Chỉ
số PCI do VCCI và USAID hợp tác xây dựng từ năm 2005 nhằm đánh giá môi trường
kinh doanh, chất lượng điều hành kinh tế và nỗ lực cải cách hành chính của
chính quyền các tỉnh, thành phố của Việt Nam, qua đó thúc đẩy sự phát triển của
doanh nghiệp tư nhân.
Được
thực hiện năm thứ 11 liên tiếp, báo cáo PCI 2015 dựa trên thông tin phản hồi từ
11.700 doanh nghiệp, trong đó có 10.200 doanh nghiệp dân doanh đang hoạt động tại
63 tỉnh, thành phố và gần 1.600 doanh nghiệp FDI đang hoạt động tại 14 tỉnh,
thành phố tại Việt Nam.
Theo
Bảng xếp hạng PCI 2015, Đà Nẵng năm thứ 3 liên tiếp trụ vững tại ngôi đầu bảng
với số điểm 68,34, đánh dấu lần thứ 6 thành phố này dẫn đầu cả nước kể từ khi
chỉ số PCI được công bố.
Sau
Đà Nẵng là Đồng Tháp (66,39 điểm) và Quảng Ninh (65,75 điểm), những tỉnh có nhiều
sáng kiến cải cách hành chính và đổi mới chất lượng điều hành. Hai địa phương
tiếp theo nằm trong nhóm có chất lượng điều hành rất tốt của PCI 2015 lần lượt
là Vĩnh Phúc (62,75 điểm) và Lào Cai (62,32 điểm), vốn là những tỉnh từng đạt
được thành tích cao trong PCI những năm trước. Nhóm 10 tỉnh, thành phố có chất
lượng điều hành tốt nhất năm 2015 còn có TP.Hồ Chí Minh, Thái Nguyên, Quảng
Nam, Long An và Thanh Hóa khi nhận được nhiều đánh giá tích cực của các doanh
nghiệp dân doanh.
Nhìn
chung, chất lượng điều hành kinh tế của các tỉnh, thành phố Việt Nam tiếp tục
duy trì xu hướng cải thiện. Đăng ký kinh doanh nghiệp, tiếp cận thông tin, cải
cách thủ tục hành chính tại các địa phương đã có nhiều chuyển biến tích cực
trong năm vừa qua. Trong khi đó, chi phí không chính thức còn phổ biến, cùng
môi trường cạnh tranh chưa bình đẳng vẫn là một số trở ngại chính theo phản ánh
của nhiều doanh nghiệp trong nước.
Điều
tra PCI 2015 ghi nhận những dấu hiệu khởi sắc của môi trường kinh doanh tại Việt
Nam. Tỉ lệ doanh nghiệp dân doanh tăng quy mô đầu tư vốn tiếp tục tăng nhẹ
(10,9%), quy mô vốn trung bình của doanh nghiệp tăng cao, trung bình là 16,5 tỷ
đồng, gấp đôi sơ với quy mô của năm 2006. Tỷ lệ doanh nghiệp tuyển dụng thêm
lao động là 12%, tăng gấp đôi so với năm 2012. Năm 2015, gần một nửa doanh nghiệp
(49%) cho biết sẽ mở rộng quy mô kinh doanh trong thời gian tới, mức cao nhất
trong vòng 5 năm công bố báo cáo PCI gần đây.
Cũng
theo Báo cáo PCI 2015, từ cảm nhận của 1.584 doanh nghiệp FDI cho thấy Việt Nam
tiếp tục được đánh giá tích cực so với các quốc gia cạnh tranh về sự ổn định của
chính sách, mức độ rủi ro bị thu hồi tài sản thấp, khả năng tham gia của doanh
nghiệp nước ngoài vào quá trình hoạch định các chính sách cao và các mức thuế hợp
lý. Tuy nhiên, môi trường kinh doanh của Việt Nam vẫn còn kém hấp dẫn về chi
phí không chính thức, gánh nặng quy định, chất lượng của cơ sở hạ tầng và chất
lượng dịch vụ công (như y tế, giáo dục). Các nhà đầu tư FDI đang lo ngại trước
những rủi ro về kinh tế vĩ mô và những thay đổi trong quy định pháp luật hoặc
thuế khiến lợi nhuận của họ có thể giảm sút. Tăng cường minh bạch thông tin là
cách thức quan trọng nhằm giảm thiểu những lo ngại này của các nhà đầu tư FDI.
Phân
tích về khả năng hấp thụ vốn và hiệu ứng lan tỏa của doanh nghiệp FDI tại Việt
Nam, báo cáo PCI 2015 nhận thấy hiệu ứng lan tỏa về công nghệ và năng suất lao
động từ các đối tác nước ngoài đến các doanh nghiệp trong nước tương đối hạn chế,
nhất là trong lĩnh vực công nghệ cao. Việt Nam cần cải thiện hiệu quả các hoạt
động đào tạo, nâng cao năng lực của người lao động và trình độ công nghệ của
các doanh nghiệp trong nước, để thu lại được nhiều lợi ích hơn từ FDI.