại vừa có đặc điểm cứng rắn với Trung Quốc thời chính quyền Trump, nhưng biện pháp sẽ khác. Trong quan hệ với Trung Quốc, “chính quyền Biden” khó có thể trở thành “nhiệm kỳ thứ ba của Obama”.

 

Tuy nhiên, từ việc tái sử dụng bộ sậu cũ của ông Obama, có thể thấy rằng ông Biden sẽ không hoàn toàn vạch ra được ranh giới với thời Obama. Từ quan điểm của nhu cầu xây dựng đội ngũ nhân sự và kế thừa của chính phủ Đảng Dân chủ, họ cũng muốn duy trì tính liên tục. Đặc biệt là ở khu vực eo biển Đài Loan và Biển Đông, những nơi có liên quan đến ý nghĩa địa chiến lược của hai nước, sự đối đầu của chính quyền Biden với Trung Quốc phần lớn sẽ tiếp tục cách làm của thời Obama.

 

Kể từ khi ông Trump nắm quyền, hai khu vực này cũng có các giai đoạn bị bỏ quên. Ngoại trừ các cuộc đấu chính trị trong nước như bê bối liên quan đến Nga, bê bối liên quan Ukraine và vụ luận tội, ông Trump dành phần lớn tinh lực ở nước ngoài cho cuộc chiến thương mại, ít khi quan tâm đến Đài Loan và Biển Đông. Tuy nhiên, khi cuộc tổng tuyển cử đến gần, với sức ép của cánh hữu và vận động hành lang của Đài Loan, Quốc hội Mỹ đã đưa ra một số dự luật liên quan đến Đài Loan và một số dự luật thậm chí đã được ông Trump ký thành luật. Quân đội Mỹ cũng đã tăng cường nỗ lực tuần tra trên Biển Đông và thậm chí nhiều lần đưa tàu chiến đi qua eo biển Đài Loan.

 

Hỗ trợ Đài Loan thông qua các biện pháp pháp lý, quân sự và ngoại giao là "động thái bình thường mới" được chính quyền Trump và Quốc hội Mỹ tạo ra khi đối mặt với những thách thức từ Trung Quốc. Tuy nhiên, chính sách ngoại giao của Mỹ thường xuyên chạm vào ranh giới đỏ của Trung Quốc, máy bay quân sự và tàu chiến của Mỹ di chuyển thường xuyên, tất nhiên sẽ làm trầm trọng thêm căng thẳng khu vực và gia tăng nguy cơ xung đột quân sự với Trung Quốc.

 

Theo quan điểm của Joe Biden và nhóm của ông, Mỹ cần thể hiện sự hiện diện quân sự và ngoại giao của mình ở Đài Loan và Biển Đông, đặc biệt là duy trì mối quan hệ an ninh tốt đẹp với các đồng minh và đối tác trong khu vực, nhưng không thể làm tình hình khu vực leo thang và gây căng thẳng giữa các bên có lợi ích liên quan. Sau khi Joe Biden nhậm chức, ông sẽ giảm thiểu rủi ro này và “ổn định” tình hình khu vực. Hơn nữa, không giống như chính quyền Donald Trump, khi Joe Biden cân nhắc lợi ích của eo biển Đài Loan, Biển Đông hay toàn bộ khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương, ông cũng sẽ chú trọng liên lạc với Trung Quốc thay vì đơn phương thúc đẩy việc triển khai chiến lược của Mỹ.

 

 

Trong thời kỳ chính quyền Obama, Đài Loan do Quốc Dân đảng cai trị, quan hệ hai bờ eo biển được hòa hoãn, vì vậy Đài Loan đã tham gia vào chương trình nghị sự của nhiều tổ chức quốc tế, trong đó có WHO. Chính quyền Obama khi đó cũng chủ trương hai bên eo biển đàm phán để giải quyết những bất đồng. Về Biển Đông, ông Obama vừa phê phán hành động “quân sự hóa” của Trung Quốc ở Biển Đông, vừa ủng hộ Philippines giải quyết các tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông thông qua trọng tài quốc tế, nhưng bỏ qua thực tế Philippines và Việt Nam cũng đơn phương thay đổi hiện trạng khu vực.

 

Sau khi Joe Biden nhậm chức, Mỹ sẽ tiếp tục ủng hộ việc Đài Loan gia nhập các tổ chức quốc tế như Tổ chức Y tế Thế giới và sẽ tiếp tục cáo buộc Trung Quốc quân sự hóa ở Biển Đông; nhưng về tổng thể vẫn sẽ chú trọng việc cùng Trung Quốc kiểm soát tình hình khu vực. Ứng cử viên chức Ngoại trưởng Antony Blinken trong một cuộc phỏng vấn với hãng CBS vào tháng 5 năm nay đã đề cập rằng: các chính phủ Mỹ trước đây, dù đó là chính phủ Cộng hòa hay Dân chủ, đều có một thành công lớn trong quan hệ với Trung Quốc là xử lý các thách thức của quan hệ hai bờ eo biển, tránh để nó phá hoại sự ổn định của khu vực. Blinken tin rằng điều này có lợi cho cả hai bên bờ eo biển và ông Biden sau khi lên nắm quyền sẽ tìm lại sự "cân bằng" này.

 

Ở Biển Đông, Blinken cũng tiếp tục cách làm thời kỳ Obama, ông cho rằng tất cả các nước trong khu vực, trong đó có Trung Quốc, cần tuân thủ luật pháp quốc tế, thực hiện nghĩa vụ của mình, duy trì tự do hàng hải và tránh đơn phương thay đổi cục diện.

 

Ngoài ra, ở Biển Đông và eo biển Đài Loan, ông Biden sẽ quay trở lại cách làm thời kỳ Barak Obama; một mặt nhằm “tìm kiếm sự ổn định” và tránh bất kỳ bên nào ở Biển Đông và eo biển Đài Loan nảy sinh hỗn loạn, buộc Mỹ bị lôi cuốn vào cuộc; mặt khác, nhiệm vụ hàng đầu của ông Biden sau khi nắm quyền là phòng chống dịch bệnh và chấn hưng nền kinh tế, không muốn các nhân tố bên ngoài can thiệp vào công việc nội bộ của họ.

 

Do đó, ở những khu vực có thể nổ ra xung đột tiềm tàng như eo biển Đài Loan và Biển Đông, lựa chọn tốt nhất trong quyết sách của ông Biden là tiếp tục cách làm của thời kỳ Obama, tức là tập trung vào việc xây dựng các “quy tắc”, duy trì “trật tự” và thiết lập các “cơ chế” liên lạc; đồng thời phản đối bất kỳ bên nào đơn phương thay đổi hiện trạng. Điều này sẽ giúp hạ nhiệt căng thẳng ở eo biển Đài Loan và Biển Đông.

 

Trong đó, việc xác định cơ chế liên lạc thực ra cũng bao gồm tham vấn với Trung Quốc, bên liên quan lớn nhất, để tránh giữa hai nước có đánh giá sai lệch trong khu vực dẫn tới xung đột. Ngay cả khi đội ngũ cầm quyền của ông Biden có bất kỳ ý tưởng mới hay tư duy quyết sách mới nào đối với khu vực điểm nóng này, trước hết họ phải quay trở lại yêu cầu cơ bản là “ổn định tình hình khu vực”.
Theo Viettimes
Số lượt đọc: 2444
Thông báo